Người gác đèn biển trên đảo tiền tiêu Đông Bắc

Ở vùng biển tiền tiêu Đông Bắc, dù bão giông mịt mùng, những con tàu vẫn vững vàng vượt sóng nhờ ánh sáng của ngọn hải đăng trên đảo Trần, hòn đảo xa bờ nhất của tỉnh Quảng Ninh.

“Mắt biển” giữa trùng khơi

Vào ca trực, quan sát mặt biển, bật đèn theo quy trình, thực hiện bảo dưỡng thiết bị để đảm bảo đèn luôn hoạt động hiệu quả, chính xác... là công việc hàng ngày của những người công nhân Trạm quản lý đèn biển Đảo Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, Quảng Ninh.

Đèn biển Đảo Trần hoạt động từ năm 1996, thuộc sự quản lý của Tổng Công ty đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc. Đây là ngọn hải đăng độc lập có chu kì chớp sáng 30 giây (nhóm 4), tầm hiệu lực gần 21 hải lý. Đèn báo vị trí Đảo Trần, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Quảng Ninh xác định vị trí và phương hướng trong hải trình. Vai trò kỹ thuật là vậy, nhưng với những ngư dân ở đây, “mắt biển” còn nhiều ý nghĩa hơn thế.

Hải đăng đảo Trần nằm trên đỉnh đồi cao gần 200m, bao quát một vùng biển trời Đông Bắc

Hải đăng đảo Trần nằm trên đỉnh đồi cao gần 200m, bao quát một vùng biển trời Đông Bắc

Anh Phạm Văn Lý, người dân đảo Trần cho biết, đảo chỉ cách đường phân định vịnh Bắc bộ vài hải lý nên ngọn đèn biển trên đảo có vai trò đặc biệt quan trọng: “Tàu cá khi đi xa, cũng có thể đi đến đường phân định của 2 nước. Ban đêm nhìn thấy hải đăng biết là đảo Trần của mình, mình biết hướng để mình về, bên đó là Việt Nam”.

“Xa xôi nhưng không hề đơn độc”. Anh Nguyễn Văn Hoan, Trạm trưởng trạm đèn kể, 34 năm trong nghề thì gần phân nửa thời gian đó anh gắn bó với đèn biển đảo Trần. Ngày mới tới đảo, từ chân đồi lên trạm đèn chỉ có con đường đất cheo leo, cây rừng phủ kín. Tháp đèn quanh năm gió lộng, thiếu nước ngọt, sóng điện thoại chập chờn theo từng con sóng vỗ bên bờ đá...

Công nhân quản lý đèn biển luôn chăm chút để ngọn đèn sáng tỏ, dẫn đường cho tàu thuyền qua đảo

Công nhân quản lý đèn biển luôn chăm chút để ngọn đèn sáng tỏ, dẫn đường cho tàu thuyền qua đảo

Năm 2014, gần 20 gia đình thanh niên ra đảo lập nghiệp, đường bê tông trải xuyên đảo, nối cả những bậc thang dẫn lên trạm đèn, trường học, trạm viễn thông, rồi lưới điện quốc gia vươn ngang tán rừng rậm... Giờ đây, không chỉ riêng hải đăng mà những căn nhà của các hộ dân cũng rực rỡ ánh sáng đèn điện trong đêm.

Ngày Tết ở trạm đèn giản dị nhưng vẫn đủ đầy, ấm cúng bên câu chuyện về công việc, gia đình

Ngày Tết ở trạm đèn giản dị nhưng vẫn đủ đầy, ấm cúng bên câu chuyện về công việc, gia đình

Anh Nguyễn Văn Hoan tâm sự: “Thời gian gần đây, nhiều công trình được xây dựng, phát triển. Có các đơn vị làm công trình thì anh em rất vui. Người dân ra sinh sống trên đảo, cuộc sống sinh hoạt mua bán thực phẩm cũng tiện lợi dễ dàng hơn. Ngày nọ ngày kia có công việc gì là mời nhau giao lưu, hướng dẫn, học hỏi những gì làm được và chưa làm được. Không ở đâu có sự gắn bó đoàn kết như trên đảo Trần”.

Buồn vui nghề gác đèn

Ngư dân và những người sinh sống, làm việc trên đảo thường ghé thăm nhưng Trạm đèn hiếm khi có khách lạ. Mấy gian nhà cấp 4 ngay dưới chân tháp đèn như chìm lẫn vào rừng cây xung quanh. Ngoài ca trực, họ trồng rau, nuôi gà. Anh em làm việc ở trạm đèn mỗi người một quê nhưng phần nhiều là dân miền biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định… vốn đã quen nghe tiếng sóng gió. Mỗi người một lý do riêng để làm bạn với ngọn đèn biển nhưng chọn nghề này, các anh đã sớm coi đảo là nhà, biển cả là quê hương thứ hai.

Nhiều người đã gắn bó với hải đăng đảo Trần lâu năm, cùng chia sẻ với anh em đồng nghiệp buồn vui trong nghề

Nhiều người đã gắn bó với hải đăng đảo Trần lâu năm, cùng chia sẻ với anh em đồng nghiệp buồn vui trong nghề

Anh Trần Trung Chính, Trạm phó Trạm đèn biển đảo Trần hào hứng kể: Cha anh cũng là một người gác đèn nên từ bé, anh đã có "tình yêu" đặc biệt với luồng sáng chớp tắt từ những ngọn hải đăng, để rồi như một "cái nghiệp", cả chục năm nay anh gắn bó với những trạm đèn. Anh dí dỏm: "Cũng may không bị vợ bỏ", khi nhắc lại chuyện Tết năm 2022 không thể về nhà sum họp với người vợ mới cưới.

“Tâm lý trực Tết ai cũng trải qua nhiều rồi nên động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, ăn Tết nhưng cũng không quên nhiệm vụ. Ngoài công việc chính thì anh em cũng hưởng ứng không khí Tết, sắm đồ, bánh chưng, hoa quả, chuẩn bị đêm giao thừa như ở nhà. Đi chúc tết các đơn vị và các hộ dân trên đảo, mùng 1, mùng 2, có khi cả mùng 3 nữa”, anh Chính nói.

Đảo Trần giờ đây đã đổi thay với những công trình mới, những mái nhà của ngư dân dưới chân cột cờ chủ quyền quốc gia

Đảo Trần giờ đây đã đổi thay với những công trình mới, những mái nhà của ngư dân dưới chân cột cờ chủ quyền quốc gia

Ngày cuối năm, trạm đèn biển đảo Trần cũng rộn rã hơn. Tán quất rừng bên kia đã chi chít trái vàng rực, còn cây đào trước cửa cũng đang lất phất bung hoa. Anh em nhà đèn bảo nhau chọn cành đẹp trưng trong phòng khách, còn lại đem tặng cho lính đảo và các hộ dân, để sắc hồng thêm tô thắm ngày xuân...

Bước những bậc thang xoắn ốc lên tháp đèn, "người lính biển không quân hàm" luôn tự hào và nỗ lực để "ánh mắt biển khơi" luôn chớp sáng trong đêm, dù gió mưa giông bão, tựa như một tín hiệu bình yên nơi vùng biển quê hương./.

Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-gac-den-bien-tren-dao-tien-tieu-dong-bac-post997360.vov