Người gieo con chữ ở đảo tiền tiêu

Với mong muốn được đến với Trường Sa, được gieo con chữ cho những học sinh ở nơi đầu sóng ngọn gió thiêng liêng của Tổ quốc, thầy giáo Bành Hữu Tình (quê Cam Lâm, Khánh Hòa) đã tình nguyện làm đơn ra Trường Sa dạy học. Tính đến nay, thầy Tình đã có khoảng thời gian hai năm sinh sống và dạy học cho các em học sinh trên đảo Trường Sa lớn.

Trong chuyến công tác tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chúng tôi có cơ duyên được gặp gỡ, trò chuyện với thầy giáo Bành Hữu Tình. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về thầy đó là dáng vẻ thư sinh nhưng rất nhanh nhẹn, hoạt bát và luôn khát khao cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Thầy Bành Hữu Tình đang miệt mài soạn giáo án cho các môn học

Thầy Bành Hữu Tình đang miệt mài soạn giáo án cho các môn học

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, trước khi ra đảo Trường Sa lớn dạy học, thầy Tình đã có 13 năm công tác tại các trường tiểu học của tỉnh Khánh Hòa. Khi biết Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tuyển giáo viên ra Trường Sa công tác, thầy đã tình nguyện viết đơn đăng ký và được lựa chọn.

Nói về quyết định của mình, thầy Tình chia sẻ: “Từ lâu tôi đã có mong muốn được gieo con chữ cho những học sinh ở Trường Sa và được góp sức mình để tiếp bước cha anh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

“Tôi vẫn còn nhớ cảm giác lần đầu tiên được đặt chân lên mảnh đất Trường Sa thiêng liêng và anh hùng, thật xúc động và tự hào biết bao. Đón chào tôi là những cái bắt tay ấm áp, những nụ cười rạng rỡ của các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, cùng với đó là tiếng chào hỏi lễ phép của các em nhỏ đang sinh sống trên đảo. Thời khắc đó tôi biết rằng mình sắp trải qua những tháng ngày đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ, của đời dạy học ở chính nơi đây” – thầy Tình bày tỏ.

Trong một buổi học, thầy Tình sẽ cho các nhóm hoạt động độc lập để đạt hiệu quả cao nhất

Trong một buổi học, thầy Tình sẽ cho các nhóm hoạt động độc lập để đạt hiệu quả cao nhất

Lớp học của thầy Tình ở Trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa mặc dù chỉ có 5 học sinh nhưng lại ở các độ tuổi khác nhau từ mẫu giáo bé, mẫu giáo lớn, lớp ba nên thầy không chỉ là người gieo con chữ, truyền đạt kiến thức cho học sinh mà đôi khi còn đóng vai trò là người “bảo mẫu”.

Chia sẻ về lớp học đặc biệt của mình, thầy Tình nói: “Do học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng lại học chung một lớp nên việc sắp xếp tổ chức lớp học sao cho hài hòa giữa các trình độ là một thử thách đối với tôi, chưa kể các em học sinh rất hiếu động và còn ham chơi”.

“Thời gian đầu chưa quen, việc giảng dạy đạt hiệu quả không cao nhưng với sự kiên trì và áp dụng linh hoạt những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình giảng dạy, cuối cùng lớp học cũng đi vào nề nếp. Cụ thể, trong một buổi học, tôi sẽ cho các nhóm hoạt động độc lập, ví như nhóm học sinh mầm non tôi sẽ cho tô màu, viết chữ, còn với nhóm học sinh tiểu học sẽ kiểm tra bài cũ hoặc dạy toán, tiếng Việt…

Vì lớp có ít học sinh nên tôi có điều kiện để chỉ bài cho từng em, các em tiến bộ rất nhanh. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên nhờ các cán bộ, chiến sĩ biết tiếng Anh chỉ dạy thêm cho các em học sinh. Sau khi học hết lớp 5 ở ngoài đảo, các em sẽ vào đất liền để học những cấp tiếp theo. Tôi tin rằng, với lực học của mình, các em sẽ theo kịp bạn bè cùng trang lứa trong đất liền” – thầy Tình chia sẻ.

Lớp học đặc biệt của thầy Tình

Lớp học đặc biệt của thầy Tình

Ở trên đảo, ngoài công việc giảng dạy, thầy Tình cũng tích cực tham gia các hoạt động chung như tăng gia sản xuất, hoạt động văn nghệ thể thao… Đặc biệt, với vai trò là Chủ tịch Công đoàn của Thị trấn Trường Sa, thầy Tình luôn quan tâm và phối hợp triển khai nhiều hoạt động để nâng cao đời sống cho đoàn viên.

Cạnh đó, thầy cũng chủ động cập nhật những kiến thức mới thông qua tài liệu tập huấn do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa cung cấp để đáp ứng nhu cầu dạy và học, đảm bảo kiến thức cho các em học sinh.

Khi được hỏi về chuyện tình cảm, thầy Tình nở nụ cười hiền hậu và nói: “Năm nay tôi cũng đã 37 tuổi nhưng vẫn chưa lập gia đình bởi tôi muốn sống với niềm khát khao được cống hiến trí lực, được gieo con chữ cho những em học sinh ở nơi đầu sóng ngọn gió và được tiếp bước cha anh xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Khi nào duyên lành đến tôi sẽ mở lòng đón nhận và vun đắp cho hạnh phúc gia đình, đồng thời tiếp tục là người lái đò trên dòng sông tri thức”.

Lắng nghe những chia sẻ rất đỗi chân thành, mộc mạc của thầy Tình, chúng tôi càng thêm khâm phục tinh thần, sự nhiệt huyết với nghề và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của thầy. Qua đó, cũng thấu hiểu hơn về cuộc sống, công việc của người giáo viên nơi tiền tiêu của Tổ quốc.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguoi-gieo-con-chu-o-dao-tien-tieu-103219.html