Người giữ rừng tận tụy

Công việc của người giữ rừng chưa bao giờ là dễ dàng, bởi cuộc sống nơi rừng sâu luôn có nhiều vất vả, thiếu thốn, hiểm nguy. Song với tình yêu rừng, họ đã vượt qua tất cả để góp sức cho sự nghiệp bảo vệ đại ngàn. Ăn cùng rừng, ngủ cùng rừng và xem rừng là mái nhà thứ hai, đó là những điều mà nhiều người đồng tình khi nói về ông Hoàng Hồng Sơn, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Mai, huyện Bù Gia Mập.

Gần 25 năm qua, cánh rừng nguyên sinh phủ đầy màu xanh có diện tích hơn 6.700 ha ở vùng biên giới huyện Bù Gia Mập được ông Hoàng Hồng Sơn xem là nhà, là chốn đi về mỗi ngày. Cũng bởi sự gắn bó đó, người dân nơi đây thường gọi ông với biệt danh “người giữ rừng”.

 Cây cầy trăm năm tuổi ở tiểu khu 41 rừng phòng hộ Đăk Mai

Cây cầy trăm năm tuổi ở tiểu khu 41 rừng phòng hộ Đăk Mai

Hơn ai hết, ông hiểu rõ những khó khăn mà mình phải đương đầu để bảo vệ rừng trước những tác động của thiên nhiên và của cả con người. Ông Sơn cho biết: “Với những người giữ rừng thì chuyện ăn ngủ tại chỗ, trèo đồi, lội suối, băng sông, bị rắn, vắt cắn… là bình thường. Nhưng cái khó nhất với một cán bộ, nhân viên giữ rừng là làm sao giữ được mình để không sa ngã trước những cám dỗ đồng tiền của các đối tượng buôn bán, vận chuyển gỗ, động vật rừng trái phép. Muốn vậy, người giữ rừng phải có bản lĩnh, lập trường tư tưởng vững vàng, tỉnh táo, kiên quyết xử lý vi phạm”.

Ông Hoàng Hồng Sơn (thứ 3 bên trái) cùng tổ công tác tuần tra rừng

Ông Hoàng Hồng Sơn (thứ 3 bên trái) cùng tổ công tác tuần tra rừng

Những năm trước, người dân chưa có ý thức cao trong bảo vệ rừng, bà con thường vào rừng săn bắt, lấy măng, dược liệu, đốt rừng làm rẫy... Song, khó khăn nhất vẫn là cuộc chiến bảo vệ rừng nguyên sinh, nơi có nhiều lâm sản quý luôn trở thành “miếng mồi ngon” của lâm tặc. Quyết không để rừng bị “chảy máu”, ông Sơn cùng tổ công tác bảo vệ rừng đưa ra phương án tác chiến hiệu quả; thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm soát người ra, vào rừng, mật phục những điểm nóng hay xảy ra phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất rừng… Ngoài ra, ông còn tìm hiểu các phong tục tập quán của người dân địa phương rồi tuyên truyền, vận động bà con trồng cây lương thực ngắn ngày và tham gia bảo vệ rừng.

Ông Hoàng Hồng Sơn (bìa trái) cùng tổ công tác bảo vệ rừng tuyên truyền bà con trồng cây lương thực ngắn ngày và không xâm hại rừng - Ảnh: Trần Cảnh

Anh Điểu Pot ở thôn 10, xã Đắk Ơ cho biết: “Trước đây, do cuộc sống khó khăn nên mình thường vào rừng săn bắt, đốt tổ ong lấy mật để bán kiếm thêm thu nhập. Khi ông Sơn và ban thôn đến tuyên truyền, vận động, mình hiểu ra, từ đó không vào rừng săn bắt nữa. Hiện mình nhận khoán chăm sóc, giữ rừng nên cuộc sống ổn định hơn trước rất nhiều”.

Gian khổ lẫn hiểm nguy là vậy nhưng bảo vệ được rừng là niềm vui, hạnh phúc của ông Sơn và những người giữ rừng nơi đây. Những mầm xanh đang đâm chồi, nảy lộc và cuộc chiến của những người ngày đêm giữ rừng chưa bao giờ kết thúc để đại ngàn mãi xanh.

Ông Hoàng Hồng Sơn là người rất yêu rừng. Chim, thú ở khu vực nào trong rừng tự nhiên ông đều nắm rõ. Nhiều lần ông bị lâm tặc đe dọa, tấn công, rồi dụ dỗ, song vượt lên tất cả, ông luôn bình tĩnh, tự tin làm tốt công việc của mình. Mỗi đợt tuần tra, đội của ông Sơn không chỉ gom được nhiều bẫy lớn, nhỏ mà còn kiểm soát tốt tình trạng buôn bán, vận chuyển lâm sản và động vật rừng trái phép. Khi tham gia công tác này, ông gặp rất nhiều khó khăn, xa vợ con và phải luôn đối đầu với lâm tặc, thiên tai trong rừng rất nguy hiểm. Tuy nhiên, không vì thế mà ngại khó, ông đã đóng góp nhiều trong sự nghiệp quản lý và bảo vệ rừng.

Ông NGUYỄN TIÊN PHONG,
Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Mai

Trung Quang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/90/139371/nguoi-giu-rung-tan-tuy