Người giúp việc bất đắc dĩ thành bà ngoại, dạy cô chủ cách chăm con

Ngoài giúp việc nhà, bà Soan còn chăm con cho chủ nhà. Chăm bé từ lúc đỏ hỏn, bà thương, lo lắng như con cháu. Thế nên, bà không ngại bật lại, hướng dẫn cô chủ cách nuôi con khoa học.

Làm giúp việc bằng cả tấm lòng

Các con vào đại học, bà Trần Thị Soan (59 tuổi, Tiền Giang) rời quê lên TP.HCM xin làm giúp việc. Bà muốn có thêm thu nhập và gần gũi con cái.

Ban đầu, bà chưa quen việc, chủ nhà không hài lòng. Sau vài lần chuyển chỗ, bà vào làm cho vợ chồng trẻ ở quận 10, TP.HCM. Cô chủ bận buôn bán online, còn chồng kinh doanh bất động sản.

Cô chủ thuê bà Soan về chăm con trai 2 tháng tuổi. Ngoài chăm bé, bà còn làm cả việc nhà.

Bà Soan được thuê làm giúp việc nhà và chăm em bé. Ảnh minh họa: Pexels

Bà Soan được thuê làm giúp việc nhà và chăm em bé. Ảnh minh họa: Pexels

Nữ chủ nhân yêu cầu bà chăm sóc bé sạch sẽ, an toàn, yêu thương. Buổi tối, bé ngủ cùng bà Soan.

Mức lương khởi điểm mà họ trả cho bà Soan là 7 triệu đồng/tháng. Đến năm 2022, chủ nhà tăng lương, trả bà 8,5 triệu đồng/tháng.

Hàng tháng, chủ nhà cho bà nghỉ 2 ngày, nếu muốn nghỉ thêm thì trừ vào tiền lương. Thông thường, bà làm việc liên tục, chỉ khi gia đình ở quê có việc quan trọng, bà mới xin nghỉ 3 - 4 ngày.

Chủ nhà yêu cầu bà ăn uống, sinh hoạt chung. Họ bận việc, hầu như ban ngày không có mặt ở nhà.

Thời gian đầu, bà làm việc trong tâm thế lo lắng, lúc nào cũng bị chủ nhà dò xét. Hơn 5 năm sau, bà mới được chủ nhà hiểu và tin tưởng.

Mỗi ngày, bà Soan tự sắp xếp thời gian, vừa giữ em bé vừa làm việc nhà. “Chủ nhà vui vẻ, không gây áp lực thời gian hoàn thành công việc. Thế nên, tôi thoải mái về mặt tâm lý, làm việc thấy nhẹ nhàng hơn”, bà Soan cho biết.

Cô chủ thường đi chợ, mua thực phẩm tươi để sẵn trong tủ lạnh. Bà Soan muốn ăn món gì thì tự nấu. Hôm nào vợ chồng chủ nhà muốn ăn cơm tối thì nói trước thực đơn, bà dựa theo đó chuẩn bị sẵn.

Tranh thủ lúc em bé ngủ, bà Soan nấu cơm, giặt giũ, rửa chén, lau nhà… Chủ nhà bảo 2 - 3 ngày giặt đồ một lần nhưng ngày nào bà cũng làm. Buổi tối, cô chủ chơi cùng con thì bà tranh thủ xếp quần áo, làm vài việc lặt vặt.

Bà Soan chia sẻ: “Tôi kỹ tính quen rồi. Đến nhà người ta làm, tôi xem như nhà mình, dọn dẹp kỹ lưỡng, gọn gàng, sạch sẽ”.

Bà hạn chế ra vào phòng riêng, nhất là nơi chứa tài sản quý giá của chủ nhà. Khi có mặt chủ nhà, bà tranh thủ vào phòng làm một số việc cần thiết, như lau dọn phòng, sắp xếp tủ quần áo…

Bà Soan kể, dù chủ nhà nói bà cứ ra vào tự nhiên và các phòng đều lắp camera nhưng bà luôn ý thức bảo vệ bản thân trước những tình huống oái ăm.

Cuối tuần, chủ nhà thường gợi ý, cho phép bà ra ngoài uống nước, đi chơi cùng người thân, bạn bè. Tuy nhiên, bà hiếm khi ra ngoài, trừ dịp con cái đến thăm.

Bật lại chủ nhà, đòi quyền lợi chính đáng

5 năm làm việc, bà từng nhiều lần phát sinh mâu thuẫn với cô chủ. Khi đó, bà chọn cách nói cho rõ khúc mắc, chứ không âm thầm chịu đựng.

