Người già có mùi đặc trưng nhưng không phải ai cũng biết rõ nguyên nhân
Người già có mùi khó chịu hay còn gọi là mùi gây, tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề vệ sinh cá nhân mà liên quan đến sinh lý, nội tiết và bệnh lý tuổi già.
Mùi gây (hoặc mùi khó chịu) ở người già là hiện tượng phổ biến nhưng thường bị hiểu lầm. Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề vệ sinh cá nhân mà còn liên quan đến thay đổi sinh lý, nội tiết và bệnh lý tuổi già.
Mùi cơ thể đặc trưng của người lớn tuổi được gọi là "mùi người già" đã được các nhà khoa học nghiên cứu, đặc biệt là tại Nhật Bản và Mỹ. Nguyên nhân chính là do chất 2-Nonenal, đây là một hợp chất aldehyde không bão hòa được xác định là thủ phạm chính gây ra mùi đặc trưng ở người già. Nó không hiện diện ở người trẻ tuổi, mà xuất hiện rõ rệt sau tuổi 40, và tăng mạnh sau tuổi 60.

Ảnh minh họa
Mùi cơ thể của người già thực chất là mùi cơ thể phức tạp do nhiều vấn đề xảy ra khi cơ thể con người già đi, bao gồm quá trình trao đổi chất chậm hơn, giải độc kém hơn, teo tuyến bã nhờn và tích tụ các gốc tự do.
Quá trình chuyển hóa chậm ở gan và thận
Nhiều người trung niên và người cao tuổi vệ sinh, tắm rửa và thay quần áo mỗi ngày nhưng vẫn có mùi hôi hay mùi "gây" khó chịu. Nguyên nhân là do các sản phẩm lão hóa tích tụ bên trong cơ thể không được đào thải ra ngoài.
Theo quan điểm của y học cổ truyền Trung Quốc, sau 55 tuổi, khí huyết trong cơ thể dần suy giảm, đặc biệt là tinh can thận không đủ, tỳ hư, khí huyết ứ trệ có thể dẫn đến những thay đổi sau:
- Gan tiết kém: các chất chuyển hóa không được thải ra ngoài, tuần hoàn khí huyết chậm lại, chất thải tích tụ.
- Bài tiết qua thận yếu: Chức năng giải độc của nước tiểu và mồ hôi giảm, các chất độc thoát ra ngoài qua da.
- Tiêu hóa và chuyển hóa kém ở tỳ và dạ dày: Chế độ ăn uống không hợp lý và độ ẩm đi vào cơ thể sẽ làm tăng sự tích tụ chất thải trong cơ thể.
Do đó, mùi hôi của tuổi già thực chất là sản phẩm của sự hoạt động chậm chạp của ngũ tạng, sự tích tụ độc tố và quá trình oxy hóa chất béo và không thể bị rửa trôi.
Sự thay đổi trong quá trình chuyển hóa da
Một nghiên cứu của Nhật Bản năm 2001 đã phát hiện ra một chất quan trọng 2-nonenal.
Đây là sản phẩm của quá trình chuyển hóa lipid bị oxy hóa, chủ yếu bắt nguồn từ quá trình phân hủy oxy hóa dầu trên da. Khi con người trên 50 tuổi, khả năng chống oxy hóa của cơ thể giảm dần, chất này bắt đầu tích tụ với số lượng lớn dẫn đến mùi hôi khó chịu ở người già.
2-nonenal được tạo ra khi acid béo Omega-7 trong lớp mỡ dưới da tác dụng với oxy. Lớp mỡ này vốn cũng từng được cơ thể bảo vệ rất tích cực bằng cách sản sinh các chất chống ôxy hóa, nhưng khi tuổi đã cao thì hiệu quả của việc này có phần xuống cấp. Theo thời gian, đội quân chống oxy hóa ngày càng mai một trong khi acid béo Omega-7 lại tiết ra nhiều. Quá trình oxy hóa lúc này trở nên mạnh mẽ hơn khi ta còn trẻ và tạo nên lượng đáng kể 2-nonenal khiến cơ thể tỏa ra "mùi người già".
Do nằm ở ngay lớp sừng lớp ngoài cùng của biểu bì nên lớp mỡ này thường xuyên phải tiếp xúc với không khí và bị dễ oxy hóa.
