Người gây dựng thương hiệu đặc sản Hoa Quả Sơn ở Kim Bôi
Sau 40 năm trải qua nhiều nghề, ông Nguyễn Văn Thập ở xóm Kim Đức, xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi đã gây dựng được thương hiệu đặc sản Hoa Quả Sơn. Không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình, ông còn tạo việc làm, cơ hội thoát nghèo cho hàng trăm hộ dân.
Sau 40 năm trải qua nhiều nghề, ông Nguyễn Văn Thập ở xóm Kim Đức, xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi đã gây dựng được thương hiệu đặc sản Hoa Quả Sơn. Không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình, ông còn tạo việc làm, cơ hội thoát nghèo cho hàng trăm hộ dân.
Đến với Kim Bôi du khách không chỉ được đắm mình trong dòng nước khoáng mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản núi rừng Mường Động do các nhà hàng cung cấp, trong đó nhà hàng mang tên Hoa Quả Sơn của ông Nguyễn Văn Thập được nhiều người biết đến. Ngoài những món ăn: cơm lam, rượu cần, thịt trâu nướng ống tre, thịt trâu om lá lồm, tôm rim mặn, gà rang muối, gà quay mật ong... còn có những món đặc sản thú rừng. Để thu hút du khách đến với Kim Bôi ngày càng đông có sự góp công sức của ông Nguyễn Văn Thập, người đã bỏ tâm huyết gây dựng nên các nhà hàng đặc sản Hoa Quả Sơn.
Những năm đầu lập nghiệp ông Thập làm nghề xây dựng. Có chút vốn ông đầu tư bất động sản và chuyển sang kinh doanh vàng bạc, đồ gỗ, nhà hàng. Những năm trước huyện Kim Bôi có thế mạnh về đồng cỏ, vườn đồi thuận lợi cho chăn nuôi gia súc. Sinh ra từ khó khăn nên ông thấu hiểu cảnh người nông dân có sức lao động nhưng thiếu vốn làm ăn kinh tế. Ông bàn với gia đình bỏ vốn mua bò cho các hộ khó khăn có nhân lực nuôi bò rẽ. Ban đầu vài chục con bò, sau vài năm đàn bò ông cho các hộ nuôi rẽ lên đến hàng trăm con. Cũng từ hình thức này nhiều hộ dân được ông giúp đỡ gây dựng vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Những năm gần đây Kim Bôi là điểm đến của nhiều khách du lịch, nhất là Thủ đô Hà Nội. Thấy rõ tiềm năng của địa phương ông mở 3 nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch. Để giới thiệu, quảng bá những đặc sản của vùng đất Mường Động và của tỉnh, ông sưu tập món ăn các vùng miền, lựa chọn đầu bếp địa phương. Cũng từ nhà hàng thu hút 28 lao động làm việc với thu nhập từ 6 -17 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm cho gia đình ông thu nhập trên 100 triệu đồng.
Đưa chúng tôi tham quan khu chuồng trại chăn nuôi thỏ, lợn rừng, nai, dê… ông Thập cho biết: Giờ đã có tuổi nên tôi tập trung vào chăn nuôi, trồng trọt. Hiện tôi có 2 trang trại chăn nuôi khoảng 200 con lợn rừng và nhiều loại động vật để phục vụ nhà hàng. Ngoài ra liên kết với các hộ chăn nuôi trong huyện để cung cấp thực phẩm cho nhà hàng.
Nhằm liên kết các hộ sản xuất nông nghiệp trong xã, năm 2017 ông thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Hoa Quả Sơn với 8 thành viên chính, diện tích canh tác trên 50 ha. Hợp tác xã tập trung trồng cây ăn quả như cam, bưởi, mít, bơ… Ngoài cung cấp cho nhà hàng còn tiêu thụ ra thị trường.
Ông Thập cho biết thêm: Thời gian gần đây giá cả hoa quả bấp bênh, đầu ra ngành chăn nuôi gặp khó khăn nhưng tôi vẫn tập trung vào chăn nuôi. Để thành công được là do chủ động đầu ra, không phụ thuộc vào tư thương ép giá. Cùng với đó, tôi tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các thành viên hợp tác xã và các hộ liên kết. Như vậy các hộ thành viên yên tâm đầu tư chăn nuôi và có nguồn thu nhập ổn định.