Người EQ cao hiểu rõ 10 điều tối kỵ chốn công sở nếu muốn thăng tiến nhanh

Mỗi người có một cuộc đời và một hành trình sự nghiệp của riêng mình. Không ai biết được những khó khăn, những nỗ lực mà bạn bỏ ra cho sự nghiệp của mình, nhưng những kinh nghiệm hay những tips để bạn có thể 'xoay xở' nơi làm việc lại là thứ mà người ta có thể hiểu được nếu bạn chia sẻ chúng.

Những người kỳ cựu với kinh nghiệm làm việc từ vị trí nhân viên nhỏ tới lãnh đạo cấp cao đúc rút ra 10 điều tối kỵ nhất cần tránh chốn công sở nếu muốn con đường sự nghiệp suôn sẻ, thăng tiến nhanh:

1. Trục tiếp thể hiện sự bất mãn với cấp trên

Trong môi trường làm công tác, việc nhân viên cấp dưới nghe theo sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên là một điều vô cùng hiển nhiên, nếu không muốn nói là bắt buộc. Vì vậy, việc cố ý tỏ thái độ hay "khiêu chiến" với cấp trên là một hành động không mấy khôn ngoan. Bạn có thể bày tỏ ý kiến cá nhân của mình, nhưng hãy bày tỏ nó một cách khéo léo và thông minh, cũng như cần cân nhắc thời điểm thích hợp để nói lên ý kiến của mình.

Mối quan hệ giữa người lãnh đạo với nhân viên cấp dưới cũng giống như một mối quan hệ giữa một cô gái và một chàng trai: tốt nhất đừng cố để so đo xem ai là người thắng cuộc. Trong mối quan hệ nam nữ, dù cho bạn cãi nhau có thắng đi chăng nữa thì mối quan hệ đó coi như đã "toang" rồi.

Còn trong mối quan hệ giữa nhân viên và sếp, dù cho bạn có "thắng" đi chăng nữa, thì việc thăng tiến trong sự nghiệp của bạn cũng sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, hãy cân nhắc thật kỹ càng, đôi khi trước mặt lãnh đạo, sự "hồ đồ" của bạn sẽ là một loại sách lược có lợi cho những ngày sau.

2. Nói năng quá thoải mái

Người xưa có câu: Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói không chỉ đơn thuần là một lời nhắc nhở, đây đồng thời cũng là sự đúc kết về cách đối nhân xử thế vô cùng khôn ngoan. Việc nói năng bỗ bã hay quá thoải mái là một điều không nên; nói năng không có chừng mực thì lại càng tối kỵ. Bởi vậy mới nói, biết nói chuyện là bản năng, nói năng một cách khéo léo mới được coi là có bản lĩnh!

3. Không đúng giờ, hay đi làm muộn, những cơ hội cũng sẽ sớm đến nhanh đi mà thôi!

Trong một cơ quan hay một tổ chức, dù năng lực của bạn có tốt đến đâu đi chăng nữa, thì bạn cũng cần phải tuân thủ những nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị. Việc đi làm đúng giờ là một phẩm chất nghề nghiệp cơ bản mà mọi người nên có.

Nếu bạn luôn đi làm muộn và về sớm, sẽ khiến người khác có ấn tượng rằng bạn là người lười biếng, nhất là khi cấp trên nhiều lần tìm bạn nhưng lại không nhận được sự hồi đáp. Và tất nhiên, ấn tượng của họ về bạn sẽ trở nên xấu đi rất nhiều.

Trong trường hợp bạn có việc vô cùng quan trọng và buộc phải vắng mặt, hãy xin nghỉ phép một cách nghiêm túc thay vì vắng mặt không lý do. Nếu không, một khi cấp trên biết được bạn có thói quen xấu này, bạn có nghĩ rằng mình sẽ còn cơ hội để tiếp tục thăng chức hay được tiến cử hay không? Hãy suy nghĩ nhé!

4. Thái độ không tốt với đồng nghiệp

Người ta thường nói, thêm một người bạn là có thêm một con đường, còn thêm một kẻ địch thì giống như thêm một bức tường trên đường đời vậy. Câu nói này không hề sai, đừng nên làm mất lòng đồng nghiệp – đây có thể coi là quy luật "sống còn" chốn công sở. Đừng quá để tâm đến những thứ không nằm trong nguyên tắc. Hãy giữ một thái độ hài hòa với mọi người, có thể bạn đôi khi sẽ không tránh được cảm giác tủi thân, nhưng ít nhất nó sẽ không khiến bạn gặp rắc rối với đồng nghiệp của mình.

5. Than phiền quá nhiều về công việc

Việc than vãn trong quá trình làm việc giống như việc bạn tốn rất nhiều thời gian để hoàn thành công việc nhưng lại không hề để lại một ấn tượng tốt nào đối với những người xung quanh. Việc phải hoàn thành nhiệm vụ chính là nghĩa vụ của bạn, vì vậy thay vì cứ mãi than thở hay trách móc, hãy cố gắng hoàn thành thật tốt công việc của mình. Có như vậy, những ngày sau này của bạn mới có thể trở nên tươi sáng hơn.

