Người được tin cậy
Nếu theo duy tâm, thì đấy là lần đầu tiên tôi chứng kiến hiện tượng vong nhập. Chả là hôm ấy, anh Huy Thắng rủ chúng tôi lên nghĩa trang Yên Kỳ (Bất Bạt, Sơn Tây, Hà Nội) thắp cho nhà văn Nhật Tuấn tuần hương.
Khi mọi người bầy hương hoa quả trên mộ, xòe lửa châm hương, bó hương cháy đùng đùng. Mấy anh em vừa kịp vái hương hồn nhà văn “Trang 17”, bỗng anh Huy Thắng khuôn mặt mất thần sắc, toàn thân cứng đơ, mắt trợn ngược, miệng há hốc không nói được câu nào. Cả tấm thân lừ lừ ngả về phía sau, mấy anh em vội xúm vào đỡ anh. Nhưng chả biết có sức nặng vô hình nào làm chúng tôi dường như không đỡ nổi.
Thấy ồn ào, mấy người dân địa phương làm công việc dọn mồ mả nghĩa trang quanh đấy ào chạy đến. “Vong nhập, vong nhập rồi. Đỡ lấy ông ấy kẻo ngã thì khốn!”. Có người vội lấy nhánh gừng trong túi áo, nhét vào miệng anh Huy Thắng. Mấy người khác cũng lấy gừng trong túi ra, đập nhỏ, bôi lên mặt, lên thái dương, bôi lên chân tay người bị nạn. “Đỡ ông ấy ngồi xuống!” - Có tiếng người quát.
Chúng tôi làm theo, mãi rồi cũng đỡ được anh ngồi ngả bên vạt cỏ trước ngôi mộ. Một nhánh cỏ may bị đè xuống bỗng bật lên, hoa cỏ may huơ huơ bên cạnh. “Ở đây, thi thoảng lại có trường hợp vong nhập như thế này”. “Vong nhập là thế nào?” - Tôi ngu ngơ hỏi. Mấy người dân cự lại. “Vong nhập là vong nhập, có thế mà còn hỏi”.
Phải đến hơn tiếng sau, tàn ba tuần hương, anh Huy Thắng mới dần tỉnh. Hỏi anh, nhưng anh như vẫn chưa nhận biết gì. Nom anh bợt bạt như người hết hồn. Một người dân nói như đinh đóng cột: “Ông này với ông nằm trong mộ kia, sinh thời hẳn là hợp nhau, thương nhau lắm, vong mới nhập sâu thế”.
Đương nhiên, khi còn sống, nhà văn Nhật Tuấn và anh Huy Thắng là đôi bạn thân. Họ đã chơi với nhau từ mấy chục năm trước. Thuở Nhật Tuấn còn ở Hà Nội, họ thường bìu ríu cùng nhau. Khi Nhật Tuấn chuyển vào sinh sống trong Sài Gòn, hễ mỗi kỳ ra Bắc, là phải bổ đi tìm Huy Thắng. Đã nhiều lần, Huy Thắng bay vào Sài Gòn để chơi với bạn.
Có lần, anh nhảy xe ôm từ bến xe miền Đông (Sài Gòn), để lên Tân Uyên (Bình Dương), khoảng cách gần 50 km thăm trang trại viết, nơi ở ẩn dật của nhà văn Nhật Tuấn. Ở lại đấy gần tháng trời trong cái trang trại lọt thỏm giữa cánh rừng cao su bát ngát, để hai người tâm sự cùng nhau. Hoặc có khi cả hai cùng yên lặng, chả ai nói với ai câu nào, mà như hiểu nhau thật kỹ, thật tin cậy. Có lẽ trong đám bạn bè, anh Huy Thắng là người được Nhật Tuấn tin cậy kể tất tật chuyện đời riêng tư của mình.
Ở đời, bạn chơi với nhau thì nhiều, bạn tri kỷ tri âm với nhau, tin cậy nhau, nào được mấy. Vậy vong nhập, có phải là sự giao thoa nỗi nhớ của người này với người kia, khi âm dương cách biệt? Tôi thì không biết giải thích sao, chỉ nghĩ, có lẽ sau chặng đường đi mệt mỏi, cơn gió độc nào ập đến, bị nhập cảm, đột quỵ, cuốn anh cùng nỗi nhớ mông lung đó chăng?
Sài Gòn độ ấy có nhiều nhà văn ngoài Bắc vào, hay gặp gỡ nhau. Ấy là Trần Hoài Dương, Hoàng Hưng, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhật Tuấn, Thanh Tùng, Nguyễn Vũ Tiềm… Anh Huy Thắng chơi thân với nhiều người, trong đó đặc biệt có Trần Hoài Dương. Ái ngại với cái chết đột ngột và cô liêu của nhà văn “Miền xanh thẳm”, khi được gia đình nhà văn Trần Hoài Dương tin cậy giao cho làm sách tuyển để kịp ngày giỗ 5 năm của nhà văn, anh Huy Thắng đã dồn công sức.