"Mùi gây người già" không nói lên điều gì về vấn đề vệ sinh cá nhân cả. Tất cả chỉ đơn thuần là một quá trình sinh học rất bình thường của con người.
Chế độ ăn uống kém lành mạnh
Những thực phẩm nhiều muối, nhiều chất béo này không chỉ gây viêm nhiễm cơ thể mà còn khiến tuyến bã nhờn hoạt động bất thường, khiến dầu dễ bị oxy hóa, tăng tích tụ gốc tự do khiến mùi hôi của tuổi già càng nặng hơn.
Một số loại thực phẩm sau nên kiểm soát càng sớm càng tốt:
- Thực phẩm chiên rán sẽ làm tăng gánh nặng oxy hóa trong cơ thể, đặc biệt ảnh hưởng đến quá trình giải độc gan.
- Thực phẩm ngâm chua chứa nitrit và một lượng lớn muối, không chỉ gây hại cho thận mà còn cản trở quá trình trao đổi chất bình thường.
Các sản phẩm thịt chế biến (như xúc xích và giăm bông) nhiều chất béo, tiêu thụ lâu dài sẽ tích tụ các gốc tự do.
Rối loạn nội tiết và lão hóa
Tuổi tác khiến tuyến mồ hôi và tuyến bã nhờn hoạt động không đều dẫn đến mồ hôi khó thoát, gây mùi. Nội tiết tố thay đổi (đặc biệt ở nữ sau mãn kinh) làm ảnh hưởng mùi cơ thể.
Vệ sinh cá nhân kém do hạn chế vận động
Không tắm rửa, thay quần áo thường xuyên do tuổi cao hoặc bệnh tật nên tích tụ mồ hôi, vi khuẩn, tế bào chết. Giường, nệm, gối không giặt thường xuyên cũng tích tụ mùi gây khó chịu.
Cách cải thiện mùi cơ thể người già
Dưới đây là các cách hiệu quả, an toàn đã được kiểm chứng để cải thiện mùi cơ thể ở người già giúp họ cảm thấy tự tin và dễ chịu hơn trong sinh hoạt hằng ngày:

Ảnh minh họa
Tắm rửa đúng cách và thường xuyên
Tắm ít nhất 1 lần/ngày, nhất là mùa nóng hoặc sau khi vận động và chú ý các vùng dễ tích mùi như nách, bẹn, lưng, cổ, vùng dưới ngực.
Dùng xà phòng có khả năng khử 2-Nonenal (nếu có thể).
Giữ da sạch, khô thoáng
Lau khô người sau khi tắm, tránh để ẩm lâu dễ gây nấm và vi khuẩn phát triển gây mùi. Nên sử dụng phấn khử mùi nhẹ, tự nhiên ở những vùng dễ ẩm (nách, kẽ tay/chân).
Ăn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Người già nên ăn khoai lang tím, cà rốt, nấm, bông cải xanh và cà chua có thể trung hòa các gốc tự do làm giảm quá trình oxy hóa dầu và chậm quá trình lão hóa.
Thay quần áo, ga gối thường xuyên
Quần áo, khăn mặt, ga giường cần được giặt sạch 2–3 lần/tuần. Ưu tiên dùng vải cotton thoáng khí, dễ hút ẩm. Phơi nắng kỹ để diệt vi khuẩn gây mùi.
Tăng vận động nhẹ nhàng
Vận động nhẹ nhàng như đi bộ thật chậm trong không gian xung quanh nhà sẽ giúp đào thải độc tố qua tuyến mồ hôi, làm thông thoáng da và tăng cường tuần hoàn máu và trao đổi chất, làm giảm mùi cơ thể từ bên trong.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Người già nên kiểm tra sức khỏe theo định kỳ và nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ. Một số bệnh lý như tiểu đường, gan, thận, dạ dày có thể gây mùi lạ qua da, hơi thở hoặc mồ hôi. Nếu người già có mùi lạ, nồng, bất thường kéo dài nên khám bác sĩ để loại trừ nguyên nhân bệnh lý.
Tóm lại, mùi cơ thể ở người già là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa, nhưng hoàn toàn có thể cải thiện nếu được chăm sóc đúng cách nhẹ nhàng, đều đặn và phù hợp với thể trạng.