Người đứng sau thành công của bắn cung Huế

Dân 'tay ngang' và tự mò mẫm, dò đường nhưng bằng ý chí, nghị lực cùng sự ham học hỏi, Lại Đăng Quang đã đưa bắn cung Thừa Thiên Huế là đầu tàu của khu vực miền Trung, gặt hái nhiều thành công ngoài sự mong đợi.

 HLV Lại Đăng Quang (bìa trái) người lặng lẽ đứng sau những thành công của bắn cung Huế

HLV Lại Đăng Quang (bìa trái) người lặng lẽ đứng sau những thành công của bắn cung Huế

“Dân tennis” bén duyên với... bắn cung

Cách đây hơn 10 năm, bắn cung Huế thuộc dạng “vùng trắng” của cả nước. Thậm chí, bộ môn này khó phát triển ở khu vực miền Trung. Nhiều tỉnh/thành đầu tư rồi phải giải tán vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan. Một trong số đó là không có thành tích. Tuy vậy, vượt qua những nghịch cảnh, bắn cung tỉnh nhà có sự đột phá, phát triển bền vững trong 5 năm qua. Nhiều người nhớ đến cung thủ tài năng Thanh Nhi. Nhưng, không thể không nhắc về người đứng sau, kiến tạo thành công cho môn thể thao còn ít phổ biến này là Lại Đăng Quang.

Hành trình của Quang cùng bắn cung Huế như một câu chuyện cổ tích ngoài đời. Bởi không một ai tin, chàng trai với con số 0 tròn trĩnh, lại dám liều lĩnh đến với môn này. Quang xuất thân từ dân tennis (quần vợt). Anh học chuyên ngành này ở Trường Thể dục thể thao Đà Nẵng. Năm 2014, khi vừa tốt nghiệp xong, Quang trở lại quê nhà công tác tại Trường trung cấp Thể dục thể thao Thừa Thiên Huế. Đang chờ phân công nhiệm vụ, Quang nhận được thông báo đi tập huấn bắn cung để đào tạo, huấn luyện các VĐV.

Chàng trai sinh năm 1992 bất ngờ và khá mông lung. Trong đầu của anh là muôn vàn suy nghĩ, trăn trở nhưng Quang tâm niệm: “Tôi luôn sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được giao, kể cả khó nhất. Tôi xem đó là thử thách cũng là cơ hội cho bản thân”. Anh trở lại nơi từng gắn bó suốt 4 năm với một nhiệm vụ hết sức đặc biệt nhưng cũng đầy chông gai. Anh nhớ lại: “Tôi khá mơ hồ, lạ lẫm, từ dụng cụ cho đến mọi động tác. Nó khác hẳn với chuyên ngành tôi được đào tạo. Bắn cung đòi hỏi sự tĩnh lặng, tập trung cao độ và kỹ thuật chính xác từng giây, từng nhịp thở”.

Lúc này, Quang cũng may mắn khi được "thọ giáo" chuyên gia người Hàn Quốc, người đến từ nền bắn cung mạnh hàng đầu thế giới. Là dân ngoại đạo, anh càng cố gắng để tìm hiểu, trau dồi và mò mẫm nhiều hơn. Quang luôn nhớ kỹ lời dặn khắc cốt ghi tâm từ chuyên gia người Hàn Quốc: “Cậu muốn huấn luyện bắn cung thì phải biết môn này trong một thời gian dài, tìm hiểu kỹ lưỡng mới bắt tay vào công tác huấn luyện”.

Từ đây, Quang bắt tay vào những thứ cơ bản nhất là tìm hiểu luật lệ, cách chơi, cách khởi động thế nào cho hợp lý... Cậu quan sát tỉ mẩn và nắm bắt cơ hội từng giờ khi làm quen với môn này. Quang học hỏi từ thầy, đồng nghiệp cho đến chính các VĐV ở Trung tâm. Hễ có thông tin gì mới, Quang đều ghi chép cẩn thận và học hỏi dần. Chỉ sau 5 tháng ngắn ngủi tập huấn, Quang trở về với những cảm xúc trong người. Cậu vừa hồ hởi, vừa lo lắng nhưng trong thâm tâm, Quang giữ vững ý chí, sự kiên định. “Chắc chắn sẽ có những khó khăn tôi không lường được nhưng mình phải làm, và cố gắng làm hết sức”, Quang giãi bày.

