Người giữ nghề truyền thống ở Hồng Đô

Suốt 30 năm qua, ông Hoàng Viết Đức ở làng Hồng Đô luôn bền bỉ với việc khôi phục, duy trì và phát triển nghề truyền thống trồng dâu - nuôi tằm - ươm tơ. Không phụ người tận tâm, đến hôm nay nghề này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình ông mà còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương.

Cụ bà Lê Thị Dần cần mẫn với công việc làm sạch kén trước khi “ươm tơ”.

Nghề không phụ người

Dân gian có câu: “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” chỉ sự bận rộn, tất bật của nghề nuôi tằm. Vậy nhưng, chính sự tất bật này đã mang đến “thương hiệu” cho làng nghề truyền thống “Hồng Đô”. Để rồi, chỉ nhắc đến tên làng thôi, người ta nhớ đến nghề trồng dâu - nuôi tằm - ươm tơ - dệt nhiễu nổi tiếng bậc nhất ở xứ Thanh một thuở. Đi qua những thăng trầm, nghề truyền thống đang từng bước phát triển, gây dựng lại một thương hiệu dân gian “vang bóng một thời”. Và, về Hồng Đô hôm nay, hỏi thăm ông Đức “ươm tơ” chẳng mấy ai không biết đến người có công lớn trong việc làm “hồi sinh” nghề của cha ông.

Ghé thăm gia đình ông Hoàng Viết Đức ở Tiểu khu 10, thị trấn Thiệu Hóa (trước đây là thôn 7, làng Hồng Đô, xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa) chúng tôi bắt gặp hình ảnh đầy xúc cảm - cụ bà Lê Thị Dần (mẹ ông Đức) ở tuổi 85 đang cần mẫn ngồi làm sạch “kén”. Vẫn luôn tay như một thói quen, cụ chậm rãi kể: “Từ khi 12 tuổi tôi đã được bố mẹ dạy nghề trồng dâu - nuôi tằm - ươm tơ - dệt nhiễu. Sản phẩm nhiễu Hồng Đô trước đây được dệt tinh xảo vô cùng, còn được sử dụng trong cung đình Huế. Nhưng đáng tiếc, dần dà trừ một số người già trong làng thì thế hệ trẻ gần như rất hiếm người biết dệt nhiễu. Không ai biết rõ nghề truyền thống ở làng Hồng Đô có từ bao giờ, cũng không có tài liệu ghi chép về lịch sử làng nghề, đời nối đời người dân trong làng cứ nắm lấy nghề cha ông mưu sinh, phát triển”.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng cơ ngơi của gia đình, là những nong tằm đang “cựa mình”; nong kén vàng, kén trắng; khung quay tơ... Tất bật và hối hả đúng như đặc thù của nghề truyền thống này, ông Hoàng Viết Đức tự hào: Đó là tài sản suốt 30 năm nỗ lực của cả gia đình, bắt đầu từ khi ông quyết định rời quân ngũ để trở về quê hương năm 1991 để khôi phục nghề theo chủ trương của chính quyền địa phương. Và khi đó, cây dâu tằm được xác định là cây xóa đói giảm nghèo.

Theo ông Đức, nghề truyền thống gắn với cây dâu tằm ở Hồng Đô đã được duy trì suốt hàng trăm năm qua. Ngay cả trong chiến tranh, “lửa nghề” tại đây vẫn không tắt. Tuy nhiên, khoảng thời gian từ thập niên 80-90 của thế kỷ XX được xem là giai đoạn mai một nghề truyền thống. Khi đó, do thị trường tiêu thụ khó khăn, giống dâu cỏ lại cho năng suất thấp, không đáp ứng được sản lượng khiến cho ngày công, thu nhập của người lao động quá thấp... Cùng nhiều yếu tố khác dẫn đến việc người dân bỏ nghề.

Bắt tay khôi phục nghề, ngoài việc thay đổi giống dâu trồng cho năng suất lá đảm bảo, ông Hoàng Viết Đức liên tục có những chuyến đi đến các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Lâm Đồng... có nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển để học hỏi kinh nghiệm; rồi đi tìm đầu ra cho “tơ nguyên liệu” của gia đình và bà con nhằm chủ động, không để tư thương ép giá... Thời gian đầu, việc tìm đầu ra thực sự không dễ, song nhờ kiên trì của ông Đức, cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ngành chức năng, đến nay thị trường tiêu thụ của tơ Hồng Đô khá ổn định. Đặc biệt, “nhằm tạo căn cứ pháp lý, chỗ dựa vững chắc cho bà con, tôi đã thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Thanh Đức cung cấp giống tằm, thu mua kén, tơ của các hộ dân ngay tại địa phương và trên địa bàn cả tỉnh. Đến nay, trung bình mỗi tháng công ty thu mua khoảng 6 tấn kén, cứ

7 kg kén thì ươm được 1 kg tơ” - ông Hoàng Viết Đức cho biết. Hiện tại, Công ty TNHH Dịch vụ Thanh Đức đang tạo việc làm thường xuyên cho 18 lao động với thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Lao động của công ty chủ yếu là những người địa phương đã có tuổi. Tùy vào năng lực, điều kiện của mỗi người mà bố trí việc làm phù hợp.

