Người đứng sau các giải thưởng của học sinh

Nhiều năm công tác, giảng dạy tại Trường THPT Phan Văn Trị (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), thầy Nguyễn Phúc Thịnh đã lặng thầm nâng bước cho bao thế hệ học sinh.

Không chỉ dạy chữ, thầy còn là người truyền cảm hứng cho học sinh nghiên cứu, sáng chế khoa học kỹ thuật. Nhiều công trình, sản phẩm nghiên cứu của học sinh đoạt giải cao trong các cuộc thi và ứng dụng vào thực tiễn mang lại giá trị cho cuộc sống.

Cái duyên với... nghề tay trái

Tại Hội thi tuổi trẻ Cần Thơ đổi mới sáng tạo diễn ra dịp cuối năm 2022, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với mô hình xe điều khiển phun thuốc từ xa của 5 học sinh: Phan Trung Kiên, Nhan Thái Dương, Nguyễn Khánh, Trần Như Huỳnh (Trường THPT Phan Văn Trị) và Đào Thùy Duyên (Trường THPT An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Theo trưởng nhóm Phan Trung Kiên: Sau 7 tháng nghiên cứu, thử nghiệm, lắp ráp dưới sự hỗ trợ tận tình của thầy Nguyễn Phúc Thịnh, nhóm đã thành công và hoàn thành vào thời điểm cuối năm 2021.

Trò chuyện với Phan Trung Kiên, tôi chợt nhớ trong Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 28-năm 2022 tổ chức tại Quảng Nam, cũng với sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Phúc Thịnh, sản phẩm hỗ trợ bảo vệ, phòng, chống xâm hại ở nữ giới-SEGI của hai nữ sinh: Trần Như Huỳnh và Nguyễn Thị Trúc Mai, học sinh Trường THPT Phan Văn Trị, đoạt giải nhì.

Tò mò về người đứng sau các mô hình đoạt giải cao của học sinh, chúng tôi tìm đến Trường THPT Phan Văn Trị và được thầy Đặng Minh Vương, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Dù chuyên môn giảng dạy là Hóa học, nhưng thầy Thịnh có niềm đam mê nghiên cứu các lĩnh vực về vật lý, công nghệ. Ngoài nghiên cứu, thầy còn phát hiện ý tưởng, giúp học sinh định hướng hoàn thiện sản phẩm. Hơn 5 năm qua, thầy đã có bản thành tích dày cộm trong hướng dẫn học sinh sáng chế khoa học kỹ thuật và đoạt hàng chục giải thưởng tại các cuộc thi sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng từ cấp cơ sở đến quốc gia".

Thầy Nguyễn Phúc Thịnh hỗ trợ, hướng dẫn nhiều thế hệ học sinh đoạt giải thưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật.

Thầy Nguyễn Phúc Thịnh hỗ trợ, hướng dẫn nhiều thế hệ học sinh đoạt giải thưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật.

Khi được hỏi về những sản phẩm sáng tạo không liên quan đến chuyên môn của mình, thầy Thịnh vui vẻ cho biết: "Tôi nghĩ, nó cũng là cơ duyên. Năm 2014, khi còn là giáo viên tại Trường THPT Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ), ngoài giờ trên lớp, học sinh thường hay chia sẻ về ý tưởng sáng tạo mô hình và nhờ tôi tư vấn. Tôi nói với các em, mình chỉ là giáo viên dạy Hóa nên khó giúp được. Tuy vậy, tranh thủ giờ nghỉ, tôi lên mạng tìm tài liệu, hỏi một số đồng nghiệp để tích lũy kiến thức về Vật lý, điện tử, Tin học... Ở Trường THPT Vĩnh Thạnh thời điểm đó, nhiều học sinh có niềm đam mê sáng chế. Các đề tài sáng chế khoa học kỹ thuật thiết thực, nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Vậy nên tôi tự tìm tòi, nghiên cứu về lĩnh vực này để hướng dẫn các em”.

Đến danh hiệu thầy giáo "gặt" giải thưởng

Năm 2017, thầy Thịnh chuyển công tác về Trường THPT Phan Văn Trị, những tưởng việc nghiên cứu vốn là "sở đoản" của mình sẽ dừng lại, song khi nhà trường phát động học sinh tham gia Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng, thầy lại miệt mài nghiên cứu và một lần nữa cùng với học trò bắt đầu công cuộc chinh phục những sản phẩm thông minh. Từ năm 2017 đến 2020, thầy và trò đã cho ra đời hàng chục sản phẩm có tính ứng dụng thực tiễn cao, như: Sản phẩm xử lý khí thải sinh hoạt gia đình ở vùng nông thôn; tưới tiêu thông minh, tự ngắt nước khi nước cạn để không bị cháy máy bơm... Các sản phẩm đều “gặt hái” nhiều giải thưởng cao. Điển hình là: Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng TP Cần Thơ năm học 2015-2016, đoạt 3 giải nhì; năm 2016-2017, đoạt 1 giải nhất, 5 giải ba, 1 giải khuyến khích; năm học 2017-2018, đoạt 3 giải nhì; năm học 2018-2019, đoạt 1 giải nhất, 2 giải nhì, 1 giải ba, 1 giải khuyến khích. Không chỉ đoạt giải thưởng cấp thành phố, các sản phẩm nghiên cứu của thầy Thịnh và học trò còn được vinh danh ở những cuộc thi toàn quốc. Đặc biệt, trong đó có 2 mô hình sáng tạo được thầy Thịnh hướng dẫn đoạt giải quốc gia là "Xe lăn tiện ích" và "Thiết bị hỗ trợ giao tiếp, dò đường và điều khiển thiết bị gia đình cho người khuyết tật".

