Người giả!

Trước nay chỉ nghe nói đến chuyện hàng giả, đồ giả chứ chưa nghe thấy chuyện người giả. Vậy mà gần đây, tình trạng người giả dường như đang trở thành vấn nạn gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.

Chủ động lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch một cách triệt để là giải pháp quan trọng ngăn chặn tình trạng tự ý phân lô, bán nền tại các địa phương. (Trong ảnh: Toàn cảnh Khu đô thị Nam Vĩnh Yên nhìn từ trên cao)

Chủ động lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch một cách triệt để là giải pháp quan trọng ngăn chặn tình trạng tự ý phân lô, bán nền tại các địa phương. (Trong ảnh: Toàn cảnh Khu đô thị Nam Vĩnh Yên nhìn từ trên cao)

Thực tế cho thấy, “người giả” đang có mặt ở khắp nơi. Từ giả làm người tốt cho đến giả làm việc tốt đều hướng tới mục đích trục lợi cho bản thân. Nào là giả công an để lừa đảo người nhẹ dạ, giả làm từ thiện để lừa người hảo tâm. Cao tay hơn, có một bộ phận người còn giả vờ hiến đất làm đường giao thông để… phân lô bán nền, nâng giá đất lên cao.

Cụ thể, mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Khánh Hòa vừa có kết luận thanh tra về tình trạng phân lô bán nền tại huyện Cam Lâm. Qua thanh tra, đoàn phát hiện 3 trường hợp lợi dụng việc hiến đất làm đường giao thông, sau đó phân lô bán nền phục vụ lợi ích cá nhân.

Điển hình là bà H. có thửa đất rộng hơn 5.800 m2 ở thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm), mục đích sử dụng đất là trồng cây lâu năm. Đến tháng 7/2019, bà H. có văn bản hiến tặng một phần đất để làm đường đi và được UBND thị trấn Cam Đức chấp thuận.

Mảnh đất của bà H. được tách thành 3 thửa, trong đó một thửa làm đường, một thửa bà H. giữ lại và một thửa bà H. chuyển nhượng cho ông D. Cả 2 thửa đất này tiếp tục được xin tách thành 6 thửa nhỏ hơn.

Sau đó, bà H. và ông D. nộp hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng và được Phòng TN&MT huyện Cam Lâm tham mưu UBND huyện này ký các quyết định cho phép chuyển mục đích 6 thửa đất trên từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở đô thị.

Chưa dừng lại ở đó, sau nhiều quy trình, 6 thửa đất này tiếp tục được tách thành 55 thửa đất nhỏ hơn và bán hết cho người mua.

Ngoài khu đất trên, bà H. cũng thực hiện tách thửa, hiến đất làm đường và chuyển mục đích sử dụng tại khu đất rộng hơn 9.700 m2 ở thôn Bãi Giếng (xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm). Thửa đất trên tiếp tục được tách thành 67 thửa nhỏ. Đến nay, bà H. đã chuyển nhượng 42/67 thửa đất cho các chủ sử dụng đất khác.

Kết luận của đoàn kiểm tra chỉ rõ, theo quy định của Luật Đất đai, không có khái niệm về "hiến đất", chỉ có quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất do người sử dụng đất tự nguyện trả lại.

Đồng thời, đoàn kiểm tra nhận định việc hiến đất của các cá nhân trên không vì mục đích thực hiện các công trình công cộng; chỉ nhằm phục vụ cho nhu cầu lợi ích của cá nhân là phân lô, bán nền.

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, tỉnh Khánh Hòa đã kịp thời chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp khắc phục như hủy các quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và các văn bản chấp thuận cho phép hiến đất làm đường giao thông đối với các trường hợp nêu trên.

Kiểm điểm xử lý nghiêm trách nhiệm đối với lãnh đạo chính quyền địa phương qua các thời kỳ (theo lĩnh vực được giao phụ trách) trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai, đầu tư xây dựng tại địa bàn đối với các vi phạm, tồn tại sau khi kiểm tra.

Trông người lại ngẫm đến ta, tình trạng phân lô bán nền trên địa bàn Vĩnh Phúc thời gian qua xảy ra ở khá nhiều nơi trong thời gian dài, gây bức xúc trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây bất ổn thị trường nhà đất và cuộc sống của nhân dân.

Đánh giá mức độ nghiêm trọng của vấn đề, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm chấn chỉnh, giải quyết tận gốc vấn đề, đến nay đã ngăn chặn được đáng kể các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực đất đai.

Tuy nhiên thực tế có nơi, có lúc tình trạng trên vẫn âm thầm diễn ra bởi nhiều lý do cả khách quan và chủ quan. Đặc biệt với tiền lệ là một số địa phương trên cả nước đã xảy ra tình trạng núp bóng hiến đất làm đường giao thông để tổ chức phân lô, bán nền thì không loại trừ khả năng sẽ xảy ra vụ việc tương tự trên địa bàn tỉnh nếu không có các giải pháp ngăn chặn kịp thời và kiên quyết.

Điển hình là mới đây, Sở Xây dựng đã đăng tải thông tin về các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị đủ điều kiện huy động vốn; đủ điều kiện được phép bán nhà hình thành trong tương lai; chưa được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, có tới hàng chục dự án khu nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị chưa được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở…

Nên chăng, ngoài việc thẩm định kỹ các hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai của cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương từ cấp thôn trở lên đều cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc nắm bắt rõ tình hình, giám sát chặt chẽ di biến động về thực trạng đất đai trên địa bàn mình quản lý để kịp thời thông báo với cấp có thẩm quyền trong trường hợp nghi ngờ xảy ra tình trạng vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai.

Cùng với đó, pháp luật cũng cần có chế tài nghiêm khắc hơn nữa như tăng giá trị nộp phạt lên mức thật cao hoặc truy tố, xử tù giam nhiều năm với những trường hợp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng để răn đe những đối tượng có ý định coi thường và cố tình vi phạm pháp luật.

Bài, ảnh: Quang Nam

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/80952/nguoi-gia.html