Người 'giữ lửa' tinh hoa nghề đậu bạc nức tiếng Hà thành

Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) nổi tiếng với nghề kim hoàn, được xếp vào bốn nghề tinh hoa đất Thăng Long xưa. Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh vẫn miệt mài duy trì nghề được lưu truyền từ nghìn năm.

Ngày xưa, làng nghề kim hoàn Định Công (Hà Nội) có các dòng họ nghề nổi tiếng như Mai, Lê, Quách, Trần, Nguyễn. Trong đó, họ Quách chuyên về đậu bạc; họ Trần, Mai chuyên về vàng. Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn duy nhất nghệ nhân nhà họ Quách là gắn bó với nghề và duy trì sản xuất thường xuyên.

Hiện nay, nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh sinh năm 1981 là truyền nhân duy nhất của nghệ nhân Quách Văn Trường, người luôn tự hào và gìn giữ nghề đậu bạc truyền thống ở Định Công.

Lựa chọn lối rẽ ngang

Trong câu chuyện của mình, anh Tuấn Anh kể rằng từ nhỏ tới lớn chưa từng nghĩ sẽ nối nghiệp của bố. Tốt nghiệp đại học, anh mong muốn có thể dùng tấm bằng cử nhân Luật và Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện ước mơ, hoài bão tuổi trẻ, được bay nhảy thay vì ngồi tỉ mẩn một chỗ làm nghề đậu bạc. Cũng vào khoảng thời gian này, bố anh là nghệ nhân cuối cùng của làng nghề và nhiều lúc ông gần như ‘đuổi khách’ bởi đơn hàng nhiều không làm xuể.

 Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh, truyền nhân duy nhất của dòng họ Quách tại làm nghề đậu bạc tại Định Công. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh, truyền nhân duy nhất của dòng họ Quách tại làm nghề đậu bạc tại Định Công. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Anh Tuấn Anh chia sẻ: "Bố tôi là nghệ nhân cuối cùng trong làng làm nghề quý đã tồn tại hơn 1.000 năm và rất tiếc ông cũng là người cuối cùng trong dòng họ làm nghề, mặc dù sản phẩm của nghề vẫn được khách hàng yêu thích nhưng ngày càng thiếu người làm ra chúng."

Nghề đậu bạc đã đến với anh như một cơ duyên đặc biệt. Ban đầu, Tuấn Anh chỉ làm những sản phẩm theo bản năng để tặng bạn bè nhưng sau khi nhiều lần thất bại, anh để tâm hơn và hỏi cha mình về những bí quyết làm nghề. Ngày càng tìm hiểu sâu hơn về những kỹ thuật đậu bạc, anh đã "phải lòng" nghề từ lúc nào không hay.

Vào năm 2003, anh Tuấn Anh đã quyết định thành lập xưởng để gìn giữ nghề truyền thống của gia đình.

Trong giai đoạn đầu khi thành lập xưởng, các sản phẩm chủ yếu được đưa đi ký gửi. Lúc đó, anh cũng chưa hiểu rõ về thị trường vì vậy sản phẩm từ xưởng của anh Tuấn Anh chưa được biết đến rộng rãi. Điều này gây khó khăn cho việc nhận diện cho sản phẩm và nhận phản hồi từ khách hàng để cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm sao cho phù hợp với thị hiếu khách hàng.

Khi ấy, xưởng của anh Tuấn Anh tập trung chủ yếu vào việc sản xuất các sản phẩm trang sức, sau đó khi phát triển ổn định hơn, dần chuyển sang sản xuất các sản phẩm trưng bày và quà tặng. Bước đầu có những khó khăn, thử thách, tuy nhiên, anh cùng các cộng sự đã và đang thành công trong việc "giữ lửa" cho làng nghề làm đậu bạc này trong suốt 20 năm qua.

 Những người thợ tỉ mỉ trong từng công đoạn làm sản phẩm đậu bạc dưới mái đền thờ tổ nghề kim hoàn Định Công. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Những người thợ tỉ mỉ trong từng công đoạn làm sản phẩm đậu bạc dưới mái đền thờ tổ nghề kim hoàn Định Công. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Kỹ nghệ thổi hồn cho bạc

Theo nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh, nghề kim hoàn Định Công có 4 kỹ thuật: Trơn, đấu, đậu, chạm. “Trơn” là công đoạn định hình mẫu sản phẩm. “Đấu” là bắt tay vào lắp ráp các chi tiết sao cho ăn khớp, cân đối. “Chạm” là khắc, vẽ hoa văn họa tiết lên bề mặt sản phẩm.

