Người già đi 'dưỡng lão bán trú'

Khởi xuất từ nhu cầu của người cao tuổi không muốn vào viện dưỡng lão sống lâu dài, nhưng cần duy trì luyện tập sức khỏe đều đặn và đặc biệt là không thiếu vắng người chăm sóc, bầu bạn khi con cháu đi làm, hàng xóm ít giao tiếp… mô hình dưỡng lão bán trú đã được mở ra ở nhiều thành phố.

Ưu điểm của dưỡng lão bán trú là con cháu có thể yên tâm khi ông bà, cha mẹ đến đây hàng ngày để sinh hoạt vui vẻ trong cộng đồng cùng thế hệ, được chăm sóc sức khỏe và luyện tập tinh thần, thể chất... Họ đến ban ngày và trở về với con cháu vào chiều tối là giải pháp hài hòa, hợp lý hơn là việc cách ly hoàn toàn khỏi gia đình như các mô hình dưỡng lão nội trú truyền thống.

Là một trong những cơ sở tiên phong vận hành mô hình dưỡng lão bán trú đầu tiên ở Hà Nội (năm 2020), Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Nhân Ái đã học tập mô hình từ Nhật Bản và có những điều chỉnh khi đưa vào Việt Nam. Tùy vào nguyện vọng, điều kiện và tình trạng sức khỏe của người cao tuổi mà có thể lựa chọn các dịch vụ: chăm sóc dài hạn, chăm sóc ngắn hạn, chăm sóc sau điều trị. Trong đó, chăm sóc ngắn hạn (500.000 - 600.000 đồng/buổi bán trú) là giải pháp phù hợp với những gia đình phải đi công tác xa một thời gian, không đảm bảo chăm sóc người già trong nhà thường xuyên; gia đình neo đơn không muốn để người già phải cô đơn, không có người chăm sóc; thử nghiệm cho người già sinh hoạt cộng đồng cùng những người cao tuổi khác để thích nghi trước khi sử dụng dịch vụ chăm sóc dài hạn tại dưỡng lão…

Hoạt động tăng cường sức khỏe trí lực cho người cao tuổi tại dưỡng lão bán trú Genki House. Ảnh: CTV

Hoạt động tăng cường sức khỏe trí lực cho người cao tuổi tại dưỡng lão bán trú Genki House. Ảnh: CTV

Tại TP.HCM, từ tháng 8.2024, Trung tâm sinh hoạt và chăm sóc người cao tuổi Genki House được Tập đoàn đầu tư Khôi Nguyên (KNI) và Công ty TNHH Năng lượng sống - Genki đã chính thức vận hành tại Quận 7 theo mô hình dưỡng lão bán trú. Genki House có tổng diện tích khoảng 1.000m², bao gồm các khu vực: phòng khám và điều trị y học cổ truyền, phòng massage và châm cứu, phòng tư vấn sức khỏe, phòng luyện tập thể lực và trí lực, phòng giải trí và sinh hoạt chung, phòng thiền và yoga, phòng đọc sách và thư giãn, khu tập dưỡng sinh ngoài trời, phòng ăn và cà phê sân thượng.

Tùy theo số lần sử dụng và loại dịch vụ (tập thể dục, hoạt động luyện trí lực, trị liệu y học cổ truyền, thiền trị liệu, ăn nhẹ, ăn trưa, ngâm thuốc thảo dược, bơi, đưa đón) mà phí thành viên gồm 3 loại: gói Dưỡng 5 triệu đồng; gói An 8 triệu đồng; gói Tâm 16 triệu đồng. Genki House là mô hình sinh hoạt mở, các thành viên khi đến đây hàng ngày sẽ được chăm sóc, sinh hoạt, giải trí và tập luyện trong môi trường phù hợp với người cao tuổi: thiền, vẽ tranh, thư pháp, trà đạo, đánh cờ, trò chơi trí não, yoga, thể dục dưỡng sinh…

Tháng 3.2024, Tập đoàn Vingroup đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Y tế Well Group (Nhật Bản) để phát triển mô hình trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đẳng cấp quốc tế tại Vinhomes Ocean Park 2, theo hai hình thức: chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong ngày và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn (nhà dưỡng lão).

Đầu tháng 8.2024, Tập đoàn Sun Group cũng đã chính thức triển khai dự án đại đô thị Sun Urban City theo mô hình đô thị nghỉ dưỡng ngoại ô tại Hà Nam, trong đó có cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi, bao gồm khu dưỡng lão, bệnh viện chuyên biệt, không gian rộng lớn để đi dạo, sum vầy cùng người thân và bạn bè…

Theo TS. Nguyễn Văn Đính (Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam), hiện nay các viện dưỡng lão với chất lượng phục vụ tốt đều nằm ở phân khúc cao cấp, khiến đối tượng ở phân khúc thấp hơn khó có thể tiếp cận đến loại hình nghỉ dưỡng hưu trí, dưỡng lão. Để đảm bảo đủ số lượng cơ sở và chất lượng chăm sóc cho người cao tuổi, ông Đính cho rằng Nhà nước cần xây dựng các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào công tác chăm sóc người cao tuổi.

Phạm Tuấn

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nguoi-gia-di-duong-lao-ban-tru-45519.html