Người giữ 'vàng ' ở huyện Lạc Sơn

Nói đến Lạc Sơn, nhiều người nghĩ ngay đến đặc sản hạt dổi. Đây được coi là cây 'vàng' của vùng đất này. Nếu nhà nào sở hữu chục cây to thì cũng là tài sản không gì đắp đổi được.

Ông Bùi Văn Bun, xóm Be Trên, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) đã ươm hàng chục vạn cây dổi giống cung cấp cho thị trường.

Ông Bùi Văn Bun, xóm Be Trên, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) đã ươm hàng chục vạn cây dổi giống cung cấp cho thị trường.

Nằm giữa xóm Be Trên, xã Chí Đạo (Lạc Sơn), nhà ông Bùi Văn Bun nấp trong vườn dổi cổ thụ. Giữa trời nắng như đổ lửa mà căn nhà sàn không sử dụng điều hòa, chiếc quạt trần quay nhẹ cũng đủ mát. Rót xong chén trà, ông tâm sự về chuyện cây dổi. Ông bảo: Được cuộc sống như thế này cũng từ cây dổi mà ra. Đầu tiên là ngôi nhà này đã che chở cho 3 đời người rồi. Bao năm mưa nắng nó vẫn vững chãi. Tất cả cột kèo của căn nhà đều do các cụ nhà tôi làm bằng gỗ dổi. Gỗ không bị mọt mà ngày càng cứng như đá. Làm nhà bằng gỗ dổi, mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm, hương gỗ dịu nhẹ dễ chịu. Cây dổi cho gỗ tốt, còn cho hạt để bà con dùng làm gia vị. Những món nướng, canh măng, canh cá của bà con người Mường không thể thiếu hạt dổi. Chẳng thế mà xưa kia, các quan lang người Mường, mỗi khi đón khách ở kinh kỳ lên thăm đều dùng gia vị hạt dổi cho vào các món ăn. Gắp cục than hồng để vào bát, bỏ vài hạt dổi lắc đi lắc lại khoảng vài phút. Hạt dổi chín thơm lừng được nghiền nhỏ. Khách thưởng thức các món đặc sản của người Mường có rắc hạt dổi một lần cứ nhớ và vương vấn mãi. Thứ gia vị mà chỉ nơi này mới có nên chẳng ai quên được vùng đất này.

Ngày nay, nhà nào còn giữ được cây dổi sau vườn là đương nhiên có của ăn của để. Rồi ông chỉ vào cây dổi trước cửa nhà chừng 2 người ôm cho hay: Như cây này mỗi năm cho 2-3 tạ hạt tươi là bình thường. Giá bán hiện nay 500.000 - 700.000 đồng/kg. Mỗi cây vài chục triệu đồng. Có vài chục cây như vậy thì cả nhà không phải lo miếng ăn. Với giá trị như thế nên hầu như nhà nào ở xã Chí Đạo cũng trồng dổi. Nhà ít thì vài cây, nhà nhiều có vài chục cây. Khi xưa, bà con chỉ trồng cây dổi lấy bóng mát, lấy hạt làm gia vị ăn dần. Có thời gian khó khăn, nhiều nhà nghĩ cây dổi chỉ là cây ăn chơi nên đã bán gỗ hoặc phá bỏ.

Trong những năm gần đây, nhận thấy giá trị kinh tế, nhiều hộ tận dụng đất đồi hoang hóa trồng dổi. Nhiều gia đình đổi đời từ cây dổi và họ thường ví hạt dổi là vàng đen. Năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Hạt dổi Lạc Sơn” có số lượng hộ trồng, cây trồng, sản lượng và chất lượng cao nhất. Ngoài ra, một công ty chuyên làm gia vị của Đức đã đến Chí Đạo để tìm hiểu và mong muốn đưa hạt dổi xứ Mường sang trời Âu. Từ khi hạt dổi được nhiều người biết đến thì họ tìm giống về trồng. Nhiều người ở Lạc Sơn có thêm nghề mới là ươm cây dổi. Dưới tán vườn dổi, ông Bun đã ươm mấy chục vạn cây dổi giống. Trồng dổi sau chục năm cây mới cho hạt. Ông Bun đã ươm cây thực sinh rồi thuê thợ về làm dổi ghép. Cây dổi ghép trồng sau 4 - 5 năm sẽ cho thu hạt. Ông Bun cho hay: Giờ nhiều nơi về mua giống, chủ yếu là các tỉnh Tây Nguyên. Từ đầu năm đến nay, tôi bán được hàng vạn cây. Từ ngày làm thêm nghề nhân giống cây dổi, cuộc sống của gia đình của ông bước sang trang mới. Cây dổi trở thành cây "vàng” không chỉ đối với gia đình ông Bun.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/246/143472/nguoi-giu-vang--o-huyen-lac-son.htm