Công việc đầu tiên khi bắt tay với bắn cung ở Huế chính là tuyển sinh. Một môn quá mới mẻ và Quang xác định chỉ có thể tuyển ở các trường học. Bằng chút kinh nghiệm, cậu đưa ra tiêu chí về chiều cao, ngoại hình, sự linh hoạt, thần thái... Quang tự tìm đến các trường và ngay trường đầu tiên là THCS Đặng Văn Ngữ (TP. Huế), may mắn mỉm cười với chàng trai hiền lành này. Dựa vào quan sát cá nhân trong một buổi tập thể dục, Quang “chấm” được hai em; trong đó, có Nguyễn Thị Thanh Nhi - một cô bé có nước da rám nắng nhưng toát lên thần thái để Quang phải lưu tâm. Thế là, công cuộc “đãi cát tìm vàng” bắt đầu với những điều kiện hết sức ngặt nghèo. Bắn cung Huế còn khó khăn về kinh phí nên không có một cây cung đúng tiêu chuẩn. Thậm chí, các em chỉ tập cao su suốt thời gian dài.

Với những đứa trẻ còn ngây thơ, những ngày tháng này thật gian truân và mất ý chí. Quang vừa làm công tác của một người chuyên môn, vừa làm tâm lý cho các em. Quang suy nghĩ: “Không chỉ bắn cung mà bất cứ môn nào cũng vậy, khi chưa có thành tích thì rất khó để lãnh đạo đầu tư mạnh. Muốn đầu tư mạnh, phải cố gắng, lấy kết quả thật tốt”. Vượt qua mọi nghịch cảnh, khó khăn, bắn cung Huế cũng dần thành hình hài, thấy tiềm năng sau hơn 2 năm thành lập. Bước ngoặt đến từ cô bé Thanh Nhi.

Thành quả của thầy và trò

Năm 2017, Nhi bắt đầu ghi dấu ấn ở các giải trẻ và cô được triệu tập vào đôi tuyển Bắn cung trẻ quốc gia ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia 4 (Cần Thơ). Quang kể lại rằng: “Thiệt thòi của Nhi so với các bạn là thiếu dụng cụ tập luyện đúng chuẩn. Trong đó gọi điện bảo Nhi có năng lực và cần có một bộ cung đủ tốt để phát huy hết khả năng”.

Đó là câu chuyện nan giải khi một bộ cung tên tiêu chuẩn có giá cả trăm triệu đồng. Một con số không hề nhỏ để đầu tư. Quang xoay mọi cách và anh hiểu rằng “đối với thể thao tỉnh nhà, câu chuyện đầu tư lớn cho một VĐV tiềm năng như Nhi hết sức khó". Nhưng, Quang mạnh dạn chia sẻ nỗi lòng với Ban Giám hiệu nhà trường. Hiểu nỗi lòng và những cam kết đầy quyết tâm của Quang, trường quyết định trang cấp dụng cụ cho bắn cung Huế. Tất cả đền đáp xứng đáng niềm tin, ý chí của thầy và trò. Ngay lần đầu tham dự sân chơi lớn là Đại hội Thể thao toàn quốc 2018, Nhi đã giành tấm huy chương đồng trong sự ngỡ ngàng của thể thao tỉnh nhà.

Bắn cung Huế đã được biết đến và từ đây, Nhi có sự phát triển thần tốc. Cô giành HCV đầu tiên Giải Cung thủ xuất sắc toàn quốc ở Hà Nội năm 2018. Một tấm HCV mang tính lịch sử nhưng đúc kết cho hành trình dài, sự mạnh dạn và kiên định của Quang cùng các học trò.

Nhi còn gây chấn động khi cùng lúc giành 5 HCV ở nội dung cá nhân cung 1 dây Giải Cung thủ xuất sắc toàn quốc 2022 tổ chức tại quê nhà. Không chỉ quốc nội, Nhi còn đánh chiếm các giải quốc tế với tấm HCB danh giá ở SEA Games 31 ngay tại Hà Nội. Cả thầy và trò cùng nhau nỗ lực vượt khó, để được ghi nhận khi bộ môn bắn cung đã được tách riêng và có những kế hoạch phát triển mới.

Tuệ Tường

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-thao/nguoi-dung-sau-thanh-cong-cua-ban-cung-hue-140705.html