Người 'giữ lửa' cho lụa Vạn Phúc
Năng động, sáng tạo và giản dị là cảm giác người cựu chiến binh Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) mang tới cho chúng tôi trong suốt hơn 1 giờ trò chuyện về những thăng trầm và sức sống bền bỉ của làng lụa Vạn Phúc - nơi khởi nguồn và lưu giữ bí quyết tạo nên tấm lụa Vân nổi tiếng.
Tiên phong trong phát triển kinh tế tư nhân
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng, năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Phạm Khắc Hà lên đường nhập ngũ và chiến đấu ở chiến trường miền Đông. Sau gần 8 năm tham gia chiến đấu, cuối năm 1977, ông giải ngũ, trở lại quê hương với thương tật hạng 3/4. Thực hiện lời Bác dạy "Thương binh tàn nhưng không phế", ông đi học và làm công nhân kỹ thuật với mong muốn góp phần xây dựng quê hương đất nước.
Những năm đầu của thập niên 90, làng lụa Vạn Phúc bắt đầu rơi vào thoái trào khi kinh tế tập thể không theo kịp xu hướng phát triển của xã hội. Thu nhập của người dân bấp bênh, cuộc sống khó khăn, nhiều hộ gia đình đã bỏ nghề dệt lụa, tìm hướng mưu sinh khác. Với tư duy nhanh nhạy, ông đã gom góp vốn liếng, lặn lội vào miền Nam mua 5 máy dệt chạy bằng động cơ. "Thời điểm đó, nhiều người trong làng cười và bảo tôi đi ngược xu thế, lo tôi mang nợ khi cố sống, cố chết với nghề" - ông Hà nhớ lại.
Tuy nhiên, sự thông minh, năng động của ông đã mang lại "trái ngọt" khi kinh tế gia đình đã cải thiện đáng kể, cuộc sống không còn chật vật. Quan trọng hơn, ông trở thành người tiên phong, đặt nền móng cho kinh tế tư nhân phát triển tại làng nghề Vạn Phúc. Từ tấm gương của gia đình ông, một số hộ gia đình trong làng học hỏi, đầu tư máy móc và tiếng lách cách thoi đưa đã dần trở lại với làng lụa sau một thời gian dài thưa vắng. Nếu như từ năm 1993 trở về trước, Vạn Phúc chỉ có vài chục mẫu hoa văn thì đến nay đã có khoảng 400 mẫu, những mẫu này chủ yếu do người dân làng lụa học hỏi, sáng tạo ra.
Gửi gắm niềm tin vào thế hệ trẻ
"Chất lính" đã giúp người cựu chiến binh Phạm Khắc Hà cứng cỏi vượt qua gian nan trong phát triển kinh tế gia đình. Mắt "nhìn xa, trông rộng" của ông cũng một lần nữa được phát huy khi cùng các thành viên hội làng nghề tìm kiếm con đường phát triển bền vững cho nghề dệt lụa ở Vạn Phúc. Để tránh phụ thuộc vào đối tác cũng như bảo vệ chất xám của người dân làng lụa trong thiết kế mẫu mã, ông đã cùng một số nghệ nhân bỏ vốn đầu tư 1 máy đục mẫu mã sản phẩm, sau đó mới hoàn thiện hồ sơ, xin hỗ trợ từ thành phố. Đến nay, máy đục mẫu đã trở thành công cụ đắc lực cho thành viên hội làng nghề trong sáng tạo mẫu mã, nhanh chóng đưa sản phẩm mới ra thị trường.
Năm 2005, Hợp tác xã dệt lụa Vạn Phúc đã đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ thương hiệu Lụa Hà Đông. Tuy nhiên, do hiện nay, xu hướng gọi tên sản phẩm gắn với địa lý, ông lại một lần nữa cùng với hội làng nghề xin ý kiến của các sở, ngành, làm hồ sơ đăng ký thương hiệu mới Lụa Vạn Phúc và logo cho làng nghề. Với vai trò đại diện cho làng nghề, ông đã tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước do thành phố tổ chức để quảng bá sản phẩm, kết nối với các nhà sản xuất thời trang nhằm mở rộng hơn nữa đầu ra cho sản phẩm làng nghề.
Đặc biệt, thực hiện chủ trương của nhà nước khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, ông đang vận động những hộ gia đình có năng lực tại làng nghề thành lập doanh nghiệp. Để tạo niềm tin với người dân, gia đình ông tiếp tục tiên phong thành lập doanh nghiệp với tên Công ty TNHH Dệt lụa tơ tằm Phúc Hưng.
Có thể thấy, trong sự phát triển mạnh mẽ của làng lụa Vạn Phúc ngày nay có dấu ấn không nhỏ của cựu chiến binh Phạm Khắc Hà. Với những đóng góp và cả sự sáng tạo trong thiết kế mẫu mã sản phẩm, ông đã vinh dự được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng nghệ nhân làng nghề truyền thống Việt Nam, vinh danh bảng vàng gia tộc; được tặng Giấy khen nghệ nhân lụa truyền thống; được tặng danh hiệu "Thương binh sản xuất, kinh doanh giỏi Thủ đô".
Tư duy nhanh nhạy, bản lĩnh của người lính cụ Hồ đã giúp cựu chiến binh Phạm Khắc Hà cứng cỏi vượt qua gian nan, trở thành người tiên phong và đặt nền móng cho phát triển kinh tế tư nhân tại làng nghề truyền thống dệt lụa Vạn Phúc.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguoi-giu-lua-cho-lua-van-phuc-122918.html