Người 'gắn sao' cho nhà trình tường trên cao nguyên đá

Bước vào H'Mong Village, du khách như đang rảo bước trong một bản làng thực thụ của người Mông với những ngôi nhà trình tường, hàng rào đá, xung quanh là cảnh quan xanh mướt hài hòa...

Bỏ phố về rừng

Khu nghỉ dưỡng này nằm giữa thung lũng Tráng Kìm, huyện Quản Bạ, Hà Giang. Ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, Quản Bạ được coi là cửa ngõ trong hành trình chinh phục cao nguyên đá Ðồng Văn - Công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận vào tháng 12/2010.

Trước đây, du khách đến với Hà Giang thường lướt qua Quản Bạ để đi thẳng lên thị trấn cổ Ðồng Văn, thăm nhà Vương, trải nghiệm một trong tứ đại đỉnh đèo Mã Pì Lèng, thăm dòng Nho Quế xanh như ngọc, danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì… Nhưng từ năm 2020, Quản Bạ đã trở thành điểm đến của du khách trong nước và quốc tế...

Hơn 20 năm trước, ở tuổi thanh niên nhiều ước mơ hoài bão, chàng sinh viên Ðại học Kinh tế Quốc dân Lại Quốc Tĩnh đã làm không ít người ngỡ ngàng khi từ bỏ công việc ở Hà Nội lên vùng cao làm việc. Ai cũng mong có được một suất làm việc ở Thủ đô, nhất là với người trẻ ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nào mấy ai đi bỏ phố về non như thế. Bằng sức trẻ dám dấn thân, ưa trải nghiệm đó đây để tích lũy vốn sống sau này, chàng trai quê lúa Thái Bình đã bất chấp sự ngăn cản của gia đình để lên mảnh đất cực Bắc "chim bay hai lần gãy cánh mới đến", lại thêm địa hình hiểm trở, kinh tế khó khăn vì 4 bề là đá, không trồng nổi cây gì có giá trị ngoài cây ngô.

Lên Hà Giang phụ trách dự án làm công trình giao thông cho một doanh nghiệp nước ngoài chuyên về cầu đường, dù chí trai không quản ngại sương gió dãi dầu nhưng trong thâm tâm của anh khi đó thì "chỉ đi vài năm kiếm chút vốn liếng rồi về Hà Nội".

Thế rồi như đất chọn người, anh "phải lòng" vùng đất nơi đây từ khi nào. Chính sự khắc nghiệt về địa hình địa chất, những cung đường gập tay áo men theo sườn núi dựng đứng lại mang đến cho Hà Giang một vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ như kỳ quan. Thêm lý do yêu và cưới vợ Hà Giang càng khiến anh thêm gắn bó.

Trăn trở giữ gìn bản sắc

Năm 2018 cơ duyên đến với anh một lần nữa khi lãnh đạo tỉnh Hà Giang có chủ trương lấy du lịch làm kinh tế mũi nhọn nên vận động những doanh nghiệp làm xây dựng cơ bản nhiều rồi thì nên chuyển đổi ngành nghề, giúp tỉnh này khai thác triệt để thế mạnh vốn có và góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi.

Kỹ sư Lại Quốc Tĩnh. Ảnh: NVCC

Kỹ sư Lại Quốc Tĩnh. Ảnh: NVCC

"Khi đó, lãnh đạo tỉnh có gợi ý 2 lĩnh vực: Một là nông nghiệp dược liệu, hai là du lịch. Ðích thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khi đó và tôi đã lên Sapa (Lào Cai) và rất nhiều nơi nữa của miền Bắc có điều kiện tương đồng với Hà Giang để tham quan, học hỏi mô hình làm du lịch nhưng vẫn không tìm được phương án khả thi", anh Tĩnh nhớ lại.

Vì xuất thân từ nghề xây dựng, đi nhiều nên như một thói quen, anh thường chú ý đến kiến trúc bản địa của người dân, đặc biệt là kiến trúc truyền thống. Những ngôi nhà trình tường độc đáo hoàn toàn bằng đất, mát mẻ vào mùa hạ, ấm áp vào mùa đông vốn được truyền từ đời này qua đời khác thì nay đang bị mai một, nhất là đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở vùng ven biên giới.

