'Người giàu rồi sẽ kết hôn với người giàu?'
Hôn nhân của giới nhà giàu không chỉ tập trung vào vấn đề tiền bạc, của cải. Họ còn coi trọng trình độ học vấn, khát vọng và khả năng tiếp cận những cơ hội tốt nhất.
Cuộc hôn nhân của Hoàng tử Harry và Meghan Markle vào năm 2018 từng được ca ngợi như truyện cổ tích. Một cô gái bình thường, da màu đến từ Los Angeles (Mỹ) nên duyên vợ chồng với một hoàng tử Anh.
Thế nhưng thực chất Meghan cũng thuộc tầng lớp trung lưu khá nổi tiếng. Cô theo học trường tư thục, du học, thực tập ở nước ngoài và có tiếng tăm tại Hollywood. Vào thời điểm kết hôn với hoàng tử, nữ diễn viên có khối tài sản 3,5 triệu bảng Anh và kiếm được khoảng 330.000 bảng Anh/năm.
Vì vậy, thay vì là chuyện tình Lọ Lem hoàng tử, hôn nhân của Meghan và Harry là một câu chuyện quá đỗi bình thường trong thời đại chúng ta - một người phụ nữ giàu kết hôn với một người đàn ông giàu có.
Người giàu cuối cùng sẽ kết hôn với người giàu
Đối với những người sành sỏi về các cặp vợ chồng giàu có, Wedding Announcements của The New York Times là một mục không thể bỏ qua. Thế nhưng năm 2017, tờ báo đã quyết định thay đổi chuyên mục này. “Nhiều người chỉ trích rằng chúng tôi chỉ đăng thông báo về đám cưới của con cháu tầng lớp thượng lưu da trắng… Chúng tôi biết mình có thể làm tốt hơn”, The New York Times tuyên bố.
Trong một bài viết trên Financial Times, nhà báo Rhymer Rigby nói rằng ông hoàn toàn thất vọng trước dòng thông báo này.
“Tôi thích sự trung thực của ngày xưa hơn. Câu nói rằng 'người giàu rồi cuối cùng sẽ kết hôn với người giàu' chẳng có gì sai bởi gió tầng nào thì gặp mây tầng đó”.
Thế nên, có gì không đúng khi con trai, con gái của tỷ phú giàu thứ 2 châu Á Mukesh Ambani đều kết hôn với những người thừa kế hàng đầu của Ấn Độ, tỷ phú Snapchat Evan Spiegel kết hôn với “thiên thần nội y” Miranda Kerr (giá trị tài sản: 45 triệu USD) và con gái lớn của chủ tịch Tập đoàn Amorepacific nên duyên với con trai cả của chủ tịch Tập đoàn Bokwang Investment.
Tại Hàn Quốc, 153 trong số 317 thành viên gia đình sở hữu đại tập đoàn, chiếm 48,3%, đã kết hôn với các nhân vật tài phiệt ngang hàng, theo dữ liệu do CEO Score tổng hợp và công bố.
Theo Rhymer Rigby, những điều kể trên hoàn toàn bình thường và có thể giải thích được. Mọi người có xu hướng kết hôn với người giống mình.
Nhiều nghiên cứu cho thấy xu hướng này đã tăng lên trong những thập kỷ gần đây. Nhà kinh tế học Tyler Cowen nói rằng những cuộc hôn nhân như vậy có thể rất tốt cho các bên có liên quan, nhưng chúng “truyền bá sự bất bình đẳng qua nhiều thế hệ”.
“Người giàu kết hôn với nhau để tập trung của cải. Giàu cộng với giàu sẽ trở thành siêu giàu”.
Hạnh phúc có quan trọng?
Những người thuộc tầng lớp trung lưu có khả năng kết hôn cao hơn người nghèo. Ở Anh, bạn có thể thấy điều này ở số trẻ em sinh ra ngoài giá thú phần lớn là con của nhóm có thu nhập thấp hơn.
Vì trẻ em thuộc các hộ gia đình đã kết hôn thường có cuộc sống tốt hơn, điều này tiếp tục củng cố quan điểm rằng, hôn nhân giúp tập trung sự giàu có vẫn mang lại nhiều lợi ích hơn cả.
Một nghiên cứu của IPPR - Viện Nghiên cứu Chính sách Công có trụ sở ở London - chỉ ra rằng phụ nữ ngày nay ít mơ mộng về những cuộc hôn nhân kiểu “marry up” (cưới một ai đó thuộc tầng lớp xã hội cao hơn mình). Thay vì cưới một người thuộc tầng lớp trên, họ muốn tự vươn lên bằng sức mình hơn.
IPPR cũng ghi nhận số lượng cuộc hôn nhân giữa những người thuộc cùng tầng lớp đang gia tăng. Từ những năm 1980 trở đi, việc làm ở tầng lớp trung lưu giảm, bất bình đẳng gia tăng và giáo dục trở nên quan trọng hơn. Và do đó, “mọi người bắt đầu kén chọn hơn đối với người mình gặp gỡ và kết hôn”.
Độ tuổi kết hôn gia tăng có nghĩa là mọi người thường sẽ gặp vợ/chồng của mình ở nơi làm việc hơn là trường học. Ngoài ra, các ứng dụng hẹn hò phổ biến ngày nay như Match.com, Tinder cũng khiến các tiêu chuẩn bạn đời thay đổi.
Hôn nhân của giới nhà giàu không chỉ tập trung vào vấn đề tiền bạc, của cải. Họ còn coi trọng trình độ học vấn, khát vọng và khả năng tiếp cận những cơ hội tốt nhất… Những người ưu tú kết hôn với nhau thường sống trong cùng khu phố, học cùng trường, làm cùng công ty... Họ tạo ra và duy trì một nhóm ngày càng bị cô lập với phần còn lại của xã hội.
Thực tế chứng minh một số người siêu giàu có thể chỉ phù hợp với nhau. Năm 2015, Justine Wilson, vợ cũ của tỷ phú Elon Musk, viết trên Quora: “Thành công tột độ là kết quả của một tính cách cực đoan... Hạnh phúc nhiều hay ít không quan trọng với họ. Những người này thường rất kỳ quặc, trong khi những người khác cho rằng họ có phần mất trí”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-giau-roi-se-ket-hon-voi-nguoi-giau-post1179246.html