Người giàu ngày càng trẻ

Những người thuộc nhóm 'trẻ và giàu' ở Hàn đang tăng lên, chủ yếu là nhân viên văn phòng, bác sĩ, luật sư. Tại Mỹ, giới siêu giàu cũng ngày càng trẻ hóa.

Báo cáo từ Korean Wealth Report 2022, được công bố bởi tập đoàn Tài chính Hana hôm 13/4 dựa trên cuộc khảo sát trực tuyến, phân loại những người từ 49 tuổi trở xuống và sở hữu tài sản tài chính hơn 1 tỷ won ở Hàn Quốc thuộc nhóm “trẻ và giàu”.

Họ sở hữu tài sản trung bình 6,6 tỷ won (5,3 triệu USD), bao gồm 1,7 ngôi nhà. Hơn 30% số này là nhân viên văn phòng, tiếp theo là bác sĩ và luật sư với tỷ lệ 20%. Những người được thừa hưởng phần lớn tài sản từ cha mẹ có số tài sản cao gấp gần 2 lần số giàu tự thân, theo The Korea Times.

Trẻ hóa và ngày càng đông

So với nhóm “già và giàu” (từ 50 tuổi trở lên và sở hữu tài sản tài chính hơn 1 tỷ won), những người “trẻ và giàu” ở Hàn Quốc có tài sản trung bình ít hơn 1,4 tỷ won. Tuy nhiên, cả hai có danh mục tài sản tương tự nhau, với bất động sản chiếm 60% và 40% là tài sản tài chính.

Về bất động sản, trong khi người “trẻ và giàu” sở hữu trung bình 1,7 căn nhà, nhóm “già và giàu” có 1,5 căn. Giới “trẻ và giàu” ưa thích bất động sản thương mại, còn “già và giàu” chuộng đất đai đầu tư. Về danh mục tài sản tài chính, cả hai nhóm đều có phần lớn tiền được gửi vào tài khoản tiết kiệm, tiếp theo là cổ phiếu.

 Nhóm người “trẻ và giàu” ở Hàn Quốc có tài sản trung bình 6,6 tỷ won, bao gồm 1,7 căn nhà. Ảnh minh họa: The New York Times.

Nhóm người “trẻ và giàu” ở Hàn Quốc có tài sản trung bình 6,6 tỷ won, bao gồm 1,7 căn nhà. Ảnh minh họa: The New York Times.

Ngoài ra, 45% người giàu cho biết nguồn tài sản chính của họ là thu nhập kiếm được, 23% từ lợi nhuận kinh doanh, 18% nhờ thừa kế. Tuy nhiên, 3/4 người “trẻ và giàu” có thu nhập đến từ nhiều hơn 2 nguồn, bao gồm thu nhập kiếm được, kinh doanh và tài sản.

Những cá nhân chỉ dựa vào thu nhập kiếm được có mức lương trung bình hàng năm là 210 triệu won. Trong khi đó, người có cả lương và thu nhập từ quyền sở hữu tài sản là 480 triệu won. Nhóm thừa kế phần lớn tài sản có trung bình 12,8 tỷ won, còn người giàu lên từ thu nhập kiếm được sở hữu 3,8 tỷ won.

Khi nói đến tài sản ảo, 21% người “trẻ và giàu” và 5% “già và giàu” cho biết họ đầu tư vào tiền điện tử.

Theo nghiên cứu từ công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường Spectrem Group năm 2019, người Mỹ siêu giàu ngày càng trẻ hóa và đông hơn. Các nhà đầu tư sở hữu ít nhất 25 triệu USD có tuổi trung bình là 47, giảm 11 tuổi kể từ năm 2014, Bloomberg đưa tin.

Phát hiện cho thấy xu hướng lớn trong chuyển giao tài sản theo thế hệ chỉ mới bắt đầu, George Walper Jr., Chủ tịch của Spectrem Group, nói về khảo sát với sự tham gia của 185 người Mỹ có tài sản trên 25 triệu USD. Kết quả tương đồng với nghiên cứu kinh tế khác về nhóm 0,1% giàu nhất xứ cờ hoa.

Các nhà kinh tế Emmanuel Saez và Gabriel Zucman từ Đại học California Berkeley cho biết những người trên 65 tuổi nắm giữ hơn 1/3 tài sản của nước Mỹ. Con số này không tăng nhanh bằng tỷ lệ người cao tuổi.

Trên thực tế, nhóm người Mỹ giàu có nhất “đang thực sự trẻ hóa”. Các triệu phú, tỷ phú mới có tiền nhờ thừa kế nhiều tương đương số tự thân làm giàu.

“Có thể xuất hiện nhiều Mark Zuckerberg, người đồng sáng lập Facebook, ở top giàu hơn so với những năm 1960, nhưng cũng có nhiều Paris Hilton, cháu gái của người sáng lập đế chế khách sạn Hilton, hơn”, Saez và Zucman viết.

 Có thể xuất hiện nhiều Mark Zuckerberg ở top giàu hơn so với những năm 1960. Ảnh: Drew Angerer.

Có thể xuất hiện nhiều Mark Zuckerberg ở top giàu hơn so với những năm 1960. Ảnh: Drew Angerer.

Spectrem ước tính vào năm 2018, khoảng 172.000 hộ gia đình Mỹ có tài sản ít nhất 25 triệu USD. Con số này tăng từ 84.000 vào năm 2008.