“Đậu” là kỹ thuật kéo khối bạc thành các sợi mảnh, nhỏ như sợi tóc và vẽ hoa văn để cuốn vào trang trí cho các họa tiết như cánh hoa, cánh bướm. Đậu bạc phải đều tay, hàn nuột, không để lại vết để cho ra sản phẩm cuối cùng là một tác phẩm nghệ thuật đích thực.

Qua đó, sự tinh xảo của nghề thủ công thể hiện rõ nét qua từng công đoạn chế tác ra một sản phẩm.

Từ sợi bạc nhỏ sẽ trải qua nhiều lần kéo rút để tạo thành những sợi chỉ bạc có kích thước rất nhỏ, đó cũng chính là nguyên liệu cho các nghệ nhân đậu bạc tạo hình sản phẩm.

Sợi chỉ bạc nhỏ nhất có đường kính 0,26mm mà các người thợ ví như sợi tóc. Tất cả các thao tác kéo, rút đều phải gia công nguội và hoàn toàn làm bằng tay với sự hỗ trợ của một trục cuốn. Dụng cụ để luồn sợi bạc to, rút cho nhỏ dần gọi là bản rút. Thành phẩm cho ra là những sợi bạc trơn nhỏ, tất cả thời gian rút mất từ 40 - 60 phút.

Sau khi kéo rút theo mong muốn, người thợ sẽ se hai sợi chỉ trơn vào với nhau để tạo vân, làm cho sợi chỉ săn chắc. Quá trình se sợi diễn ra trong 2 lần mới đạt được yêu cầu tạo vân nhỏ đẹp. Sợi chỉ se lại được đưa qua máy cán dẹt, đây chính là bí quyết của từng nghệ nhân, qua đó tạo nên những chi tiết trang trí khác nhau.

Anh bảo, học nghề đậu bạc không được tính bằng ngày, bằng tháng mà là một quá trình dài. Người thợ cần liên tục luyện tập để uốn, tạo hình từ những sợi bạc trước khi chuyển sang giai đoạn tạo tác sản phẩm. Công đoạn khó nhất là việc hàn ghép các chi tiết lại với nhau.

Đặc biệt đối với việc làm các sản phẩm kích thước lớn sẽ rất dễ bị ảnh hưởng tới giãn nở của bạc mỗi khi có nhiệt độ tác động vào hàng trăm chi tiết. Nếu người thợ xì lửa vào làm cong một chi tiết cũng có thể sẽ làm cả khối rơi rụng. Người thợ phải đưa ngọn lửa vào sao cho các cho họa tiết vẫn "nằm im" hoặc có chút cong vênh cũng phải trải đều trong sản phẩm.

Chiều ngọn lửa đưa vào cũng có thể quyết định sự thành công hay thất bại của thành phẩm. "Các công đoạn trước đã chuẩn bị rất công phu, tỉ mỉ rồi nhưng đến công đoạn hàn mà không khéo là rất dễ đổ sông đổ bể tất cả công sức trước đó, nếu chi tiết bị chảy ra là phải làm lại từ công đoạn đầu tiên, đòi hỏi người thợ phải rèn luyện rất nhiều," Tuấn Anh chia sẻ.

Và với hành trình hơn 20 năm làm nghề của mình, nghệ nhân đậu bạc nhận thấy nghề luôn là quá trình người thợ phải rút kinh nghiệm bởi sản phẩm mỗi lần làm đều khác nhau.

Do đặc điểm của các sản phẩm này là sự kết hợp từ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chi tiết để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Công đoạn hàn rất khó vì nếu không kiểm soát được ngọn lửa có thể làm bạc chảy và buộc phải bắt đầu lại từ đầu.

Cũng bởi vậy mà những sản phẩm của người đậu bạc Định Công thuở trước từng phục vụ cho vua chúa và quan lại trong triều đình. Những sản phẩm đạt độ tinh xảo cao như bộ bảo vật hoàng cung của triều Nguyễn giờ vẫn còn lưu lại trên mũ vua hay đồ trang sức của hoàng hậu đều là đồ đậu vàng, bạc của người Định Công.

Dù nghề đậu bạc Định Công có qua lúc thăng trầm nhưng mạch chảy vẫn âm ỉ với thời gian, nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh cũng như những người thợ đậu bạc khác vẫn đang kiên trì gìn giữ tinh hoa nghề trên đất Thăng Long xưa mà cha ông để lại./.

 Tháp Rùa bằng bạc được "đậu" bằng hàng nghìn chi tiết nhỏ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Tháp Rùa bằng bạc được "đậu" bằng hàng nghìn chi tiết nhỏ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nguoi-giu-lua-tinh-hoa-nghe-dau-bac-nuc-tieng-ha-thanh-post985745.vnp