Trong sách, có đứng tên hai người biên soạn, là Trần Lê Quỳnh và Huy Thắng. Nhưng công chính vẫn là ở anh Huy Thắng. Bởi lẽ, Trần Lê Quỳnh, con trai nhà văn Trần Hoài Dương đang bận công việc ở xa Tổ quốc. Anh Huy Thắng tập trung làm việc không kể ngày đêm. Nào việc đi sưu tầm tài liệu, đặt bài bạn bè viết tri ân về nhà văn, rồi đến nhà in đọc, sửa nhiều lần bản in thử cả ngàn trang sách.
Ấn phẩm “Trần Hoài Dương, con người-tác phẩm”, 832 trang in, sách bìa cứng trang trọng, viết về cuộc đời và những sáng tác của nhà văn, được bày trang trọng trên bàn thờ nhân ngày giỗ 5 năm của Trần Hoài Dương, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức lễ ra mắt sách rất trân trọng. Gia đình và bạn bè biết chuyện, ai cũng hiểu, chỉ có tình bạn hết lòng vì nhau, anh Huy Thắng mới làm được phần việc tận tình như thế.
Quan hệ tình cảm con người, nếu người ngoài, nhiều khi không hiểu. Năm trước, vào hè, một số người có thú thưởng thức trè sen tại đầm sen Tây Hồ. Đó là nét hưởng thụ thanh tao của người Hà Nội. Đã mấy sớm, chúng tôi thấy một nhà thơ rủ anh Huy Thắng lên Hồ Tây thưởng lãm.
Ngồi trên ghế gỗ mộc rệ cỏ ven hồ, lá sen và hoa sen tỏa hương, pha một ấm chè sen ủ khéo giữa đài hoa sen tại đầm sen, con người được thả tâm trí mình giữa không gian tĩnh lặng ngát hương hoa và ẩm ướt hơi sương ban mai. Tâm hồn con người được thanh sạch bao nhiêu.
Bao nỗi niềm, bao tâm tư, bao buồn vui giấu kín thường được giãi bày với người bạn đối ẩm cùng mình. Ấy là điều thường tình. Nhưng chúng tôi e nhà thơ này vốn hay ầm ĩ, to tiếng mà mấy anh viết còn ngại, với cái chất rủ rỉ, kín đáo của anh Huy Thắng, liệu bữa đối ẩm trà có vênh cuộc?
*
Sinh trưởng ở Hà Nội, khi còn nhỏ tuổi, cậu học trò Huy Thắng đã gia nhập đoàn ca nhạc Tiếng hát, một tổ chức sinh hoạt của một số văn nghệ sĩ và thanh niên, trí thức trong nội thành Hà Nội. Ở đây, anh được gặp gỡ nhà thơ Hoàng Cầm, nhạc sĩ Tử Phác và nhất là nhà văn Phùng Quán. Sau này, hai người lại cùng làm việc một cơ quan trong nhiều năm. Chính Phùng Quán đã khơi gợi cho anh cảm thụ vẻ đẹp của những vần thơ mang tinh thần cách mạng của nhà thơ Nga -Xô viết Maiacốpxki. Rồi sau đấy anh đi học, rồi lên Khu tự trị Việt Bắc công tác tại Sở Văn hóa. Cũng từ đấy, anh được làm việc, được gần gũi thân thiết với các nhà thơ, nhà văn người dân tộc nổi tiếng, như Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại… để sau này, anh có những trang viết cảm động về họ.
Hơn mười năm công tác ở Sở Văn hóa Khu tự trị Việt Bắc, “lãi” nhất với Huy Thắng là được đi thực tế khắp 6 tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Thái - Hà – Tuyên (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang). Bao cuộc gặp gỡ, bao trao đổi, ghi chép về nét đẹp của tập tục, văn hóa các dân tộc Tày, Nùng, Dao… dần thấm đậm trong tâm hồn anh.
Ước vọng viết về những con người, những mảnh đất đã gặp, anh Huy Thắng dần trở thành cộng tác viên tích cực của báo, tập san thuộc khu tự trị ngày ấy, như Việt Nam Độc lập, Văn nghệ Việt Bắc,Văn hóa Việt Bắc. Nhà văn Triệu Bôn độ ấy cũng đang công tác ở Báo Quân Việt Bắc, thường gặp nhau ở nhà in, nhà văn Triệu Bôn gợi ý Huy Thắng hãy viết về những gì mình biết, mình hiểu.
