Người giữ truyền thống làm lúa mùa
Những ngày ruộng lúa của ông Tư Việt vào vụ thu hoạch, người dân xung quanh và một số khu vực lân cận có dịp sống lại không khí ngày mùa rộn ràng, vui tươi của ngày xưa. Tiếng gặt lúa sột soạt, tiếng đập lúa thình thịch hòa cùng tiếng nói, tiếng cười của các cô, các chị, các anh trên đồng. Tiếng xay lúa rào rào, tiếng giã gạo theo nhịp chày đôi… Tất cả đã tái hiện sinh động hình ảnh thu hoạch lúa mùa của làng quê Nam bộ trước đây.
Ông Tư Việt là tên thường gọi của ông Lê Quốc Việt (59 tuổi), ngụ khu phố Minh Phú, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành. Một góc khu phố Minh Phú, khu phố Minh Lạc, thị trấn Minh Lương và một góc của ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành là xóm Cù Là hiện nay. Đây là vùng đất trồng lúa lâu đời. Thời thơ ấu, ông Tư Việt đã được thấy nông dân nơi đây thực hiện kỹ thuật canh tác lúa mùa truyền thống.
Ông Tư Việt ấp ủ ước mơ phục dựng phiên bản đời sống sản xuất lúa mùa đã tồn tại, phát triển hàng trăm năm qua ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều năm trước, ông bắt tay vào tìm những giống lúa thuần chủng, gầy giống, trồng lại từ trong phòng thí nghiệm ra tới ruộng.
Đầu năm 2017, ông Tư Việt xuống giống lúa mùa đầu tiên. Nhiều tháng trời chăm bẵm ngày mùa cũng đến, những hạt giống quý xin được từ Trường Đại học Cần Thơ đã trổ chín vàng đồng, vậy là nguồn lúa giống cho những vụ sau đã ổn.
Nói về quy trình làm lúa mùa truyền thống, ông Tư Việt cho biết: “Làm lúa mùa ngày xưa, ông bà chuẩn bị mạ, rồi dọn đất, gieo mạ. Mạ được 1 tháng 20 ngày nhổ cấy xong coi như rồi ruộng lần thứ nhất. Đến khi lúa chín, bắt đầu tập trung vào gặt, đập, giã gạo coi như rồi ruộng lần thứ hai”.
Những ngày ruộng lúa của ông Tư Việt vào vụ thu hoạch, người dân xung quanh và một số khu vực lân cận có dịp sống lại không khí ngày mùa rộn ràng, vui tươi của ngày xưa. Tiếng gặt lúa sột soạt, tiếng đập lúa thình thịch hòa cùng tiếng nói, tiếng cười của các cô, các chị, các anh trên đồng. Tiếng xay lúa rào rào, tiếng giã gạo theo nhịp chày đôi… Tất cả đã tái hiện sinh động hình ảnh thu hoạch lúa mùa của làng quê Nam bộ trước đây.
Cùng một số phụ nữ gặt lúa, bà Thị Nhung (60 tuổi), ngụ ấp Vĩnh Đằng, xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành nói: “Hơn 30 năm rồi tôi mới có dịp gặt lúa, bao nhiêu ký ức về một thời ông bà, cha mẹ làm lúa mùa truyền thống bỗng ùa lại trong tôi, hình ảnh đó thật xúc động”.
Không chỉ làm lúa mùa, ông Tư Việt sưu tầm nông cụ từ cái cuốc, cối xay gạo cho đến nong nia… tất cả cái gì mà nhà nông sử dụng tới việc làm nông để về làm nhà lưu niệm nho nhỏ. “Tôi sưu tầm những nông cụ để cho tụi nhỏ nhìn mà biết ngày xưa ông bà, tổ tiên đã từng dùng những nông cụ ấy kiếm hạt gạo nuôi bao thế hệ”, ông Tư Việt nói.
Đưa con đến tham quan, tìm hiểu ngày thu hoạch lúa mùa, khu trưng bày nông cụ của ông Tư Việt, anh Trương Hoàng Giang, ngụ phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) chia sẻ: “Vợ chồng đưa con đến đây để dạy cho con biết về truyền thống sản xuất lúa của ông bà ta. Với sự trải nghiệm này giúp gia đình tôi càng trân quý giá trị lao động, nhất là yêu quý nông dân làm ra hạt lúa”.
Đến nay, ông Tư Việt tạm hài lòng bởi ông đã phục dựng được quy trình làm lúa mùa, tuy nhiên về hiệu quả kinh tế thì chưa đạt. Ông đã trồng, sản xuất bán ra thị trường các giống lúa có số lượng khá như Móng Chim Rơi, Móng Chim Vàng, Châu Hồng Vỏ...; trong đó, có sản phẩm lúa mùa Móng Chim Rơi, Móng Chim Vàng đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh 3 sao. Hàng năm, ông cung ứng ra thị trường tầm 30 tấn lúa mùa.
Dẫu biết rằng con đường phía trước còn đó nhiều khó khăn, nhưng ông Tư Việt không nản, cứ từng bước phục dựng nghề làm lúa mùa.
Ông Tư Việt trải lòng: “Tôi muốn phục hồi làm lúa mùa để nghiên cứu tìm ra một cách có được sản phẩm sạch, môi trường sống tốt và đạt được hiệu quả kinh tế. Với tôi, giữ gìn được truyền thống làm lúa mùa là niềm vui lớn nhất, để thế hệ con cháu giữ gìn và phát huy, bởi vì chỉ có hiểu rõ quá khứ thì mới vững bước ở tương lai”.
Bài và ảnh: THU OANH