Người giúp việc

Vợ đi mới có mấy ngày, căn nhà biến thành cái hang. Hang người rừng, quần áo dơ bốc mùi vắt trên thành ghế, nằm đã đời trên bàn bếp cũng không ai thèm gom, có cả chiếc vớ trắng đã ngả màu xám mà Thiện không tài thánh nào nhớ nổi chiếc còn lại nằm chỗ nào.

Bình thường, muốn kiếm gì anh chỉ cần ới một tiếng “vợ ơi”. Ngay lập tức, như một bà tiên, vợ sẽ phù phép ra thứ đó liền. Vợ cũng đầy phép thuật, biến núi chén dĩa dơ thành sạch boong trong nháy mắt; biến căn nhà đầy bụi nhìn nóng con mắt và ngổn ngang đồ chơi của thằng con thành ngăn nắp và mát mẻ trở lại. Nhưng giờ không có vợ, mọi thứ hỗn độn không thua bãi chiến trường.

Đứa con than đói bụng. Thiện ngó lên nóc tủ coi còn mì gói vị gì, bao tử nhói lên một tiếng phản đối “ngán quá xá ngán rồi”. Cười khổ quay qua nhìn con, anh nhe răng dụ dỗ, ăn gà chiên hay bún để ba lên mạng đặt. Mười lăm phút có liền, nóng hổi, khỏi nấu nướng bắc nồi cơm gì cho cực. Cũng khỏi rửa chén đũa. Chỉ có điều còn lâu mới ngon như vợ nấu.

Tiếng chuông cửa vang lên khi hai ba con đang xì xụp húp bún riêu. Nhả miếng chả có mùi chua chua xuống tô, thằng con ngóc đầu lên, hớn hở tưởng mẹ về. Thiện cũng tưởng vợ về sớm, dù anh biết cô nói đi nửa tháng nhưng biết đâu nhớ chồng con chịu không nổi (hay không tin chồng con có thể sống thiếu cô tới chừng đó ngày nổi), anh vội ra mở cửa. Không thấy vợ, chỉ thấy bà cô mặc đồ bộ bông xanh đỏ cắp túi xách bên hông, dưới đất lỉnh kỉnh những giỏ và bịch ni lông, trên tay cầm miếng giấy tập học sinh ghi chi chít chữ, miệng còn lẩm bẩm “quẹo trái, qua ngã tư quẹo phải kiếm nhà số 45A...”.

Minh họa: QUANG CƯỜNG.

Minh họa: QUANG CƯỜNG.

Chờ cho người đàn bà đậm chất ở quê mới lên nhẩm cho xong tờ địa chỉ mà Thiện biết là địa chỉ nhà mình, anh mới lịch sự hỏi bà kiếm ai.

- Cho hỏi phải nhà cô Út Mót hông?-bà cô hỏi. Mất năm phút để Thiện nhớ ra Út Mót là tên dưới quê của vợ, mắt còn hoang mang cổ đã chầm chậm gật gật-phải hả? Nhà gì khó kiếm gần chết. Tránh ra cho tui đem đồ vô coi. Nóng sút mồ hôi hột hà!

Thiện tránh qua một bên cho người đàn bà lách vô, ngơ ngác như đứa con nít lần đầu gặp khách của ba mẹ tới nhà chơi. Đứa con nít thật sự trong nhà tròn xoe mắt nhìn ba và người lạ, hồn nhiên hỏi: “Ai vậy ba?”.

Tới lúc này người đàn bà mới sực nhớ chưa tự giới thiệu. Thả người xuống ghế đưa tay phe phẩy cho có chút gió mát người, bà cười toe toét:

- Tui tên Hạnh, thứ năm. Kêu là dì Năm cho gọn. Cô Út Mót mướn tui giúp việc nhà nửa tháng. Bắt đầu làm từ ngày mai.

Thiện vỗ trán, nhớ ra cô tiên vợ lần nữa hóa phép đáp ứng nguyện vọng của anh. Trong một bữa vật lộn không biết nêm nước mắm hay nước tương vô canh và đồ nào ra màu đồ nào không để phân loại giặt, anh tha thiết nhắn mong vợ về sớm sớm, hay tìm ai đó giúp việc nhà trong lúc vợ đi cũng được. Giờ, cầu được ước thấy. Có điều anh cảm giác không ổn lắm, khi bà dì giúp việc nhăn nhó chê “nhà cửa như cái chuồng heo”. Ngại ngùng Thiện kéo áo lên ngửi thử, cái áo không biết sạch hay dơ mà anh quơ đại trên giường mặc, thấy mùi có vẻ cũng... giống heo.

