Người giữ 'hình hài' của bánh trung thu truyền thống

Trong cuộc sống hiện đại, nhiều nghề thủ công đã trở nên mai một, thay vào đó là các loại máy móc hỗ trợ sản xuất ngày càng tinh vi. Tuy nhiên, để tạo ra những sản phẩm truyền thống, mang được cái 'hồn cốt' của dân tộc thì lại phải nhờ đến bàn tay của những người thợ thủ công. Ông Phạm Văn Quang, một người đã từ lâu gìn giữ nghề làm khuôn bánh trung thu, cũng là người duy nhất còn tiếp tục làm nghề này trên con phố Hàng Quạt luôn trăn trở với cái nghề đã hơn 40 năm gắn bó. Với ông, việc lưu giữ truyền thống dân tộc có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều so với giá trị kinh tế mà công việc đó mang lại.

Theo ông Quang, nghề làm khuôn bánh trung thu có nguồn gốc từ làng tiện gỗ Nhị Khê và làng Chiếc (nay là xã Nhân Hiền), thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội. Đây là các làng có truyền thống làm khuôn bánh bằng gỗ nức tiếng từ xưa.

Ông Phạm Văn Quang làm khuôn bánh trung thu đã hơn 40 năm (Ảnh: Cao Tiến)

Ông Phạm Văn Quang làm khuôn bánh trung thu đã hơn 40 năm (Ảnh: Cao Tiến)

Người mang nghề này lên phố Hàng Quạt chính là ông nội của ông Quang. Ở thời điểm đó, nhận thấy nghề này có tiềm năng phát triển, người dân ở làng cùng nhau kéo lên mở tiệm, tạo thành một khu phố chuyên đục đẽo. Từ đó, phố Hàng Quạt lúc nào cũng rộn ràng, những người thợ làm khuôn bánh có việc làm đều trong suốt cả năm nhờ những người làm bánh khắp nơi tìm đến đặt hàng.

Bản thân ông Quang, sau khi trở về từ quân ngũ cũng chọn nghề này để bắt đầu xây dựng sự nghiệp, thấm thoắt đến nay đã hơn 40 năm. Tuy nhiên, ngày nay nền kinh tế thị trường phát triển, nhiều loại khuôn nhựa đa dạng ra đời vừa rẻ vừa tiện lợi cho việc sản xuất công nghiệp, khiến nghề làm khuôn gỗ ngày càng bị mai một, dần dần mọi người đều đã chuyển nghề khác. Đến nay, trên con phố ấy chỉ còn lại mình ông Quang vẫn gắn bó nghề xưa. Động lực lớn nhất khiến ông vẫn còn theo nghề chính là mong muốn nghề truyền thống đã từng gắn bó với tuổi thơ ông không bị thất truyền.

Chia sẻ về việc giữ nghề, ông Quang cho biết: “Nghề đục đẽo đã ngấm vào người rồi, tôi không thể từ bỏ. Ngày xưa, đó là kế sinh nhai của cả gia đình, đến giờ, nó không còn mang lại thu nhập cao nữa, bởi ít người chọn làm bánh bằng khuôn gỗ, chỉ còn vài người mua để làm kỷ niệm, hoặc làm quà biếu nhưng tôi vẫn không muốn bỏ. Thực ra làm đến nửa đời người rồi, giá trị mà cái nghề này mang lại cho tôi không chỉ dừng lại ở kinh tế nữa. Nó là niềm đam mê, là công việc mà mình yêu thích có ý nghĩa tinh thần nhiều hơn cả. Chính vì vậy, gia đình cũng rất ủng hộ tôi, ai cũng mong tôi gìn giữ nó”.

Vài năm trở lại đây, nhiều bạn trẻ tìm đến cửa hàng ông để tìm hiểu về nghề, có bạn mong muốn được ông dạy lại cách làm khuôn truyền thống, rồi cũng có nhiều người đặt hàng để xuất khẩu đi nước ngoài. Ông tâm sự, khi nhận được những lời đề nghị đó, ông mừng rớt nước mắt, mừng vì những bền bỉ, cố gắng của mình đã thực sự có ý nghĩa, đặc biệt khi giúp thế hệ trẻ hiểu và muốn lưu giữ truyền thống đẹp của dân tộc. Với ông, hạnh phúc đơn giản là được làm công việc mình yêu thích, gắn bó cả đời với nghề, lưu giữ được nghề và truyền được cảm hứng tới cộng đồng xã hội.