Vẫn còn trăn trở

Nói về hướng phát triển của nghề trồng dâu - nuôi tằm - ươm tơ - dệt nhiễu tại làng nghề truyền thống Hồng Đô nói riêng, Thanh Hóa nói chung, ông Hoàng Viết Đức, nhận định: “Sản phẩm có nguồn gốc từ tơ tằm đang ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, vậy nên nghề truyền thống sẽ tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, để nghề phát triển bền vững thì vẫn còn nhiều vấn đề cần phải nghĩ đến".

Theo đó, cần thiết phải quy hoạch các vùng trồng dâu sạch (không trồng lẫn cây dâu với các loại cây khác) nhằm tránh việc ảnh hưởng thuốc bảo vệ thực vật. Bởi thực tế, giống tằm vô cùng sạch, không thể sống nếu ăn phải lá dâu có chất độc hại. Đó cũng là một phần lý do vì sao sản phẩm có nguồn gốc tơ tằm với đặc tính “mát hè, ấm đông” từ xưa đến nay vẫn được ưa chuộng.

Dù nguyên liệu tơ Hồng Đô ở thời điểm hiện tại đã có đầu ra khá ổn định, song ông Hoàng Viết Đức, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thanh Đức vẫn trăn trở con đường phát triển bền vững nghề truyền thống.

Hiện nay, người dân vẫn duy trì hai loại kén tằm là kén vàng và kén trắng. Trong đó, kén trắng được đánh giá cao hơn về chất lượng song lại đòi hỏi kỹ thuật “nuôi tằm” khó hơn, buộc người dân phải tự thay đổi, áp dụng khoa học - kỹ thuật nuôi tằm mới. Hay như, trồng dâu nuôi tằm có rất nhiều công đoạn song một trong những công đoạn đòi hỏi sự cẩn thận, nhiều kỹ thuật là “lên né - làm tổ” cho tằm nhả tơ. Dù đã được hướng dẫn cụ thể, song nhiều hộ dân làm nghề ở Hồng Đô nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung vẫn chưa thực sự chú trọng, dẫn đến chất lượng “kén” chưa cao. Chính điều này đã trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập của họ. “Trung bình giá bán ở đây chỉ được khoảng 90.000 đồng/kg, so sánh với giá kén của Bảo Lộc (Lâm Đồng) chất lượng cao hơn có giá khoảng 130.000 đồng/kg. Ngoài ra, chất lượng kén thấp dẫn đến việc phải sử dụng kỹ thuật “ươm tơ nóng” giá thành 500 nghìn đồng/kg tơ, trong khi đó nếu “ươm tơ lạnh” sẽ cho giá là 700 nghìn đồng/kg. Trong thời gian tới, nếu chất lượng kén của bà con được đảm bảo, Công ty TNHH Dịch vụ Thanh Đức sẽ đầu tư vào việc thay đổi máy móc mới (ươm tơ lạnh) với giá khoảng 5 tỷ đồng” - ông Hoàng Viết Đức chia sẻ.

Đến thời điểm hiện tại, nghề trồng dâu - nuôi tằm - ươm tơ ở Hồng Đô về cơ bản đã được phục hồi, có thị trường tiêu thụ, đem lại nguồn thu nhập cho người dân làm nghề. Trước đây, người dân ở Hồng Đô có thể đảm nhiệm mọi công đoạn từ việc trồng dâu - nuôi tằm - ươm tơ - dệt nhiễu, tự mình làm ra những sản phẩm nức tiếng cả chốn cung đình. Hiện nay, mọi thứ mới chỉ dừng lại ở nguyên liệu “tơ thô”, được nhập cho các đầu mối lớn ở Nam Định, Hà Tây thu gom xuất đi thị trường lớn hơn (Thái Lan, Trung Quốc...)... Đến bao giờ và bằng cách nào, sản phẩm “tơ lụa” Hồng Đô thực sự tìm lại được thương hiệu nức tiếng như đã từng? Đó là trăn trở của những người sinh ra từ làng, sống với nghề truyền thống và vẫn là sự đau đáu của ông Hoàng Viết Đức.

Bài và ảnh: Thu Trang

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/san-pham-thuong-hieu-xu-thanh/nguoi-giu-nghe-truyen-thong-o-hong-do/19685.htm