Người giữ nét truyền thống cho giày thêu tay

Giày thêu tay từng là mặt hàng phổ biến để tặng người lớn tuổi vào dịp lễ, Tết. Hiện, Miru Wong giữ cho nghệ thuật truyền thống tồn tại ở Hong Kong với các thiết kế độc lạ.

Trên khắp thế giới, các nghề thủ công truyền thống đang dần biến mất vì sự phát triển của công nghệ và toàn cầu hóa. Tại Hong Kong, Miru Wong Ka-lam đang nỗ lực hết mình để giữ cho nghệ thuật giày thêu tay tồn tại.

Cửa hàng của cô nằm ở quận Mong Kok là một trong số ít nơi bán giày thêu tay tồn tại sau sự dịch chuyển của ngành công nghiệp sang Trung Quốc, với chi phí lao động rẻ hơn và khả năng sản xuất hàng loạt.

 Miru Wong tổ chức các buổi hội thảo hàng tuần cho những người muốn tìm hiểu nghệ thuật thêu tay đã biến mất trên giày. Ảnh: SCMP.

Miru Wong tổ chức các buổi hội thảo hàng tuần cho những người muốn tìm hiểu nghệ thuật thêu tay đã biến mất trên giày. Ảnh: SCMP.

Để chia sẻ kỹ năng của mình, Miru Wong tổ chức các buổi hội thảo hàng tuần cho những người muốn học hỏi nghệ thuật thêu tay. Một trong những thiết kế mà sinh viên được học là tranh thêu hạt cúc vạn thọ và mặt trăng, theo truyền thống tượng trưng cho Tết Trung thu.

"Hoa cúc vạn thọ ở giữa tượng trưng cho trăng tròn trong Tết Trung thu, trong khi những con dơi lượn quanh hoa vạn thọ biểu thị sự may mắn. Có năm con dơi, bởi vì trong văn hóa Trung Quốc, năm phúc được coi là điều tốt lành. Thiết kế mày thường được thêu trên nền đen hoặc xanh lam", Miru Wong giải thích.

“Khi các thành viên trong gia đình quây quần ăn tối ngày Tết Trung thu, họ sẽ trao tặng những món quà. Đôi dép thêu tay từng là món đồ phổ biến để tặng các thành viên lớn tuổi trong gia đình.

 Mẫu dép thêu tay truyền thống với nhiều họa tiết và màu sắc khác nhau. Ảnh: SCMP.

Mẫu dép thêu tay truyền thống với nhiều họa tiết và màu sắc khác nhau. Ảnh: SCMP.

Thật không may, may đo thủ công hiện nay ít phổ biến hơn. Khi ông bà tôi mở cửa hàng vào những năm 1950, có rất nhiều đơn đặt hàng dép thêu. Bây giờ, có vẻ người Hong Kong tập trung hơn vào việc mua bánh trung thu", Miru Wong nói với SCMP.

Ở thời đại mà công nghệ chiếm đóng hầu hết thị trường sản xuất, việc tiếp cận với dép thêu bằng máy có giá thành rẻ trở nên dễ dàng. Đây là mối đe dọa lớn đối với sự tồn tại của nghề thủ công truyền thống ở một trong những thành phố đắt đỏ của thế giới.

Tuy nhiên, Miru Wong tin rằng dép làm thủ công và thêu tay có chất lượng tốt hơn so với các loại dép được sản xuất hàng loạt. Cô nói: "Dép làm bằng máy có cảm giác khác với dép làm bằng tay. Sản xuất từ máy tạo ra chất liệu quá mềm và lỏng lẻo, khiến người diện không thoải mái".

 Mặc dù công nghệ phát triển và nhiều đôi giày có thể sản xuất hàng loạt nhanh chóng, việc thêu tay vẫn có nhiều ý nghĩa hơn. Ảnh: Hk01.

Mặc dù công nghệ phát triển và nhiều đôi giày có thể sản xuất hàng loạt nhanh chóng, việc thêu tay vẫn có nhiều ý nghĩa hơn. Ảnh: Hk01.

Một yếu tố tạo nên sự khác biệt cho những đôi dép đi trong nhà của cửa hàng Sindart là sự đa dạng về kiểu dáng.

"Người ông quá cố của tôi - Wong Tat-wing - thành lập Sindart vào năm 1958 trong cửa hàng nhỏ dưới cầu thang. Sự sáng tạo của ông đã tạo ra các thiết kế thêu mang cá tính riêng vào những năm 1950", Miru Wong chia sẻ.

Cô mong muốn làm sống lại truyền thống thêu tay bằng cách thêm các yếu tố hiện đại và sản xuất giày dép phù hợp để sử dụng hàng ngày.

"Điều này bao gồm việc áp dụng thêu tay không chỉ cho giày, dép dùng trong nhà mà còn có giày cao gót và thậm chí cả dép xỏ ngón. Tôi mong những kinh nghiệm của mình có thể lưu giữ và phát triển thêm cho truyền thống giày dép thêu", Miru Wong nói.

 Miru Wong và gia tài giày thêu của cô. Ảnh: Elle.

Miru Wong và gia tài giày thêu của cô. Ảnh: Elle.

Hoàng Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-giu-net-truyen-thong-cho-giay-theu-tay-post1264894.html