Người Garifuna dùng âm nhạc hồi sinh ngôn ngữ
Trong nhiều thế kỷ, người Garifuna bản địa ở Trung Mỹ đã lưu giữ lịch sử truyền khẩu của nền văn hóa thông qua ngôn ngữ mẹ đẻ của tổ tiên họ.
Để bảo tồn tiếng nói của dân tộc mình, trong hai thập niên qua, các nghệ sĩ người Garifuna ở Belize, một quốc gia nhỏ bé vùng Trung Mỹ, đã sử dụng nền tảng văn hóa - nhạc khiêu vũ, để truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi học và chia sẻ ngôn ngữ bản địa.
Nền văn hóa lâu đời
Trong nhiều thế kỷ, người Garifuna bản địa ở Trung Mỹ đã lưu giữ lịch sử truyền khẩu của nền văn hóa thông qua ngôn ngữ mẹ đẻ của tổ tiên họ. Nhưng sau nhiều thập niên hiện đại hóa, tiếng mẹ đẻ không được chú trọng trong các trường học, kết hôn giữa các nền văn hóa và sự chế giễu những người trẻ nói thứ tiếng này nên tiếng Garifuna bị liệt kê trong bản đồ ngôn ngữ nguy cấp của UNESCO vào năm 2001.
Theo lịch sử truyền khẩu, người Garifuna có nguồn gốc từ một nhóm nô lệ Tây Phi sống sót sau vụ chìm tàu ở vùng biển Caribbean vào những năm 1600.
Những người này bơi được đến đảo St. Vincent, nay là một phần của đảo quốc St. Vincent và Grenadines thuộc vùng Caribbean. Họ đã định cư và kết hôn với cộng đồng người Carib-Arawak bản địa, cuối cùng hình thành nền văn hóa Garifuna.
Vào cuối những năm 1700, người Anh chiếm hòn đảo, đày những người Garifuna đến Honduras. Từ đây, họ bị phân tán đến Nicaragua, Guatemala và Belize, định cư trong các cộng đồng ven biển.
Theo Alvin Laredo, một hướng dẫn viên du lịch Garifuna từ làng Barranco ở miền Nam Belize, người Garifuna hiện đại cần nhiều câu chuyện về nguồn gốc dân tộc, nhưng bằng ngôn ngữ thực sự của họ.
Phần lớn lịch sử hào hùng của tổ tiên họ được truyền lại không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng bài hát và điệu nhảy, chẳng hạn như jankunu. Trong điệu nhảy sôi động này, cùng với trống trong các ngày lễ Giáng sinh và Năm mới, người Garifuna đeo mặt nạ trắng và mặc trang phục thuộc địa để chế nhạo các chủ nô người Anh.
Sức mạnh từ những bài hát
Các yếu tố của văn hóa Garifuna, bao gồm âm nhạc, khiêu vũ và ngôn ngữ đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào năm 2001.
Cũng trong khoảng thời gian này, các nhạc sĩ và nhà hoạt động văn hóa Garifuna đã ấp ủ một kế hoạch: Tạo ra những giai điệu không thể cưỡng lại, được hát hoàn toàn bằng tiếng Garifuna để lôi cuốn những người trẻ tuổi tiếp thu văn hóa và học ngôn ngữ bản địa.
Hoặc như ca sĩ, nhạc sĩ Garifuna và là Nghệ sĩ Hòa bình của UNESCO, Andy Palacio ở Belize, đã nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2007: Hãy làm cho văn hóa Garifuna trở nên “tuyệt vời”!
Nhạc Punta rock đã làm được điều đó. Punta truyền thống chủ yếu dựa vào trống và maracas, với âm thanh vang vọng của tổ tiên người Garifuna ở châu Phi. Paranda, một phong cách âm nhạc Garifuna cổ điển khác, thêm guitar vào giai điệu, cho thấy sự ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Mỹ.
Palacio, một nhà lãnh đạo trong thời kỳ phục hưng văn hóa, đã tập hợp các nhạc sĩ Garifuna trên khắp Trung Mỹ, thành lập ban nhạc Garifuna Collective vào năm 2007. Lời bài hát bằng tiếng Garifuna của họ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ: Đã đến lúc bảo vệ nền văn hóa của chúng ta!
Từ những chuyến lưu diễn thế giới và các giải thưởng âm nhạc quốc tế sau đó, Garifuna Collective đã “đưa Garifuna lên bản đồ quốc tế cùng với Belize”. Mặc dù Palacio đã qua đời vào năm 2008, nhưng lời bài hát của ông và tác phẩm của các nhà hoạt động âm nhạc Garifuna trên khắp Trung Mỹ đã thắp lên ngọn lửa văn hóa Garifuna trên toàn thế giới.
Kevin Ramirez, một nhạc sĩ người Garifuna ở New York, Mỹ, nơi cha mẹ anh nhập cư từ Honduras, đã cố công tìm hiểu về văn hóa của gia đình mình, nhưng anh cảm thấy rất khó khăn.
Anh nói: “Tôi là người da đen, nhưng những người Mỹ da đen không ôm tôi vì tôi nói tiếng Tây Ban Nha. Tôi nói tiếng Tây Ban Nha, nhưng người Latinh không chấp nhận tôi vì tôi là người da đen”.
Sau cùng, anh tìm thấy cảm giác thân thuộc khi đến thăm Honduras và tham dự các buổi biểu diễn âm nhạc Garifuna trực tiếp. Những chuyến đi này đã truyền cảm hứng cho anh thành lập Hagucha Records, một trong những hãng thu âm nhạc Garifuna hàng đầu hiện nay.
Âm nhạc và du lịch
Hiện nay, dân số Garifuna trên toàn cầu khoảng 300.000 người, phần đông sống ở Belize, Honduras và một số nơi ở Guatemala, Nicaragua. Theo kết quả điều tra dân số năm 2010 được Viện Thống kê Belize công bố thì trong tổng số dân của đất nước là 324.500 người, ước tính có 6,1% là người Garifuna.
Sự phục hưng ngôn ngữ Garifuna hiện có một sự thúc đẩy mới: “Con đường du lịch của Belize” chính thức ra mắt vào tháng 3/2022 nhằm quảng bá trải nghiệm du lịch Garifuna. Thay vì đi theo mô hình du lịch “vũ công trong các khu nghỉ dưỡng”, những người Garifuna mời khách du lịch đến trải nghiệm và kết nối với họ tại nơi họ sống và theo các điều kiện của họ.
Sáng kiến được tài trợ bởi Ủy ban Du lịch Belize và Tổ chức Du lịch Caribbean, bao gồm 50 doanh nghiệp thuộc sở hữu của người Garifuna trên khắp Dangriga và Hopkins, hai trung tâm văn hóa trên bờ biển phía Nam của Belize.
Trải nghiệm du lịch bao gồm từ việc tham gia các bài học âm nhạc, đến chiêm ngưỡng nghệ thuật truyền thống. Kế hoạch vào năm 2024 của con đường bao gồm đào tạo hướng dẫn viên du lịch và mở rộng mô hình sang các thị trấn Garifuna khác.
Liệu âm nhạc có cứu được ngôn ngữ Garifuna? Trong khi chờ đợi câu trả lời, những người Garifuna vẫn tiếp tục thúc đẩy các hoạt động lôi cuốn những đồng bào của họ khắp thế giới hướng về nền văn hóa phong phú của tổ tiên mình.
Theo Nationalgeographic
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-garifuna-dung-am-nhac-hoi-sinh-ngon-ngu-post622697.html