“Đôi lúc, chủ nhà có chuyện bực mình, công việc gặp trục trặc hoặc vợ chồng cãi nhau thì liền trút giận lên người giúp việc.

Lúc đầu, tôi chọn cách bỏ qua. Tuy nhiên, cô chủ ngày càng quá đáng, sỉ nhục tôi bằng ngôn từ tệ hại.

Tôi không nhẫn nhịn nữa, quyết định nói ra suy nghĩ của mình. Tôi nói: Dù gì tôi cũng lớn tuổi, bậc cô chú của cô. Tôi thương bé mới ở lại làm việc cho gia đình. Vậy mà, cô hết lần này đến lần khác mang chuyện không đâu mắng nhiếc tôi.

Làm việc mà không khí nặng nề như thế, tôi không làm nữa”. Bị tôi bật lại, cô ấy tức điên, mắng tôi suốt đời cũng chỉ là người giúp việc, không khá nổi”, bà Soan kể.

Lúc đó, bà Soan rơi nước mắt: “Cô nói như vậy là sai rồi đó. Tôi còn sức khỏe thì tôi đi làm. Tôi kiếm tiền nuôi con ăn học, có gì xấu đâu. Đồng tiền của người giúp việc làm ra trong sạch, chứ đâu có lường gạt của ai”.

Sau tranh cãi, bà Soan xin nghỉ việc. Vài ngày sau, cô chủ gọi điện xin lỗi, mong bà quay lại. Người này nói bé trai nhớ bà Soan đến mức đổ bệnh.

Biết cô chủ không biết chăm con, bà Soan quay lại làm việc kèm điều kiện chủ nhà không được chửi bới, xúc phạm.

Người giúp việc có tâm sẽ cố gắng làm tròn nhiệm vụ, yêu thương những đứa trẻ. Ảnh minh họa: Pexels

Người giúp việc có tâm sẽ cố gắng làm tròn nhiệm vụ, yêu thương những đứa trẻ. Ảnh minh họa: Pexels

Ngày bà Soan quay về, bé trai khóc nức nở, trách: “Sao bà ngoại bỏ con? Con nhớ bà ngoại lắm”.

Chứng kiến cảnh đó, mẹ bé hối hận, hứa không chửi mắng người giúp việc. Thậm chí, cô còn xem bà Soan như bà ngoại bất đắc dĩ của con trai, nhờ người giúp việc hướng dẫn cách chăm sóc con.

Từ đó, bà Soan dạy cô chủ cách nấu các món ăn, tắm rửa… cho bé.

“Thằng nhỏ đi vệ sinh, cô ấy cũng không biết rửa, gọi tôi um sùm. Đêm nào bé cũng ngủ cùng tôi, không chịu sang phòng ba mẹ.

Lúc nào bé cũng thỏ thẻ: “Con thương ngoại lắm. Ngoại đừng bỏ con về quê với ông ngoại nha”.

Có lần, cô chủ hờn mát, trách tôi dạy bé thương người giúp việc hơn mẹ. Tôi mới bảo, cô có quan tâm, trò chuyện với con đâu. Đứa nhỏ quấy một chút là mắng”, bà Soan kể.

Được người giúp việc nhắc nhở, cô chủ dành nhiều thời gian chăm sóc, chơi cùng con trai.

Bà Soan chia sẻ, đôi lúc bà tự đặt mình vào vị trí bà ngoại để nuôi dạy bé tốt hơn. Bà yêu thương và thích chăm bé, lo từ miếng ăn đến giấc ngủ.

Hiện tại, gia đình của bé chuyển ra Hà Nội sinh sống. Cô chủ năn nỉ, hứa tăng lương, mong bà Soan đi cùng. Tuy nhiên, chồng con không đồng ý cho bà đi làm xa.

“Nghề nào cũng vậy, có người tốt người xấu. Mình làm tròn nhiệm vụ, thật thà, bình đẳng thì đôi bên cùng có lợi.

Tôi tự nhắc bản thân làm việc thật tốt để khi nghỉ làm, người ta vẫn xem mình như người thân”, bà Soan nói.

Khi nhu cầu thuê người giúp việc của các gia đình ngày càng tăng thì chuyện xoay quanh người giúp việc và chủ nhà càng phong phú, trong đó có nhiều tình huống cảm động. Nhưng cũng có những cuộc sống chung khiến đôi bên nhận về bi kịch và những tình huống dở khóc dở cười.

VietNamNet giới thiệu tuyến bài Chuyện người giúp việc để người đọc có thêm góc nhìn về mối quan hệ này.

Ngọc Lài

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-giup-viec-bat-dac-di-thanh-ba-ngoai-day-co-chu-cach-cham-con-2198853.html