*

* *

Chưa thấy người giúp việc nào tuân thủ nguyên tắc như dì Năm. Dì nói mai bắt đầu làm là mai bắt đầu thật. Nghĩa là chiều nay hai ba con phải tự xử mọi thứ và tự kiếm đồ bỏ vô bao tử. Ngay khi đồng hồ điểm boong boong qua ngày mới, dì Năm xắn tay áo lau liền vô bếp. Thiện thức khuya làm cho xong công việc, xuống bếp thấy dì Năm lúi húi dọn dẹp, bất giác nghĩ phải chi công ty anh ai cũng đúng giờ vầy chắc anh đỡ cực thân.

Đó là Thiện nghĩ trong đầu, chứ thực tế anh đâu có đỡ cực. Sáng ra, hạnh phúc chỉ tồn tại trong bữa ăn sáng tươm tất và bộ đồ mới cho anh mặc đi làm được ủi thẳng thớm thơm phức. Khi tan ca trở về, "địa ngục"... mới bắt đầu.

Dì Năm réo anh tới, bắt anh ngồi xuống lặt rau. Thằng con mới đi học về cũng chịu chung số phận. Hai ba con lóng ngóng bên mớ bồ ngót và rau ngổ, không biết bắt đầu từ đâu. Nhìn con giương đôi mắt long lanh chờ ba làm trước để học theo, anh hít một hơi ưỡn ngực động viên bản thân, tự tin lặt bồ ngót trước. Dì Năm đi ngang qua, dừng lại ngó, la làng inh ỏi: “Trời đất ơi, tiêu mớ rau của tui rồi!”. Ngồi xuống với đôi mắt liếc Thiện mang hàm ý đúng là không trông cậy được gì ở anh, dì Năm cẩn thận chỉ cách lặt từng loại rau. Chỉ luôn cách lột tôm để lát xào rau. Còn dì quay lại bếp, bắt đầu bằm thịt và bắc nồi hầm xương. Thằng con cười chọc quê, anh quạu quá tính cốc đầu nó một cái nhưng bị dì Năm quắc mắt nên thôi, tiếp tục chăm chỉ với mấy rổ rau đầy nhóc.

Xong việc, tưởng được nghỉ nhưng đâu có phải. Dì Năm lại réo hai ba con, kêu đi kiếm mấy trái ớt với chút hành ngò. Thiện kêu con lên thay đồ, còn mình chuẩn bị dắt xe ra, dì Năm chưng hửng hỏi: “Tới giờ cơm còn định đi đâu?”.

- Thì bà mới kêu con đi chợ mua ớt với hành ngò!-anh cự nự.

- Trời à. Đi chợ chi. Lên sân thượng bẻ!-dì Năm cười, lắc lắc đầu.

Hai ba con Thiện lóc cóc lên sân thượng với sự hoài nghi tràn ngập. Ở đó, trong sự ngạc nhiên của cả hai, màu xanh mướt mở ra đón chào. Những thùng xốp chứa đất nằm ngay ngắn tắm nắng chiều, trồng đủ các loại rau gia vị và ớt. Có cả mớ cải xanh đang lớn và giàn mướp đang trổ nụ. Anh không nhớ vợ anh đã trồng từ bao giờ nữa. Một lúc nào đó, có lẽ đã rất lâu, vợ kêu anh chở đi mua đồ về làm khu vườn nho nhỏ thì phải. Anh lấy cớ bận việc nên từ chối, với lại anh nghĩ trồng chi lu bu cực thân, ra chợ mua là có, không ngờ vợ một mình chăm bón chúng xanh rờn. Thằng con ít được nhìn cây cỏ khoái chí chỉ trỏ, “đằng kia là cây bí hay cây mướp vậy ba”, “mình trồng thêm cà chua được hông?”.

Vườn cây trong sự lãng quên của Thiện đã khô nẻ đất. Anh lóng ngóng kiếm vòi mở nước, tắm tưới cho chúng. Gió thổi qua đám cây vẫy vẫy như cảm ơn anh. Có thứ gì đó từ đám húng quế phóng ra, thằng con sợ quá nhào lại ôm anh. Chỉ là một con dế nhỏ xíu, lâu rồi anh mới thấy lại. Hai ba con nhìn nhau, bật cười khanh khách.

Thiện và con xuống bếp khi nghe dì Năm réo “ăn cơm thôi”. Bụng đói biểu tình inh ỏi, nhìn vô mâm đầy đủ món canh, món mặn, món xào thiếu điều anh muốn chảy nước mắt. Vặn vặn tay chân, anh thắc mắc làm có chút xíu mà sao mỏi nhừ. Nhìn dì Năm đang bới cơm, anh nhớ vợ quá. Những việc này vợ anh làm mỗi ngày, có bao giờ than mệt...

