Người giữ nghề ướp trà sen ở Tây Hồ
Ông Ngô Văn Xiêm được nhiều người biết đến là một trong số nghệ nhân ít ỏi của làng Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội còn giữ nghề ướp trà sen theo lối truyền thống.
Một đời tâm huyết với nghề
Gặp ông Ngô Văn Xiêm vào một sáng tháng 5. Khi trời còn hơi sương, ông Xiêm đã chở hoa sen vừa hái ở đầm về. Khi đó người nhà và thợ nhanh nhẹn xúm vào tách cánh hoa. Ai nấy đều làm mau lẹ để lấy được gạo của nhụy hoa một cách nhanh nhất.
Không biết nghề ướp trà sen có từ bao giờ ở Hà Nội, nhưng ông sinh ra và lớn lên đã gắn bó với nghề ướp trà sen truyền thống của gia đình từ tấm bé. Ông Xiêm kể, đến đời con ông, gia đình ông đã có 5 đời làm trà sen. Xa xưa các cụ chỉ ướp trà để uống, đãi bạn và làm quà biếu. Khi kinh tế thị trường phát triển, nhiều người tìm đến trà sen như một món quà quý của Hà Nội để làm quà biếu, nhu cầu tăng cao nên ông mới phát triển nghề của gia đình.
Để có nguồn sen đảm bảo ổn định ông Xiêm đã thuê 10.000 m2 đầm để canh tác sen bách diệp. Cây sen ưa nguồn đất và nước sạch mới sống được. Vì thế nguyên liệu ướp trà sen cũng sạch.
Những ngày tháng 5, vào đầu mùa, đầm sen mới nở khoảng 1.000 – 2.000 bông, chỉ ông và con cháu trong nhà làm là đủ. Nhưng vào tháng 6 và 7, sen nở rộ, có những ngày lên đến trên 10.000 bông hoa nở, gia đình ông phải thuê thợ vừa hái sen dưới đầm vừa tách cánh hoa tại nhà.
Muốn ướp được trà sen ngon, không chỉ là người am hiểu nghề mà còn phải hiểu được sen. Bởi hoa sen chỉ cho hương thơm nhất khi cánh hoa vừa hé nở. Nếu để ánh nắng chiếu vào hoa càng lâu thì hoa càng nhanh mất mùi hương, khi đó ướp vào trà không thơm nữa. Chính vì thế, từ 4 giờ sáng ông đã cùng mọi người trong gia đình đi hái sen. Công đoạn tách cánh hoa, sàng sảy để lấy gạo của nhụy hoa đến khi ướp trà phải xong trước 12 giờ trưa, đảm bảo hương sen không bay mấy. Trà được lựa chọn ướp sen phải là trà móc câu Thái Nguyên loại ngon.
Công đoạn ướp trà cũng lắm công phu. Trong nhà công đoạn ướp gạo sen vào trà chỉ có mình ông làm được. Gạo của khoảng 1.500 bông sen chỉ ướp được 3kg trà. Để trà sen ngon, thơm đượm, nồng hương thì phải ướp, ủ, sấy làm đi làm lại 3 lần. Mỗi lần ướp mất 3 ngày. Tính ra mỗi mẻ trà từ khi ướp, ủ và sấy thành phẩm phải mất 21 ngày. Trong thời gian tách hoa, ướp trà và sấy mặc dù trời rất nóng là vậy nhưng không được bật quạt và điều hòa làm cho sen mất mùi thơm.
Trà sen của gia đình ông Xiêm vừa sạch vừa đặc sắc nên đã được lựa chọn, cho phép phục vụ tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Thủ đô Hà Nội năm 2019. Sau Hội nghị, ông Xiêm đã được UBND TP tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong phục vụ tại Hội nghị.
Trà sen - món quà gắn kết tình thân
Từng khâu để ra được thành phẩm là sen trà rất tỉ mỉ, nếu không xem tận mắt, mọi người khó mường tượng ra. Chính vì thế, mỗi cân trà sen hiện có giá bán 7 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông Xiêm còn sản xuất trà bông sen. Giá mỗi bông dao động từ 35.000-50.000 đồng/bông.
Làm trà sen đã lắm công phu, nhưng thưởng trà cũng phải đúng cách mới thấy hết hương thơm và sự đượm nồng của trà. Ấm pha trà phải là ấm đất, không có lớp men bóng. Bộ ấm nhỏ, chén mắt trâu. Sau khi cho trà vào ấm tráng qua một lượt nước nóng bỏ đi mới đổ nước vào trà ngâm chừng 3-5 phút cho ngấm.
Uống trà sen, nếu nhanh vội sẽ không thấy hết được hương vị của trà. Khi trà rót ra chén, trước khi thưởng trà phải đưa lên mũi hít hà từng hơi, thưởng thức hương thơm của sen hòa quện với trà. Khi uống cũng nhấp từng ngụm nhỏ, giữ trà trong miệng và nuốt từ từ vào trong cổ họng. Uống trà sen có người thân, bạn tâm giao, thậm chí chỉ vị khách qua đường muốn nghe mạn đàm chuyện về nghề khiến cho mọi người xích lại gần nhau hơn và mới thấy hết vị ngon của trà.
Chị Đào Thị Huế, ở Gia Lâm, làm việc tại Công ty Du lịch Tây Hồ. Trước kia chị vẫn đưa khách đến đây mua trà và thưởng trà với gia đình ông Xiêm. Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chị không có cơ hội được dẫn khách đến đây. Nhưng mùa sen nở, chị nhớ hoa, nhớ trà sen, thi thoảng lại đến nhà ông Xiêm để uống và nghe kể về trà. Chị chia sẻ: “Trà sen nhà bác Xiêm làm theo lối truyền thống nên uống rất ngon, đượm hương thơm. Uống xong có vị đắng trát và ngọt hậu. Tôi đã nhiều lần mua trà nhà bác Xiêm để làm quà biếu vào dịp Tết, lễ, đám cưới, đám hỏi. Đặc biệt, khách du lịch rất thích trà sen của gia đình bác Xiêm bởi chất lượng thơm ngon không ở đâu bằng”.
Trà sen trở thành một đặc sản của người Hà Nội đã đi vào tiềm thức của bao người dân Thủ đô và du khách gần xa. Không chỉ là thức uống đơn thuần mà nó còn mang đậm nét văn hóa, tinh tế của người Hà Thành, là món quà quý cho những người đi xa nhớ về miền đất kinh kỳ.
Cũng bởi vậy, mặc dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhưng công nghệ thông tin phát triển đã nối khoảng cách giữa người làm trà với khách ở khắp mọi miền đất nước thậm chí cả ở nước ngoài. Người nhớ trà sen vẫn đặt mua qua điện thoại, qua mạng để kinh doanh, làm quà biếu. Sen Hồ Tây mỗi năm chỉ nở một mùa, nhưng hương thơm của trà ướp sen Hồ Tây qua bàn tay của nghệ nhân Xiêm đã đi khắp muôn nơi, gắn kết tình người và nối những nhịp cầu kinh doanh với Hà Nội.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nguoi-giu-nghe-uop-tra-sen-o-tay-ho-421571.html