Người ghép nhiều bộ xương khổng lồ của động vật quý hiếm

Nhiều bộ xương khổng lồ của động vật quý hiếm là cá voi được họa sĩ Lê Vũ (Vĩnh Phước, Nha Trang, Khánh Hòa) phục dựng, lắp ghép thành công.

Động vật quý hiếm được ngư dân tôn kính

Đến thời điểm hiện nay, bộ xương cá voi lớn nhất mà họa sĩ Lê Vũ trực tiếp phục dựng, lắp ghép đang được đặt trong khu dinh Vạn Thủy Tú (di tích Vạn Thủy Tú, phường Đức Thắng, TP. Phan Thiết, Bình Thuận).

Theo thông tin lưu trữ tại khu di tích Vạn Thủy Tú, bộ xương cá voi nói trên được phân loại là cá voi lưng xám, ngư dân kính trọng gọi là cá Ông hoặc Ông Nam Hải. Bộ xương sau khi phục dựng có chiều dài 22m, trọng lượng cá voi này khi còn sống ước đạt khoảng 65 tấn.

Tương truyền của ngư dân quanh dinh Vạn Thủy Tú, khoảng trên 200 năm trước, cá voi lưng xám không may chết và dạt vào bờ, người dân trong vùng đưa đi an táng, sau một thời gian bốc cốt đưa vào dinh Vạn Thủy Tú để bảo quản, thời phụng.

Bộ xương cá voi lưng xám được người dân bảo quản trong dinh Vạn Thủy Tú trước khi được họa sĩ Lê Vũ lắp ghép.

Bộ xương cá voi lưng xám được người dân bảo quản trong dinh Vạn Thủy Tú trước khi được họa sĩ Lê Vũ lắp ghép.

Nhớ về những ngày đầu bắt tay vào phục dựng, lắp ghép bộ xương cá voi lưng xám, họa sĩ Lê Vũ chia sẻ: "Năm 2003, tôi nhận được lời mời (từ Viện Hải dương học) chủ trì phục dựng, lắp ghép bộ xương cá voi lưng xám ở dinh Vạn Thủy Tú. Tôi biết rõ đây là loài động vật quý hiếm, được đông đảo ngư dân Bình Thuận nói riêng, ngư dân Nam Trung Bộ nói chung tôn kính nên ngay khi nhận lời tôi đã trăn trở rất nhiều. Mình phải lắp ghép bộ xương sao cho vừa có thẩm mỹ, vừa đảm bảo độ bền".

Thiết kế bộ khung bằng inox để lắp ghép bộ xương cá voi lưng xám.

Thiết kế bộ khung bằng inox để lắp ghép bộ xương cá voi lưng xám.

Điều khó nhất là bộ xương cá voi này đã quá lâu, nhiều đoạn đã mục nát, phải kỳ công phân loại ra đâu là xương sống, đâu là xương vây, xương sườn… Sau khi phân loại xương thì phác thảo hình dạng cá voi lưng xám rồi dựng chiếc khung bằng inox, từng bước tiến hành lắp ghép từng mảnh xương, xếp lên khung, sau đó gắn kết chúng lại với nhau.

Để hoàn thiện việc lắp ghép từng bộ phận như xương ngà, xương hàm… họa sĩ Lê Vũ cùng cộng sự mất nhiều đêm không ngủ.

"Phần xương nào của cá voi lưng xám đã phân hủy, bị mất thì chúng tôi thay thế bằng composite, tạo màu sắc y như xương thật. Sau đó quét chất bảo quản lên toàn bộ bộ xương cá voi. Hơn 100 ngày tôi cùng ê-kíp làm việc hết công suất mới cơ bản lắp ghép, phục dựng xong bộ xương cá voi lưng xám.

Sau đó thì tiếp tục theo dõi xem có trục trặc gì không để điều chỉnh, bổ sung. Chúng tôi đã lắp ghép bộ xương cá voi lưng xám bằng tất cả đam mê, lòng tôn kính với loài động vật này nên đến nay bộ xương vẫn bền chắc", họa sĩ Lê Vũ bộc bạch.

Họa sĩ Lê Vũ bên bộ xương cá voi lưng xám dài 22m được ông cùng cộng sự phục dựng, lắp ghép thành công và đang đặt trong Dinh Vạn Thủy Tú.

