Người giữ hồn chiêng, dân vũ nơi đại ngàn đất quế Trà Bồng

Nghệ nhân Ưu tú Hồ Văn Biên luôn tìm những chàng trai, cô gái có tố chất để truyền dạy lại nghệ thuật đánh chiêng, đấu chiêng Xà ru, A giới… với mong muốn không để nó bị mai một.

Nghệ nhân Ưu tú Hồ Văn Biên (SN 1964, dân tộc Cor, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) không những thành thạo nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng mà còn là người hun đúc tình yêu nhạc cụ truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ cha ông để lại cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát triển di sản văn hóa của dân tộc.

Nghệ nhân Ưu tú Hồ Văn Biên cùng nghệ nhân khác trong huyện luôn dành thời gian tới các bản làng nơi có đông đồng bào Cor sinh sống để tìm những chàng trai, cô gái có tố chất để truyền dạy lại nghệ thuật đánh chiêng, đấu chiêng, làn điệu dân ca Xà ru, A giới… với mong muốn không để nó bị mai một.

Tâm huyết đó của ông được mọi người ghi nhận. Nhất là nhiều năm trở lại đây, khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với các huyện miền núi mở lớp truyền dạy cồng chiêng, dân ca, dân vũ nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản này.

Nghệ nhân Ưu tú Hồ Văn Biên.

Nghệ nhân Ưu tú Hồ Văn Biên.

Nghệ nhân Ưu tú Hồ Văn Biên được mời tham gia đứng lớp, trở thành “nòng cốt” trong các buổi dạy. Đến nay đã có 2- 3 lớp học như thế được mở ở nơi đại ngàn đất quế Trà Bồng, thu hút hàng trăm người theo học.

Nghệ nhân Ưu tú Hồ Văn Biên chia sẻ, khi có lớp, mỗi xã sẽ chọn ra 3 người tiêu biểu tham gia. Hầu hết họ đều nỗ lực và tiếp thu rất nhanh. Ông hi vọng họ sẽ là “hạt nhân truyền thụ lại kỹ năng tấu chiêng, múa dân ca, dân vũ cho người dân trong làng.

Ông Trương Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã Trà Phong, huyện Trà Bồng cho hay, những người như nghệ nhân Biên thật đáng quý. Ông đã “truyền lửa cho thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Cor. Xã cũng mong muốn huyện, tỉnh, các ngành chức năng quan tâm, tạo điều kiện mở thêm nhiều hơn nữa những lớp học như thế.

Ông Phan Đình Độ, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Sở đánh giá cao những lớp học truyền dạy vì nó đem lại hiệu quả rất rõ rệt.

Mục tiêu Sở hướng tới thông qua các lớp truyền dạy là tìm ra lớp thế hệ kế cận thật sự am hiểu, có kỹ năng, bản lĩnh để kế thừa, truyền đạt cho đời sau, nhất là khi nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng của người Cor được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lê Ngọc Phước

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/nguoi-giu-hon-chieng-dan-vu-noi-dai-ngan-dat-que-tra-bong-632853/