Ông Quang cho biết, để làm một chiếc khuôn bánh, trước hết phải tìm được loại gỗ phù hợp. Gỗ thường dùng để làm khuôn bánh là gỗ thị già và gỗ xà cừ, vì 2 loại gỗ này có độ bền, mịn, dễ gia công, lại có độ dẻo, độ rắn phù hợp với việc làm khuôn bánh, khi chạm khắc sẽ sắc nét và ăn mực. Sau đó, phải sơ chế để những miếng gỗ vừa vặn với khuôn bánh, phần thừa đủ để tay cầm và tạo sự cân đối lực khi đập, ép bánh. Công đoạn đục là khó hơn cả, nó đòi hỏi sự tỉ mỉ và độ chính xác cao, bởi nếu đục hơi sâu hoặc hơi nông một chút, hoa văn sẽ bị thay đổi, kích thước và trọng lượng bánh cũng thay đổi theo. Vì thế, người tạo ra khuôn cần sự cẩn thận, khéo léo và căn rất chuẩn.

Đồ nghề làm khuôn bánh của ông Quang đơn giản chỉ với bút chì, lưỡi bào, lưỡi đục nhưng việc sử dụng các dụng cụ này để cho ra khuôn bánh chuẩn và đẹp lại không hề đơn giản. Mỗi lần chế tác một sản phẩm mới, ông cẩn thận kiểm tra từng món đồ, thử độ sắc, độ lỳ của từng công cụ, làm sao để từng chi tiết được tạo ra chuẩn như ý người thợ mong muốn. Với chi tiết cần sắc, nét, độ nông sâu theo yêu cầu, cần có dụng cụ đủ nhọn, đủ sắc. Với những chi tiết cần uốn dẻo cầu kì, lưỡi đục cần cùn đủ độ, lưỡi bào cần vừa phải. Nói chung, người thợ giỏi nghề cần biết căn chỉnh các dụng cụ đi kèm, kết hợp với đôi tay khéo léo của mình.

Các mẫu khuôn bánh được ông Quang chế tác (Ảnh: Cao Tiến)

Các mẫu khuôn bánh được ông Quang chế tác (Ảnh: Cao Tiến)

“Cái khó của nghề đục đẽo mà không phải ai cũng hiểu đó là làm sao thành hình mà phải có hồn, chắc chắn nhưng phải đẹp, đều từng chi tiết. Hơn nữa, mình phải thực sự hiểu được nhu cầu của khách để làm ra những chiếc khuôn bánh mà người làm bánh nhìn thấy ưng ngay và người mua bánh cũng thích”, ông Quang cho hay. Ông bảo, khách quen gắn bó với ông rất nhiều và họ cũng rất khó tính, luôn tìm ra điểm để chê, nhưng ông lại rất thích điều đó, bởi khách có hiểu việc, có sành sỏi mới tìm ra điểm chưa tốt ở sản phẩm để chê. Người thợ có kinh nghiệm mặc dù trau chuốt từng ly từng tí nhưng vẫn mong nhận được lời chê hay góp ý của khách để gợi mở cho mình nhiều ý tưởng mới.

Ở cửa tiệm chưa đầy 10m2, ông Quang trưng bày hàng trăm mẫu khuôn bánh để khách có thể lựa chọn. Bên cạnh các khuôn bánh truyền thống như: Cá chép, rồng, hoa hồng, 12 con giáp… ông còn làm cả khuôn bánh hình các nhân vật trong phim mà trẻ em yêu thích như: Trư Bát Giới, Doremon... Ngoài ra, ông còn nhận đúc khuôn theo yêu cầu của khách hàng, có thể là con dấu, tranh gỗ hay các vật dụng đời thường khác.

Với ông Quang, việc con cháu không theo nghề cũng là một nỗi buồn, thế nhưng ông cho rằng, làm nghề phải có duyên, nếu không yêu thích rất khó sống bằng nghề. Bởi vậy, ông không ép con cháu theo mình, mà tùy sau này có ai thực sự yêu thích sẽ truyền lại nghề, kể cả với người ngoài, những người không quen biết, nếu thực sự yêu thích và muốn theo nghề, giữ nghề truyền thống thì ông sẽ dùng hết tâm sức, kinh nghiệm của mình để truyền lại.

Cao Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nguoi-giu-hinh-hai-cua-banh-trung-thu-truyen-thong-113662.html