Người giàu cũng muốn cưa đôi tình phí trong bão giá
Lạm phát khiến rượu vang và đồ ăn tối trở nên đắt đỏ hơn, nhiều người Mỹ phải cân nhắc lại việc tìm kiếm nửa kia để hẹn hò.
Những người tìm kiếm tình yêu đang trải qua cú sốc nhãn tiền khi bữa tối lãng mạn với rượu vang leo thang theo mức lạm phát cao nhất trong hơn 40 năm qua.
Chỉ số giá tiêu dùng đối với thực phẩm tăng 7,7% trong tháng 6 so với một năm trước đó. Các nhà hàng đầy đủ dịch vụ tăng 8,9%, trong khi giá đồ uống có cồn tăng 4%, theo Bloomberg.
Trong số 3.000 người dùng trên ứng dụng hẹn hò nổi tiếng Hinge, gần 41% cho biết họ quan tâm nhiều hơn đến chi phí hẹn hò so với một năm trước. Thế hệ Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) còn cảm thấy áp lực hơn.
Ngày càng tốn kém
Emily Derby (27 tuổi, ở Oklahoma) cho biết chi phí hẹn hò của cô tăng gấp đôi từ 200 USD lên 400 USD/tháng.
“Từ lái xe, đi mua sắm, ăn uống đến trở về nhà, một buổi hẹn hò có thể tiêu tốn 100 USD”, cô nói.
Khi chi phí tăng cao, nhiều người độc thân kén chọn hơn về việc hẹn hò. Số khác thậm chí tạm dừng hoàn toàn việc tìm kiếm “người trong mộng”.
Trên trang web hẹn hò OKCupid, 34% trong số 70.000 người dùng nói rằng lạm phát đang ảnh hưởng đến đời sống tình cảm của họ.
Seth Rosenberg (25 tuổi, ở Philadelphia) cho biết: “Mùa thu năm 2020, tôi đi hẹn hò liên tục mà không cần bận tâm đến chi phí. Bây giờ, thật khó để hào hứng bởi nếu cuộc hẹn tồi tệ, bạn sẽ bỏ ra 50-100 USD mà chẳng được ích lợi gì”.
Những người vẫn tiếp tục hẹn hò có cả tình yêu lẫn tiền bạc.
Amy Nobile, huấn luyện viên hẹn hò tại thành phố New York, cho biết ngay cả khách hàng giàu có, sẵn sàng chi 15.000 USD cho chương trình kéo dài 4 tháng, đang cố gắng cắt giảm một nửa tình phí. Một số từng bỏ ra 150 USD/ngày cân nhắc việc giảm chi phí xuống dưới 75 USD.
“Ai cũng hiểu rằng giá cả đang leo thang. Đối với những người trong cuộc chơi dài hơi để tìm bạn đời, họ cảm thấy thực sự cần phải theo dõi dòng tiền của mình trong thế giới hẹn hò”, cô nói.
“Kết quả là mọi người đang tìm kiếm những lựa chọn ít tốn kém hơn”, Logan Ury, giám đốc khoa học mối quan hệ tại Hinge, cho biết thêm.
Mặc dù nhiều người ác cảm với “buổi hẹn hò rẻ tiền”, Ury nói rằng đó không phải là điều xấu. Trên thực tế, đại dịch Covid-19 khiến mọi người cởi mở hơn đối với các loại hình đi chơi khác nhau khi hẹn hò. Đó là đi ngắm cảnh, dã ngoại tại công viên hay ra chợ mua nguyên liệu về nấu ăn tại nhà.
Chia đều hóa đơn
Đối với những người thích ăn tối ở ngoài hàng, căng thẳng đang gia tăng về việc ai sẽ thanh toán hóa đơn.
Nobile cho biết cô thường khuyên khách hàng nam gánh vác chi phí trong giai đoạn “tán tỉnh” của mối quan hệ. Nhưng giờ đây, cô nói họ thường muốn chia 50/50.
“Tôi đang nói với mọi người rằng tiền bạc không phải thứ duy nhất để thể hiện sự galant. Đó có thể là những phép lịch sự thông thường hay hành động quan tâm nhỏ nhặt”, cô nói.
Khi người Mỹ ở mọi tầng lớp cảm thấy sức ép của lạm phát, việc tìm được đối tượng hẹn hò hiểu biết về tài chính ngày càng trở nên hấp dẫn. Dữ liệu từ OkCupid cho biết người biết quản lý chi tiêu có tỷ lệ được chọn cao hơn 16% so với số không làm được như vậy.
Mối quan tâm ngày càng tăng về tài chính khiến nhiều người nói về sự nghiệp và tiền bạc ngay từ buổi hẹn hò đầu tiên.
Đối với một số cá nhân, những cuộc nói chuyện “phủ đầu” về tiền có thể báo hiệu sự tan vỡ cho mối tình mới chớm nở.
Derby rơi vào tình huống này. Cô và nửa kia phát sinh nhiều mâu thuẫn về tài chính.
“Anh ta mỉa mai rằng đó là lần đầu tiên tôi trả tiền khi đi hẹn hò. Anh ta còn nói đùa về việc tìm kiếm người giúp thanh toán chi phí nhiên liệu tăng cao và đưa ra bình luận châm biếm về việc ‘phụ nữ tốn tiền’”, cô kể.
Cặp đôi quyết định đường ai nấy đi sau 2 tháng.