Người gìn giữ văn hóa Tày ở Đồng Khê

Đam mê, tâm huyết với văn hóa truyền thống, mong muốn phát huy những nét đẹp bản sắc văn hóa của dân tộc Tày, bà Nguyễn Thị Vân ở thôn Bản Hốc, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn đã và đang ngày đêm tìm tòi nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng nhiều lời ru, câu hát, những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc để rồi miệt mài truyền dạy lại cho thế hệ trẻ trên địa bàn.

Một buổi biểu diễn múa then và hát ru được bà Vân tổ chức với sự tham gia của nhiều thế hệ người Tày ở xã Đồng Khê.

Một buổi biểu diễn múa then và hát ru được bà Vân tổ chức với sự tham gia của nhiều thế hệ người Tày ở xã Đồng Khê.

Sinh ra, lớn lên tại mảnh đất Văn Chấn, mang trong mình niềm tự hào của người con dân tộc Tày, bà Nguyễn Thị Vân đã sớm yêu thích nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Lời ru, câu hát then Tày thấm sâu vào tim bà.

Bà Vân tâm sự: "Lời ru gắn bó với tôi từ khi lọt lòng, lời ru, câu hát then Tày của mẹ nuôi dưỡng tâm hồn tôi từ tấm bé, đi theo những năm tháng cuộc đời khi lớn lên. Không chỉ riêng tôi mà thế hệ chúng tôi ngày ấy đều như vậy. Thế nhưng ngày nay, trước tác động của đời sống văn hóa hiện đại, nhiều người trẻ đã không còn biết đến những lời ru, câu hát hay phong tục văn hóa truyền thống. Vì vậy, tôi luôn đau đáu một nỗi niềm làm sao để tiếng ru được ngân mãi, ngọn lửa văn hóa dân dộc Tày luôn cháy song hành cùng nhịp sống hiện đại".

Yêu lời ca, câu hát, điệu ru truyền thống của dân tộc, trăn trở, lo ngại rằng những làn điệu hát ru, câu ca cổ của dân tộc mình sẽ mai một nếu người cao tuổi trên địa bàn ra đi, bà Vân đã tìm gặp các cụ cao niên để học, sưu tầm lại những làn điệu cổ.

Và rồi cơ duyên đến khi năm 2022 bà được tiếp cận và tham gia vào Dự án nâng cao năng lực cộng đồng tại địa phương do Mạng lưới tiên phong vì tiếng nói dân tộc thiểu số triển khai. Tham gia Dự án bà được tập huấn các kỹ năng tập hợp, tổ chức, thu hút cộng đồng dân tộc mình nhất là giới trẻ để trao truyền lại văn hóa truyền thống.

Tỷ tê tâm sự, câu chuyện giữa chúng tôi trở nên gần gũi hơn, bà Vân khẽ ngân lên câu hát ru: "Ứ, ứ noọng nòn... nòn đắc, nòn đí/Nòn tắng pi pây rây au qua/Nòn tắng mé pây nà au luồm/Luồm noọng đây slong boóc/Nộc choóc đáy slong tua Tua nóng pây nhọm mây Tua nóng đủ đăng phẩy hẩu mé”.

Vừa dứt lời ru bằng tiếng Tày, như đọc được suy nghĩ của chúng tôi, bà Vân lại ngân nga dịch lại: " Ứ.. ử em ngủ, ngủ cho say/ Ngủ đợi chị đi rẫy thu dưa Ngà đợi mé (mẹ) ruộng thưa bắt muỗm/Muồm bắt được hai ống/Chim bắt được hai con/Một con đi nhuộm vài/Con còn lại ngồi đun bếp giúp mẹ ”.

Lời hát ru nhẹ nhàng, êm ái đưa câu chuyện của chúng tôi về miền ký ức của bà. Bà Vân kể thêm, dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của Mạng lưới tiên phong, bà trở nên tự tin hơn, biết cách tuyên truyền, vận động để mọi người cùng tự tin, yêu bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Đặc biệt, đến nay bà đã tổ chức được 2 buổi biểu diễn "Khôi phục múa then Tày” và "Tôi tin tôi có thể - ký ức lời ru êm” để biểu diễn các điệu then, lời ru cổ. Mỗi buổi có 30 người là đồng bào dân tộc Tày tham gia biểu diễn cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn đến xem, cổ vũ.

Bên cạnh dạy hát then, hát ru, bà Vân còn tuyên truyền đến thể hệ trẻ người Tày việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc. Từ sự chỉ dạy của bà Vân, nhiều bạn trẻ dân tộc Tày trên địa bàn đã biết, thêm yêu quý, giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc, biết đến nguồn gốc, ý nghĩa của điệu then trong đời sống người Tày, cách ngân nga, điều chỉnh hòa điệu nên những bài hát ru truyền thống.

Em Lò Duy Khánh ở thôn Thác Vác cho biết: "Thấy các bạn đi cùng mẹ đến chỗ bà Vân để học hát, em cũng tò mò đi theo học. Bà Vân dạy dễ hiểu, dễ nhớ, bà hát rất hay. Nhờ có bà Vân mà chúng em thêm yêu, tự hào về văn hóa dân tộc mình. Em thấy rất vui vì mình được kế thừa, thực hành đóng góp vào việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc".

Bằng sự cần mẫn, tình yêu với văn hóa dân tộc, bà Nguyễn Thị Vân đã và đang giữ vai trò quan trọng kết nối giữa quá khứ với hiện tại, tương lai, điểm tô cho bức tranh văn hóa các dân tộc Tày trên địa bàn xã Đồng Khê nói riêng, huyện Văn Chấn nói chung thêm phong phú, nhiều màu sắc. Từ đó, nhân lên lòng tự hào, tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc, làm giàu thêm sắc màu văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Lê Thương

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/210/328689/nguoi-gin-giu-van-hoa-tay-o-dong-khe.aspx