*

* *

Sáng chủ nhật, Thiện định thưởng cho bản thân được ngủ nướng tới trưa thì đã nghe tiếng dì Năm réo tập hợp. Thằng con lại chung số phận. Hai ba con đánh răng rửa mặt lẹ làng để nhận nhiệm vụ mới: Đem đồ đã giặt đi phơi. Hai ba con khệ nệ bưng từng rổ đồ lên sân thượng, nhận ra mớ đồ mặc trong tuần nhiều kinh khủng vậy.

Bữa nay nắng đẹp, ấm và vàng rực. Con nít đúng là mau phục hồi, mới than mệt đã vui vẻ móc từng cái áo đủ màu của mình lên sào phơi. Nắng dường như có năng lượng tích cực, Thiện nhớ đã đọc ở đâu đó viết như vậy. Anh vươn vai sảng khoái. Bao nhiêu lâu rồi anh và con không đón nắng sớm như vầy? Anh nhớ vợ có cằn nhằn hai ba con cắm đầu vô máy tính thức cho khuya không chịu dậy sớm cho khỏe người. Mấy giờ vợ anh ngủ? Mấy giờ vợ anh thức? Dường như đêm nào anh cũng nghe tiếng lục cục dọn dẹp trong bếp. Và khi anh dậy, bữa ăn sáng luôn sẵn sàng.

Đợi hai ba con ăn sáng xong, dì Năm lúc này hiện nguyên hình như một bà dì ghẻ. Chỉ cho hai ba con lọ lem nghỉ chừng mười lăm phút, lập tức bắt đi siêu thị sắm đồ và dọn dẹp nhà cửa.

Vụ đi siêu thị thì dễ. Hơi đông chút, hơi phiền chút, hơi lu bu chút thôi. Và cứ vài phút lại phải gọi dì Năm một lần để hỏi thịt thăn khác thịt đùi chỗ nào, lựa trái cây sao cho ngon. Xong xuôi vác lủ khủ đồ về, anh vấp phải suy nghĩ, vợ anh một mình đi sắm sửa chắc cũng buồn lắm.

Về tới nhà nhiệm vụ chính mới bắt đầu. Chia ra thằng con quét nhà còn anh sắp xếp lại đồ đạc. Công nhận dì Năm sở hữu đôi mắt siêu nhân, có thể nhìn ra rác trong từng hốc kẹt và những cây đinh treo tranh bị lung lay. Hàng tá công việc không tên nhô mặt ra cho hai ba con anh xử lý: Kê lại tủ, đóng lại chân bàn, sửa vòi nước, tưới cây, dời kệ bếp, đem chén dĩa lâu không xài ra phơi nắng... Làm hết từng đó việc, mệt muốn xỉu.

Thằng con quay qua Thiện, hỏi một câu như xiên thẳng vô tim anh:

- Mẹ y như siêu nhân ba ha, làm bao nhiêu việc mỗi ngày!

Thiện ờ ờ, thấy sao mà ngại với thằng con hết sức. Bởi có bao giờ anh phụ vợ một tay đâu!

Nửa tháng trôi qua cái vù. Cuối cùng cũng tới ngày vợ về. Thiện với con bàn nhau dành cho vợ một sự bất ngờ. Dưới sự hướng dẫn của dì Năm, hai ba con lăn vô bếp nấu mâm cơm thơm phức ngon lành.

Đúng như dự đoán, vợ mừng tới bật khóc trước sự thay đổi của ba con Thiện. Anh lóng ngóng không biết dỗ vợ làm sao. Dì Năm bước tới, vỗ vỗ vai vợ anh, cười cười nói:

- Thấy Năm hay chưa? Nói được là làm được nha!

Hai ba con Thiện quay qua nhìn nhau, không hiểu dì Năm đang nói gì. Vợ anh lau nước mắt, từ từ giải thích. Hóa ra người bất ngờ chính là hai ba con anh. Dì Năm chính là... dì Năm, bà dì thứ năm ở xa của vợ mà anh chưa gặp lần nào. Lo hai ba con ở nhà không tự lo được, vợ tính tìm người giúp việc thì dì Năm cản kêu để dì lo. “Sẵn dì chỉnh cái nết hai ba con nó cho”, vợ anh tưởng dì Năm nói chơi, ai ngờ dì làm thật.

Cả gia đình quay qua nhìn nhau, bật cười. Thiện và con thấy bí mật này không đáng ghét chút nào. Nhờ người giúp việc đặc biệt này, hai ba con mới nhận ra phải đỡ đần nhau, cuộc sống gia đình mới trọn vẹn được.

Truyện ngắn của PHÁT DƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nguoi-giup-viec-663419