6. Không chịu được áp lực, không chịu nổi sự bất bình

Mỗi người sẽ có khả năng chịu áp lực khác nhau. Có người khi gặp vấn đề thì lập tức tìm kiếm cách giải quyết, nhưng cũng có người khi gặp áp lực sẽ bắt đầu phàn nàn, than vãn. Những người này thường sẽ không nhận được sự hoan nghênh của người khác. Ai cũng có những khó khăn của riêng mình, và không một ai có nghĩa vụ phải chịu đựng những vấn đề của bạn cả.

Việc gặp phải chút "sóng gió" tại nơi làm việc là chuyện hết sức bình thường, vì vậy hãy chuẩn bị một tâm thái thật tốt đối mặt với chúng. Nếu bạn không có đủ khả năng khống chế cảm xúc, bạn sẽ là người khiến cho mọi việc trở nên rắc rối hơn, và các mối quan hệ cũng sẽ dần trở nên rạn nứt. Chính vì vậy, hãy cố gắng kiềm chế cũng như cân bằng cảm xúc của mình, đừng để chính sếp và đồng nghiệp bài xích bạn.

7. Không chú ý đến các mối quan hệ

Trong các cơ quan, mối quan hệ bình thường một cách quá mức giữa cấp trên và cấp dưới, thực chất là một kiểu kéo giãn khoảng cách giữa sếp và nhân viên. Rất nhiều những bạn trẻ tài năng nhưng lại có "da mặt mỏng", chú trọng đến lý thuyết trong sách vở, ngại chủ động hỏi người có kinh nghiệm hơn. Nhưng chính những người này lại sẵn sàng chủ động tặng những món quà thể hiện thành ý cho người khác trong dịp lễ tết.

Trên thực tế, việc tặng quà ngày lễ tết là một hành động hết sức bình thường. Suy cho cùng, không ai sống một mình, không cần người khác hỗ trợ nhưng chúng ta cần phân biệt rõ ranh giới giữa tặng quà và hối lộ, nếu không, đây sẽ trở thành một hành động ngu ngốc, hại mình hại người.

8. Thiếu kiên nhẫn, bốc đồng

Tính cách nóng nảy, háo thắng là điều tối kỵ trong công việc. Nếu muốn đi xa, chúng ta nhất định biết kiềm chế, phải tránh sự kiêu ngạo và bốc đồng. Hãy chú ý đến việc tu dưỡng phong thái "tự tin nhưng không tự kiêu", duy trì một tâm thế điềm tĩnh để đối phó với tất cả những nghịch cảnh có thể xảy ra.

Ngoài ra, hãy cẩn trọng trong từng hành động của mình và gây ấn tượng cho người khác bằng những dự định có tính thực tế, thay vì để lại trong lòng mọi người ấn tượng về một người nông cạn và bốc đồng.

9. Tham lam những món lợi nhỏ

Trong các cơ quan, không thiếu những cơ hội nhỏ nhưng có thể đem lại lợi nhuận lớn, và theo tư duy thông thường thì những cơ hội lớn sẽ lại mang đến món lợi khổng lồ. Nhìn một cách bao quát hơn thì hãy cân nhắc thật kỹ, đừng vì một vài lợi ích nhỏ mà hủy đi hình tượng cũng như danh tiếng của mình trong tập thể.

10. Tình trạng báo cáo vượt cấp

Báo cáo vượt cấp là một điều không mấy hay ho trong các cơ quan tổ chức. Tuy nhiên, nếu không vượt cấp thì thường sẽ khó có cơ hội để tiến xa hơn. Lời khuyên dành cho bạn là hãy nắm bắt cơ hội hoặc nghĩ cách để tạo ra cơ hội cho mình. Bạn có thể báo cáo vượt cấp nhưng hãy chú ý đến cách xử lý những tác động tiêu cực có thể xảy ra. Đây có thể sẽ chính là chìa khóa khiến cho bạn trở nên nổi bật hơn trong chính môi trường công tác của mình.

Tóm lại, hãy tuân thủ những quy tắc của tổ chức và nhất là cần thận trọng hơn đối với những quy tắc bất thành văn. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể tiến xa hơn trong một hệ thống tổ chức.

Hãy nhớ rằng, 10% thành công của một người phụ thuộc vào kiến thức chuyên môn, trong khi 90% phụ thuộc vào các mối quan hệ giữa cá nhân và môi trường xung quanh.

Nguồn: Toutiao

Hoa Thu

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguoi-eq-cao-hieu-ro-10-dieu-toi-ky-chon-cong-so-neu-muon-thang-tien-nhanh-20230523084733959.htm