Trong lịch sử nghìn năm của chế độ phong kiến Việt Nam, một người từng được làm rể 2 vua là Dương Tự Minh, phò mã của triều Lý. Ảnh minh họa: Báo Thái Nguyên.
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Dương Tự Minh được vua Lý Nhân Tông gả công chúa năm 1127, sau lại được vua Lý Anh Tông gả con gái cho. Ảnh: Báo Thái Nguyên.
Hai công chúa nhà Lý trở thành vợ phò mã Dương Tự Minh là công chúa Diên Bình và công chúa Thiều Dung. Ảnh: Thế giới di sản.
Dương Tự Minh là người dân tộc Tày, quê làng Quan Triều, tỉnh Thái Nguyên. Ông làm thủ lĩnh phủ Phú Lương xưa, gồm các châu: Thượng Nguyên, Vĩnh Thông, Quảng Nguyên, Cảm Hóa, Vạn Nhai, Tư Nông, Tuyên Hóa, trong suốt ba đời vua nhà Lý. Đó là Lý Nhân Tông (1072-1128), Lý Thần Tông (1128-1138), Lý Anh Tông (1138-1175). Ảnh: Báo Thái Nguyên.
Sau khi qua đời, phò mã Dương Tự Minh được nhân dân suy tôn là Đức thánh Đuổm. Ở Thái Nguyên, đền Đuổm được xây dựng năm 1180 vào thời vua Lý Cao Tông, dưới chân núi Đuổm, thuộc xã Động Đạt, huyện Phú Lương. Đây là nơi thờ tự chính Dương Tự Minh. Dưới tán cổ thụ hàng trăm năm tuổi là ba ngôi đền tôn nghiêm (thờ phủ Bà, Dương Tự Minh và thờ Mẫu), phong cảnh hùng vĩ, hữu tình, nhiều những ngọn núi đá tự thiên. Ngoài ra, một vùng rộng lớn từ Bắc Kạn, Thái nguyên, Bắc Giang, nhiều nơi dựng đình miếu thờ Đức Thánh Đuổm. Ảnh: Thế giới di sản.
Hàng năm, nhân dân địa phương mở lễ hội Đền Đuổm vào ngày 6 tháng giêng để tưởng nhớ Đức Thánh Đuổm. Lễ hội có dâng hương, rước Đức Thánh và đọc văn tế tôn vinh. Lễ hội Đền Đuổm thường đông người đến dự. Ảnh: Thế giới di sản.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/ Zing