Người giữ bản sắc tinh hoa làng nghề Sơn Đồng
Chưa bước vào xưởng nhà nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh, chúng tôi đã nghe được âm thanh giòn tan của những tiếng lách cách đục, đẽo và chạm khắc gỗ. Nhịp sản xuất tại đây khẩn trương, miệt mài, như cái cách mà nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh vẫn bền bỉ duy trì và phát triển nghề gần 40 năm nay.
Khi nhắc đến nghề điêu khắc tạc tượng gỗ, sơn son thếp vàng, thếp bạc, người ta nghĩ ngay đến làng nghề Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nức tiếng trong và ngoài nước. Khách thập phương đặt chân đến đây cũng dễ dàng được nghe danh nghệ nhân tài hoa Nguyễn Viết Thạnh, một trong những người đưa sản phẩm Sơn Đồng vươn xa ra thế giới.
Ông tham gia thi công nhiều công trình kiến trúc văn hóa nghệ thuật lớn của nhà nước như: Tác phẩm tượng Vua Quang Trung, Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm thờ tại đền thờ Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội), tác phẩm điêu khắc tượng, đồ thờ ở đền thờ Hai Bà Trưng (Mê Linh, Hà Nội), đồ thờ ở Điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long… Nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Đặc biệt, nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh là người chủ trì thi công công trình chùa Một Cột tại Trung tâm Văn hóa thương mại Hà Nội - Mátxcơva (Liên Bang Nga) mô phỏng theo chùa Một Cột Hà Nội.
Mang đậm dấu ấn của làng nghề Sơn Đồng, các sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh phục vụ đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân; có quy cách, tỷ lệ nhất định giữa các bộ phận nên tượng tạc ra rất cân đối và có nét đặc sắc riêng. Sản phẩm chủ yếu là các tượng Phật, đức Thánh, người anh hùng, các linh vật thờ như ông ngựa, ông hạc, hoành phi, cuốn thư, câu đối, ban thờ... tất cả được sơn son thếp vàng, thếp bạc lung linh mang nét thiêng liêng.
Ban đầu từ việc làm nghề chỉ với mục đích mưu sinh, không biết từ bao giờ mà trở nên yêu nghề, say nghề, từ đó không ngừng học hỏi, sáng tạo và gìn giữ nghề truyền thống đến hiện nay, nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh chia sẻ: Có lẽ cái nghề của tôi vốn đã ngấm vào máu rồi, kể từ những ngày bé theo bố đi chăn trâu, được bố nặn cho những con giống, những ông tượng để chơi, bố vừa dạy nặn vừa giải thích từng tích tứ linh, tứ quý, tỷ lệ, tích của các pho tượng. Người nghệ nhân có thâm niên gần 40 năm tuổi nghề cho biết, một điều đặc biệt, là dù khách hàng đặt tạc bất cứ pho tượng thờ nào thì ông đều làm được, thậm chí cần mẫu có sẵn, người thợ lành nghề nào ở Sơn Đồng cũng làm được.
Lý giải về điều này, nghệ nhân Thạnh nói: “Để có được những sản phẩm độc đáo tinh xảo, không chỉ đòi hỏi kỹ thuật mà phải kể đến phẩm hạnh của người thợ, hay chính là cái "tâm", trong đó nổi bật là tâm đức và tâm linh”. Để chế tác ra những bức tượng Phật, tượng Thánh, ông hạc, ông ngựa, hoành phi câu đối, long, ly, quy, phượng... người thợ điêu khắc Sơn Đồng phải hiểu cội nguồn sâu xa của từng sản phẩm, phẩm chất linh hồn của vị Phật, vị Thánh để dân tôn thờ; phải học hỏi tâm đức từ các vị để nâng cao tâm hồn, có ý thức tâm linh để nâng cao tay nghề, như vậy sản phẩm mới có giá trị.
Với tâm huyết bảo tồn những tinh hoa truyền thống của làng nghề, nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh trong suốt những năm làm nghề vẫn luôn nỗ lực truyền nghề cho thế hệ trẻ, không chỉ dạy kỹ năng mà hơn cả là truyền lửa yêu nghề. Ông cũng tổ chức lao động sản xuất, thu hút nhiều lao động nhàn rỗi ở nông thôn có công ăn việc làm, hỗ trợ người dân “ly nông chứ không ly hương”, phù hợp với tình hình đổi mới đô thị hóa, công nghiệp hóa nông thôn, góp phần làm giàu đẹp cho quê hương đất nước tiến tới phát triển bền vững.
Bao năm qua, người nghệ nhân vẫn miệt mài làm việc, tạo ra các giá trị văn hóa có thể lưu truyền ngàn đời, mà dường như đi đến đâu, ở đâu, người ta cũng có thể thấy được. Ngày ngày vẫn gắn bó với những âm thanh lách cách đục, đẽo, chạm khắc gỗ, với nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh, như một thói quen, cũng là sứ mệnh.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguoi-giu-ban-sac-tinh-hoa-lang-nghe-son-dong-133277.html