"Người Mông Việt Nam sang bên kia biên giới làm ăn, nhìn thấy kiến trúc nhà ở đó chắc chắn hơn nhà trình tường, vật liệu xây dựng ở đây cũng rẻ, quá trình vận chuyển từ biên giới sang nhanh hơn là từ thành phố Hà Giang lên, vì vậy mà họ muốn làm theo.

Vậy là nhà hiện đại hai tầng, nhà mái tôn dần thay thế cho nhà trình tường. Văn hóa là "thành trì" biên giới mềm, nếu không giữ được thì sẽ bị lai căng...", anh Tĩnh trăn trở.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc lưu giữ văn hóa kiến trúc của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, lại được tỉnh khuyến khích phát triển du lịch... anh Tĩnh đề xuất phương án xây khu nghỉ dưỡng theo lối kiến trúc của người Mông, để ngoài khai thác về kinh tế còn có giá trị bảo tồn văn hóa cho đời sau.

Quyết tâm là vậy nhưng chọn địa điểm nào để làm cũng là một bài toán nan giải. Những lần đi làm công trình trên sông Miện, ngay từ phút đầu tiên đặt chân lên sườn núi, đăm chiêu nhìn xuống thung lũng Tráng Kìm, anh Tĩnh nhận ra đây là vị trí có một không hai trên cao nguyên đá, một nơi hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa để đầu tư, phát triển du lịch. Sự nhạy bén của một kỹ sư xây dựng mách bảo rằng: "Ðây sẽ là nơi ngôi làng Mông thu hút khách du lịch và quảng bá văn hóa bản địa".

Những khu nghỉ dưỡng mang đậm bản sắc kiến trúc của dân tộc Mông. Ảnh: NVCC

Những khu nghỉ dưỡng mang đậm bản sắc kiến trúc của dân tộc Mông. Ảnh: NVCC

Anh say sưa kể: "Nằm ở độ cao khoảng 700m so với mực nước biển với tầm nhìn hướng xuống thung lũng Tráng Kìm, thuộc địa phận 3 xã Cán Tỷ, Ðông Hà, Lùng Tám, vị trí này sở hữu tầm view kỹ vĩ, mây phủ bốn mùa, xung quanh là dãy núi đá tai mèo như rừng đá mọc lên ở giữa thung lũng. Một vấn đề cốt yếu nữa là nước. Với một nơi luôn thiếu nước như cao nguyên đá Ðồng Văn thì việc có sẵn một hang nước chảy ra từ lòng núi được tạo ra do sự đứt gãy của địa chất, chính là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Có nước là có sự sống, có nước là có tất cả. Ðây là điểm hội tụ linh khí đất trời".

"Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm"

Ðề xuất vùng Quản Bạ làm khu nghỉ dưỡng lúc đầu khiến lãnh đạo tỉnh Hà Giang băn khoăn vì nơi này hơi hoang vu. Ði thêm mấy chục cây số nữa là đến phố cổ Ðồng Văn nên du khách sẽ có tâm lý "đi cố" mà bỏ qua Quản Bạ. Vì thế, ai cũng ngạc nhiên, thậm chí ngăn cản phương án của anh Tĩnh.

Nhưng dư địa của Hà Giang còn nhiều chứ không chỉ có Ðồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì... Hơn nữa, với du lịch mà không có cái mới sẽ khiến du khách nhàm chán, đến một lần rồi thôi. Thêm một điểm đến ở Quản Bạ sẽ góp phần tạo nên chuỗi liên kết vì Quản Bạ là điểm đầu trong hành trình khám phá cao nguyên đá Ðồng Văn.

Bằng những thuyết phục này, tháng 2/2019, những viên đá đầu tiên cho nền móng khu nghỉ dưỡng được đặt trên đất Quản Bạ. Xác định đây sẽ là công trình để đời trong sự nghiệp làm xây dựng nên có bao nhiêu vốn liếng, đất đai, anh Tĩnh đều bán hết để đầu tư vào dự án này.