Khi ấy, nhà thơ Vũ Duy Thông đương là phóng viên Việt Nam Thông Tấn xã, thường trú tại Thái Nguyên; nhà thơ Phan Quế đang công tác ở Hội Văn nghệ Lạng Sơn; rồi Trịnh Thanh Sơn, Chu Hồng Hải ở Khu Gang thép Thái Nguyên… thường xuyên gặp gỡ hoặc thư từ trao đổi với anh về một tác giả, một bài thơ mới xuất hiện trên khu vực. Không khí văn chương ở khu vực và khắp miền đang độ tưng bừng, tiếp sức hưng phấn dấn thân vào con đường chữ nghĩa của Huy Thắng nhiều hơn. Sau 14 năm công tác ở khu vực 6 tỉnh biên giới phía Bắc, Huy Thắng được chuyển về Hà Nội, công tác tại Bộ Văn hóa.
Trải qua mấy năm công tác tại Văn phòng Bộ Văn hóa, trực tiếp theo dõi mảng Văn hóa miền núi và Dân tộc, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, rồi Cục Văn hóa quần chúng và Thư viện, địa bàn hoạt động của anh thêm được mở rộng. Những cuộc tiếp xúc với các nhà văn, nhà thơ nhiều hơn. Niềm khao khát cầm bút trong con người Huy Thắng càng thêm hối thúc. Để rồi khi về hưu, anh đã cho ra đời bốn tập chân dung văn học liền kề.
Ấy là tập “Gương mặt thân yêu”, NXB Hội nhà văn, 2008, tập “Gương mặt - tấm lòng”, NXB Văn hóa Dân tộc, 2010, tập “Người đi tìm những cuộc đời ở Phía sau con chữ”, NXB Dân Trí, 2014, tập “Cuộc đời nghệ sĩ”, NXB Hội Nhà văn, 2018. Trong nghiệp chữ nghĩa, có tác giả, đọc những trang viết của họ khi chưa gặp, thì còn thấy tạm thân thuộc.
Nhưng khi gặp tác giả rồi, đọc lại những trang viết ấy, thấy xa lạ, nhợt nhạt làm sao. Lại có những trang viết, khi đọc chưa gặp tác giả, thấy nó yêu quý và ấm áp. Sau khi gặp tác giả, đọc lại, càng thấy gần gũi và ấm áp hơn. Ở những trang viết của anh Huy Thắng, tôi thấy trùng hợp ở trường hợp thứ hai. Văn chương là người, các cụ từ xưa đã từng nói vậy.
Đã là tác giả của năm, sáu đầu sách đĩnh đạc, có người bạn khuyên anh làm đơn vào sinh hoạt hội này hội nọ cho vui. Anh Huy Thắng chỉ cười và bình dị nói, mình viết văn là để giãi bày tình cảm mình với những người thân và bạn bè mà thôi. Tuổi cao rồi, không có ý định, tham vọng gì cả. Nhắc về kỷ niệm việc in sách, năm 1980, anh đã viết và in cuốn bút ký “Ở xã Tân Hòa”, một xã ở huyện Vũ Thư, Thái Bình. Sách in ra, địa phương trả "nhuận bút" rất hậu hĩnh, ấy là hai con lợn béo để làm quà cho cả cơ quan. Cái Tết thời bao cấp năm ấy, tay dao tay thớt, anh em vui đáo để.
Tôi quen biết anh Huy Thắng, chậm hơn một số người ở quê tôi. Có nguyên do, làng quê tôi bên Kinh Bắc, vốn duy trì một thư viện nông thôn điển hình toàn quốc. Anh Huy Thắng khi ấy làm việc ở Vụ Thư viện, thường xuyên về hỗ trợ thư viện. Một kỳ, dự án Bill Gates, qua Vụ Thư viện có trao tặng cỗ máy vi tính cho thư viện quê tôi. Mấy anh cán bộ địa phương mang cân kẹo lạc và mấy lít rượu nếp quê ra làm quà, anh Huy Thắng chối đây đẩy: “Tôi đã làm được gì cho địa phương đâu!”. Con người anh giản dị là vậy.
Nhớ một buổi chiều muộn mấy năm trước, sau chuyến đi thăm người bạn tỉnh xa về, qua khu chợ, anh Huy Thắng chia tay mọi người để vào chợ mua sắm đôi chút hàng tết. Tôi hơi sững người. Sau mới rõ, bao năm nay anh vẫn sinh sống một mình. Mọi việc sinh hoạt tự lo liệu cả. Anh là người biết quan tâm, chăm sóc chu đáo cho bạn bè, nhưng đời tư của mình thì như anh lại vụng.
Hà Nội, 4-2020
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nguoi-duoc-tin-cay-601275/