Khoảng 9/10 nhà đầu tư dưới 38 tuổi cho rằng thành công của họ là nhờ “thừa kế” và “mối quan hệ gia đình”. Nhưng tỷ lệ tương đương cũng cho biết “làm việc chăm chỉ” và “điều hành công việc kinh doanh riêng” đóng vai trò quan trọng. Khoảng 70% nhà đầu tư giàu nhất cho biết họ vẫn đang làm việc.

Sự trỗi dậy của những người trẻ siêu giàu không phải là điều đáng ngạc nhiên với sự bùng nổ ở Thung lũng Silicon. Công nghệ cùng việc dễ dàng huy động vốn đầu tư mạo hiểm đã tạo ra số lượng tỷ phú và triệu phú mới lớn hơn bao giờ hết. Một đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng hoặc một vòng huy động vốn lớn có thể tạo ra một tỷ phú chỉ sau một đêm. Trong khi đó, các thế hệ trước thường tích lũy tài sản bằng cách xây dựng đế chế kinh doanh qua hàng thập kỷ.

Báo cáo năm 2021 từ Australian Financial Review cho thấy độ tuổi trung bình của những người trong danh sách 50 giám đốc điều hành giàu nhất hàng năm là trẻ nhất từ trước đến nay (58 tuổi). Danh sách cũng bao gồm 7 người từ 45 tuổi trở xuống, chiếm 14%, theo The Millennial Source.

Thay đổi tư duy tiêu tiền

Thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) và Gen Z (sinh năm 1997-2010) ở Trung Quốc tích lũy được không ít tiền nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử, giải trí và trò chơi điện tử trực tuyến. Quan điểm đầu tư cũng đang thay đổi giữa người giàu ở các nhóm tuổi khác nhau, SCMP đưa tin.

Theo đó, những người sinh trong thập niên 70, 80 được hưởng lợi từ xu hướng toàn cầu hóa. Điều này thúc đẩy họ đa dạng hóa hạng mục đầu tư ra nước ngoài để ngày càng giàu hơn. Tuy nhiên, nhóm người trẻ tuổi có tiền không đi theo lối nghĩ này. Họ thích tập trung vào tiêu dùng và đầu tư trong nước với suy nghĩ tài sản an toàn, dễ kiểm soát hơn.

Báo cáo về tầng lớp trung lưu mới năm 2021 của Wu Xiaobo Channel, công ty truyền thông tài chính độc lập hàng đầu Trung Quốc, cho biết tầng lớp trung lưu từ 40 tuổi trở lên chủ yếu phân bố tài sản ra nước ngoài và quan tâm đến nhập cư, chăm sóc y tế, chương trình hưu trí với mong muốn bảo toàn của cải.

Trong khi đó, nhóm người giàu trong độ tuổi 20-30 tập trung nhiều hơn vào giáo dục, nghề nghiệp và đầu tư tài sản trong nước.

 Thế hệ trẻ ở Trung Quốc tích lũy được không ít tiền nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử, giải trí và trò chơi điện tử trực tuyến. Ảnh minh họa: BBC.

Thế hệ trẻ ở Trung Quốc tích lũy được không ít tiền nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử, giải trí và trò chơi điện tử trực tuyến. Ảnh minh họa: BBC.

Theo Telegraph, 2019 là năm “nhảy vọt” của các tỷ phú trẻ tuổi, với sự trỗi dậy của hàng loạt doanh nhân, influencer (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) cùng mức lương trên dưới 150.000 bảng Anh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguồn thu nhập của họ có thể sớm cạn kiệt do sử dụng tiền không hiệu quả dưới tác động của đại dịch.

Tim Holmes, cố vấn tài chính tại Salisbury House Wealth, cho biết phần lớn người trẻ tuổi có thu nhập cao chọn kinh doanh riêng. Năm 2018, số lượng cá nhân thuộc thế hệ Millennials làm giám đốc công ty đạt 56.000 người, tăng 37% so với năm trước đó. Điều này có nghĩa họ có thể bị giảm thu nhập và rơi vào khủng hoảng tài chính do ảnh hưởng của Covid-19.

“Đa phần doanh nghiệp trẻ không có nguồn tiết kiệm dự phòng. Khi bước chân vào thương trường, họ ít gặp khó khăn về tài chính nên chưa chuẩn bị cho trường hợp cấp bách”, Holmes nói thêm.

Ngay từ trước khi đại dịch bùng phát, các chuyên gia từng cảnh báo người trẻ về rủi ro khi tự làm chủ. TS Mike Moss thuộc Dịch vụ Nghề nghiệp Đại học Oxford từng cảnh báo cựu sinh viên rằng 20 tuổi là thời điểm tồi tệ nhất để khởi nghiệp.

“Nhiều người trẻ nắm giữ số tiền lớn nhưng không biết sử dụng thế nào hoặc đầu tư vào đâu. Bên cạnh đó, họ cũng chưa đủ kinh nghiệm để quán xuyến tình hình tài chính của công ty”, Moss nói.

Theo thống kê của Freedom of Information gửi lên Cơ quan Thuế và Hải quan Vương quốc Anh, số người dưới 40 tuổi kiếm được trên 150.000 bảng Anh/năm đạt 58.000 vào năm 2019, tăng 38% so với năm trước đó. Trong khi đó, số người có thu nhập cao hơn trong thế hệ X (sinh năm 1965-1980) chỉ tăng 9% trong cùng khoảng thời gian và thậm chí giảm 1% đối với Baby Boomers (sinh năm 1946-1964).

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-giau-ngay-cang-tre-post1309511.html