Chia sẻ về mô hình "Xe lăn tiện ích", em Nguyễn Hoàng Hồng Ngọc và Nguyễn Quốc Thông, đồng sáng chế, cho biết: "Mô hình "Xe lăn tiện ích" có thể điều khiển bằng 3 phương thức là cử chỉ, giọng nói hoặc thao tác ứng dụng trên điện thoại. Đặc biệt, đối với những người khuyết tật ở tay hay người già không thể sử dụng điện thoại thông minh thì có thể điều khiển bằng cử chỉ qua thiết bị được gắn trên cánh tay. Từ chiếc xe lăn đầu tiên chế tạo với chi phí hơn 16 triệu đồng, nhóm nghiên cứu đã cố gắng cải thiện cũng như tìm ra các nguyên liệu đơn giản nhất để giảm chi phí xuống còn 8 triệu đồng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng. Sản phẩm được thử nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phong Điền (Cần Thơ) và nhận nhiều phản hồi tích cực từ bệnh nhân”.

Để thầy Thịnh có thời gian giúp học sinh nghiên cứu, sáng tạo, ban giám hiệu nhà trường đã sắp xếp thời khóa biểu hợp lý. Ngoài ra, nhà trường cũng bố trí riêng một phòng học để thầy trò có thể nghiên cứu, sáng tạo tại trường. Mỗi tuần, thầy Thịnh có khoảng 17 tiết dạy Hóa. Phần thời gian còn lại, thầy cùng nhóm với hơn 40 thành viên liên tục nghiên cứu, cho ra đời nhiều sản phẩm hữu ích. Hành trình tiếp lửa cho học sinh đến với nghiên cứu khoa học rất cam go, nhưng với lòng tận tụy, tâm huyết, thầy Thịnh đã dẫn dắt nhiều thế hệ học trò đoạt giải thưởng. Mới đây, mô hình robot chữa cháy do nhóm học sinh: Liêu Vinh Khôi, Tống Quốc Hảo (lớp 12A4) và Phan Xuân Ái (lớp 11C6) cũng đoạt giải nhất Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP Cần Thơ lần thứ 9 năm 2019-2020.

Em Liêu Vinh Khôi cho biết: "Sau khi biết được đam mê của em và các bạn trong nhóm, thầy đã định hướng và khơi gợi nhiều điều để chúng em tự nghiên cứu, trau dồi thêm. Trong suốt thời gian từ 6 đến 7 tháng, để triển khai dự án robot cứu hỏa, thầy Thịnh đã hỗ trợ, động viên, đồng hành với chúng em. Để hoàn thành sản phẩm, cần phải có rất nhiều thiết bị, có khi chỉ là chiếc lò xo nhỏ, những linh kiện máy bơm hay những chiếc đèn bé xíu... Mỗi lần như vậy, thầy Thịnh đều tìm kiếm và mua về bằng được cho nhóm. Đặc biệt, mỗi khi nhóm gặp khó khăn, có bạn nản chí muốn dừng lại, thầy Thịnh thường khuyên: “Bạn mệt là bởi bạn đang lên dốc, bạn đang thăng tiến, bạn đang chạm đến một sự vượt trội hơn trước, cứ như việc đạp xe vậy. Chính vì hành trình đang lên dốc nên mới mệt một chút thôi”. Nhờ những lời động viên và lúc nào cũng có thầy kịp thời gỡ rối mà chúng em vượt qua các trở ngại để cho ra đời sản phẩm và đoạt giải”.

Không chỉ truyền thụ những kiến thức hàn lâm, thầy Thịnh còn chú trọng hướng dẫn học sinh phát huy sự sáng tạo, ứng dụng những điều đã học vào thực tế cuộc sống. Những điều đó không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người học, mà còn khơi dậy và từng bước hình thành trong mỗi em ý thức cống hiến vì lợi ích cộng đồng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các em học sinh-thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.

Với những nỗ lực của mình, 8 năm liền, thầy Nguyễn Phúc Thịnh đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở (từ năm học 2014-2015 đến năm học 2021-2022); hai năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố (năm 2017 và năm 2021); được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2021 vì đã có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2020-2021; được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2021 vì đã có thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Trong công tác hướng dẫn học sinh tham gia phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật, bồi dưỡng học sinh giỏi, Cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết vấn đề thực tiễn cuộc sống, Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng, Hội thi tin học trẻ, Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp trong 13 năm qua, thầy Thịnh cùng các học trò của mình đã đoạt hơn 70 giải cấp thành phố và 8 giải quốc gia; 8 sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong ngành giáo dục; 1 sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong toàn thành phố và 1 sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trên toàn quốc.

Bài và ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-14/nguoi-dung-sau-cac-giai-thuong-cua-hoc-sinh-724293