Họa sĩ Lê Vũ bên bộ xương cá voi lưng xám dài 22m được ông cùng cộng sự phục dựng, lắp ghép thành công và đang đặt trong Dinh Vạn Thủy Tú.

Nhiều bộ xương khổng lồ được lắp ghép

Không chỉ thành công trong việc lắp ghép, phục dựng bộ xương cá voi lưng xám ở dinh Vạn Thủy Tú (phường Đức Thắng, TP. Phan Thiết), họa sĩ Lê Vũ còn trực tiếp lắp ghép bộ xương cá voi lưng gù dài 18m đang đặt tại Viện Hải dương học (Cầu Đá, Nha Trang, Khánh Hòa).

Theo họa sĩ Lê Vũ, năm 1994, trong quá trình đào mương thủy lợi, người dân xã Hải Cường (Hải Hậu, Nam Định) phát hiện bộ xương cá voi nói trên. Đây là loài động vật quý hiếm. Khi phát hiện, bộ xương đang nằm ở độ sâu 1,2m dưới lòng đất, bộ xương có chiều dài 18m. Sau khi khai quật và làm các thủ tục liên quan, bộ xương này được đưa về Viện Hải dương học để nghiên cứu, phục dựng.

Bộ xương cá voi lưng gù đặt ở Viện Hải dương học trong giai đoạn hoàn thiện.

Bộ xương cá voi lưng gù đặt ở Viện Hải dương học trong giai đoạn hoàn thiện.

"Khi vận chuyển về Viện Hải dương học, bộ xương cá voi lưng gù đã vỡ vụn, ngay cả xương hàm cũng đã nát, chỉ còn vài khúc nguyên vẹn. Tất cả được đựng trong gần 30 chiếc giỏ cần xé (một loại giỏ bằng tre), chúng tôi phải rất nhọc nhằn để nhặt nhạnh, phân loại. Sau đó, làm khuôn để đúc từng bộ phận xương. Phần xương nào mất, mục nát thì thay thế bằng thạch cao.

Mất khoảng hơn 3 tháng, tôi cùng các nhà khoa học khác của Viện Hải dương học mới có thể hoàn thiện các bước cơ bản trong việc lắp ghép bộ xương cá voi lưng gù. Đến nay, đông đảo khách trong và ngoài nước đều đến chiêm ngưỡng bộ xương cá voi này và nghe kể nhiều chuyện về loài động vật quý này", họa sĩ Lê Vũ nói.

Bộ xương cá voi lưng gù dài 18m hoàn thiện tại Viện Hải dương học.

Bộ xương cá voi lưng gù dài 18m hoàn thiện tại Viện Hải dương học.

Thông tin từ Viện Hải dương học, cá voi lưng gù là động vật thuộc lớp thú, có tính ăn tạp. Loài động vật này có thể phát ra chuỗi âm thanh kéo dài hàng giờ đồng hồ, đồng thời cá voi con còn dùng âm thanh để giao tiếp với cá voi mẹ. Hiện, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về âm thanh của cá voi.

Sau khi lắp ghép, phục dựng hai bộ xương cá voi lớn đặt ở Viện Hải dương học và dinh Vạn Thủy Tú (phường Đức Thắng, TP. Phan Thiết), họa sĩ Lê Vũ còn được mời ra huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) lắp ghép 5 bộ xương cá voi khác.

Một bộ xương cá voi ở huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) được họa sĩ Lê Vũ lắp ghép thành công.

Một bộ xương cá voi ở huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) được họa sĩ Lê Vũ lắp ghép thành công.

"Trong 5 bộ xương cá voi ở huyện Phú Quý do tôi lắp ghép, bộ lớn nhất cũng dài khoảng gần 17m. Tương truyền, cá voi thường che chở, cứu giúp ngư dân khi gặp nạn trên biển nên khi cá voi chết dạt vào bờ, ngư dân an táng, thờ cúng cẩn thận. Vây nên, khi lắp ghép, phục dựng các bộ xương cá voi, tôi cũng làm một cách cẩn thận nhất", họa sĩ Lê Vũ chia sẻ.

Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-ghep-nhieu-bo-xuong-khong-lo-cua-dong-vat-quy-hiem-169240716171106817.htm