Ðúng như câu nói "có sức người, sỏi đá cũng thành cơm", từng nét vẽ của bức tranh khu nghỉ dưỡng dần hiện ra. Anh Tĩnh cho biết, để khắc phục nhược điểm của nhà trình tường truyền thống, anh đã nghiên cứu cách thức xây dựng mới bằng việc áp dụng công nghệ vật liệu của các chuyên gia Viện Vật lý - Viện KHCN Việt Nam, trộn với đất rồi trình lên tường. Kết quả tạo nên những bức tường rắn chắc như đá, nước có sói vào chân tường cũng không nứt được nữa. Anh đã mang công nghệ này chia sẻ với người dân để họ quay lại với kiến trúc nhà truyền thống, vốn là linh hồn của cao nguyên đá.

Sau hơn 1 năm thực hiện, ngôi nhà ăn 9 gian, nhà cộng đồng 2 tầng cùng với 20 Bugalow ở bản Ðề Chia giống như bản người Mông thu nhỏ được hình thành. Những chiếc quẩy tấu (hay gùi, địu) đi vào kiến trúc của những căn Bungalow một cách tinh tế, lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam.

Toàn cảnh khu H’Mong Village nhìn từ xa.Ảnh: NVCC

Toàn cảnh khu H’Mong Village nhìn từ xa.Ảnh: NVCC

Tháng 7/2020, khu nghỉ dưỡng này được đưa vào sử dụng và đón khách với tổng diện tích lên đến 21 ha. Ðồng bào dân tộc thiểu số vốn quanh năm chỉ gắn bó với cây ngô nay được đào tạo, hướng dẫn làm du lịch cao cấp. Không chỉ xóa được cái nghèo, cái đói mà còn có thu nhập ổn định, bớt đi những cảnh gia đình chia cắt vì phải rời quê đi làm xa.

Ngắm nhìn công trình để đời nhất trong hơn 20 năm làm xây dựng này, đôi khi anh Tĩnh cũng giật mình vì không ngờ mình lại có đủ độ liều và quyết tâm để biến vùng đất chỉ có đá thành màu xanh như hiện tại. "Nếu không có một đức tin cao cả thì có lẽ không ai dám làm mà chọn lĩnh vực an toàn hơn, nhanh thu hồi vốn hơn. Nhưng tôi luôn có niềm tin là sẽ thắng lợi vì với vị trí đẹp như thế và làm theo lối phục dựng văn hóa bản địa nên giá trị khấu hao tài sản sẽ bằng 0. Càng rêu phong cũ kỹ nó càng có giá trị nên trong đầu luôn tin sẽ thành công và thực tế đã thành công ngoài mong đợi", kỹ sư Lại Quốc Tĩnh tâm sự.

Ðầu năm 2022, khu B của khu nghỉ dưỡng hoàn thành. Khu này mô phỏng một bản làng Mông gọi là bản Ðề Chia. 20 căn nhà trình tường được đặt tên theo 20 dòng họ Mông, tái hiện nguyên bản kiến trúc nhà truyền thống, xây dựng hoàn toàn bằng đất, lợp ngói âm dương với một cửa chính và hai cửa sổ hai bên. Sân nhà được bao bọc bằng hàng rào đá, trước mỗi nhà có một cây đào, cảnh quan xung quanh được tô điểm bởi hàng cây sa mộc. Dù bên trong là tiện nghi của khu nghỉ dưỡng cao cấp nhưng hơi thở truyền thống, văn hóa bản địa vẫn chẳng vì thế mà mất đi.

Những nỗ lực xây dựng mô hình du lịch xanh của anh Tĩnh bắt đầu hái quả ngọt và được ghi nhận không chỉ trong nước mà vươn tầm khu vực. Ðầu năm 2022, khu nghỉ dưỡng là một trong 5 đại diện của Việt Nam đạt giải thưởng Khách sạn xanh ASEAN trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN tổ chức tại Sihanoukville, Campuchia. Mong muốn xa hơn nữa của anh Lại Quốc Tĩnh là ngày càng nhiều có khu du lịch lấy văn hóa đó làm sức mạnh nội sinh phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch và từ du lịch lại phát triển quay trở lại với bảo tồn văn hóa bản địa.

Lê Thanh Hà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-gan-sao-cho-nha-trinh-tuong-tren-cao-nguyen-da-169240205103358381.htm