Người gây ra bạo lực gia đình mới là người phải ở nhà tạm lánh?
Phát biểu tại hội thảo '10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình - thực trạng và giải pháp', nhiều ý kiến cho rằng, nên cho người gây ra bạo lực gia đình vào nhà tạm lánh thay vì là nạn nhân.
Sáng 28/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã chủ trì Hội thảo khoa học "10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình - thực trạng và giải pháp".
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các Bộ, ban, ngành liên quan cùng đại diện một số địa phương và các chuyên gia, nhà nghiên cứu về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ).
Tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Gia đình Bộ VHTTDL Trần Tuyết Ánh đã nêu báo cáo sơ lược 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ. Theo đó, báo cáo đã khái quát về kết quả sau 10 năm triển khai, thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng như những thuận lợi, khó khăn, thách thức và trong quá trình triển khai Luật.
Sau khi Hội thảo nêu ra những kết quả đạt được và những khó khăn vướng mắc cùng các đề nghị, giải pháp khắc phục sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nhiều ý kiến cho rằng, việc phạt tiền đối với bạo lực khó thực hiện, chỉ tập trung vào hòa giải; Chưa đánh giá đúng tình trạng bạo lực gia đình là nguyên nhân gây ra các bạo lực khác.
Một số ý kiến cũng đặt vấn đề, tại sao người gây ra bạo lực gia đình lại không ở nhà tạm lánh mà lại là nạn nhân; Mức kinh phí hoạt động, truyền thông về PCBLGĐ còn có hạn chế; Cần có sự thống nhất về quản lý nhà nước trong lĩnh vực PCBLGĐ hiện nay…