Người giúp lan tỏa chính sách BHXH ở Ninh Bình

Sau gần 5 năm làm công tác đại lý thu BHXH tự nguyện, bác sĩ Phạm Thị Nga bảo rằng việc khoác trên mình chiếc áo blouse trắng chính là một lợi thế, tạo thêm uy tín giúp chị tạo được niềm tin của người dân khi thuyết phục họ tham gia vào lưới an sinh.

Bác sĩ Phạm Thị Nga với vai trò là cán bộ Trạm Y tế xã, không chỉ hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn mà còn đang trở thành một trong những tuyên truyền viên, đại lý thu xuất sắc, đóng góp tích cực vào công tác lan tỏa chính sách BHXH ở xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

“Rỉ rả” cùng người dân

Có thể nói, hiện nay tại hầu hết các địa phương mạnh về công tác BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đều có sự hiện diện, đóng góp của những tuyên truyền viên, nhân viên đại lý thu tâm huyết với nghề, hết mình vì người dân, người lao động ở cơ sở.

Như Hòa là một điển hình như vậy. Những năm qua, thành công của công tác mở rộng lưới an sinh, tăng độ bao phủ của chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn xã có đóng góp rất lớn của đội ngũ tuyên truyền viên vừa có tâm vừa có tầm, trong đó chị Phạm Thị Nga chính là một trong những “cánh chim đầu đàn”.

Chị Phạm Thị Nga đang là đại lý thu tiêu biểu của BHXH tỉnh Ninh Bình.

Chị Phạm Thị Nga đang là đại lý thu tiêu biểu của BHXH tỉnh Ninh Bình.

Nửa thập kỷ làm công tác BHXH, chị Nga là người trực tiếp “rỉ rả”, không quản ngày nghỉ, không ngại khó khăn vất vả để đưa chủ trương, chính sách về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến gần hơn với người dân, đặc biệt là những người lao động khu vực phi chính thức.

Chia sẻ về công việc “tay ngang” của mình, chị Nga cho rằng lợi thế lớn nhất của chị trong công tác tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện là hàng ngày được tiếp xúc trực tiếp, nói chuyện cùng người dân địa phương khi họ đến trạm y tế xã. Những lúc như vậy, chị lại vừa thăm khám, vừa kết hợp tư vấn cho người dân về lợi ích bền vững, thiết thực của việc tham gia vào lưới an sinh.

Bên cạnh đó, là một bác sĩ, chị Nga cũng có những thuận lợi cơ bản để người dân tin và nghe theo. Bằng các trường hợp cụ thể, các đối tượng có tên tuổi rõ ràng, đã hoặc chưa tham gia BHYT, khi không may mắc bệnh, bị tai nạn, sẽ là "bằng chứng sống" và rõ ràng nhất để người dân quyết định có tham gia hay không?

“BHXH tự nguyện là chính sách an sinh mang lại lợi ích rất lớn cho người dân, đặc biệt là người lao động tự do. Chính vì vậy, tôi luôn tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền, lan tỏa càng nhiều càng tốt. Tôi vẫn nói với người dân, BHXH như một tấm “bùa hộ mệnh” lúc nào cũng phải có”, chị Nga tâm sự.

Luôn trau dồi bản thân

Việc được trực tiếp tiếp xúc với người dân địa phương nhờ đặc thù công việc tại Trạm y tế xã, tuy nhiên, theo chị Phạm Thị Nga, để lan tỏa ý nghĩa của chính sách BHXH tự nguyện, giúp người dân hiểu và tham gia vào an sinh lại là điều không dễ dàng, cần cả cái tâm và cái tầm của cán bộ tuyên truyền viên.

Hiểu được điều đó, bên cạnh sự tâm huyết, nhiệt tình hết mình vì cộng đồng, chị Nga luôn tự trau dồi bản thân, nâng cao kiến thức, cập nhật nhanh nhất những điểm mới, những thay đổi của các chính sách, để sẵn sàng tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc của người dân khi cần.

BHXH tự nguyện là "tấm khiên" bảo vệ người lao động tự do khi về già.

BHXH tự nguyện là "tấm khiên" bảo vệ người lao động tự do khi về già.

Ngoài ra, để chính sách đi vào cuộc sống, chị Nga đã chủ động phối hợp với các thôn, xóm làm truyền thông nhóm để tuyên truyền, tư vấn đến từng nhóm đối tượng, giúp đối tượng chọn tham gia các mức BHXH phù hợp với thu nhập của mình và gia đình, để duy trì đóng ổn định.

Cùng với đó, chị Nga cũng linh hoạt trong cách thu, đảm bảo tính chính xác, minh bạch về tài chính, đồng thời có chính sách trích hoa hồng và thưởng cho các cộng tác viên hợp lý nhằm khuyến khích họ tăng cường vận động đối tượng.

“Người làm công tác tuyên truyền, đại lý thu phải gần gũi, nắm bắt, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của từng gia đình, từ đó tuyên truyền theo kiểu "mưa dầm thấm lâu", có những dẫn chứng phù hợp bằng người thực, việc thực tại địa bàn thôn, xóm giúp họ hiểu được lợi ích, ý nghĩa thiết thực mà tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình”, chị Nga chia sẻ.

Đóng góp vào thành công chung

Nhờ sự tâm huyết và kiến thức vững vàng, chị Phạm Thị Nga đã và đang có được niềm tin của rất nhiều người dân, đặc biệt là người lao động tự do, vốn chưa có nhiều hiểu biết về chính sách BHXH tự nguyện.

Được phân công phụ trách 5/11 xóm của xã, với hơn 2 năm đi vào hoạt động, đại lý thu BHXH, BHYT Trạm y tế xã Như Hòa do chị Nga đảm nhiệm đã khai thác được gần 200 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, cao nhất trong số các đại lý trên địa bàn huyện Kim Sơn.

Đồng thời, chị Nga cũng không ngừng tuyên truyền để gia tăng và ổn định tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Rõ ràng, với lợi thế bám sát địa bàn, hàng ngày tiếp xúc với người dân, đội ngũ tuyên truyền viên, nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT đã và đang đóng góp tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chế độ về BHXH, BHYT nói chung, chế độ BHXH tự nguyện nói riêng tại cơ sở, trực tiếp giúp người dân nâng cao nhận thức, thấy rõ lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện.

Hiệu quả của công tác tuyên truyền cũng chính là điểm tựa để BHXH huyện Kim Sơn liên tục gặt hái được những kết quả tích cực. Riêng trên địa bàn xã Như Hòa, tỷ lệ bao phủ BHYT hộ gia đình hiện đạt trên 90%.

Công tác phát triển mạng lưới đại lý thu, tuyên truyền viên cũng là nhiệm vụ quan trọng được BHXH tỉnh Ninh Bình chú trọng trong thời gian tới hướng tới mục tiêu “bảo hiểm toàn dân”. Đến nay, số người tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh đạt 159.395 người, đạt 30,7% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Trong đó, BHXH bắt buộc trên địa bàn tỉnh đạt 141.168 người, BHXH tự nguyện là 18.296 người. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 133.614 người, đạt 25,72% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia BHYT là 920.217 người, đạt 91,04% dân số.

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/nguoi-giup-lan-toa-chinh-sach-bhxh-o-ninh-binh-1094783.html