Người 'gọi vốn' cho Tập đoàn Đèo Cả

Với vai trò Phó chủ tịch HĐQT phụ trách tài chính của Tập đoàn Đèo Cả, Trần Văn Thế là người 'khơi thông' nguồn vốn, rút ngắn thời gian về đích cho các dự án của Tập đoàn.

Cuối tháng 9/2019, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chính thức thông xe kỹ thuật, về đích trước 3 tháng so với kế hoạch được phê duyệt ban đầu. Theo đánh giá, đây là công trình cao tốc có thời gian về đích sớm nhất nếu tính theo thời gian bắt đầu triển khai thi công đến khi thông xe.

Đáng chú ý, trước đó dự án gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ách tắc về vốn. Người đóng vai trò quan trọng trong việc khơi thông nguồn vốn cho dự án này chính là ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch HĐQT phụ trách tài chính Tập đoàn Đèo Cả, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.

Gỡ nút thắt về vốn

“Ngay khi tiếp nhận dự án, với vai trò Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách tài chính, tôi cùng HĐQT đã xác định nút thắt lớn nhất là vốn của dự án. Vì vậy, chúng tôi làm việc với ngân hàng, rà soát thẩm định lại hồ sơ dự án, kế hoạch kinh doanh của dự án và kết quả đã ký hợp đồng tín dụng vay 10.169 tỷ đồng để thực hiện dự án. Giải quyết được bài toán về vốn, dự án đã băng băng về đích”, ông Thế chia sẻ.

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thông xe kỹ thuật, về đích trước 3 tháng so với kế hoạch được phê duyệt ban đầu

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thông xe kỹ thuật, về đích trước 3 tháng so với kế hoạch được phê duyệt ban đầu

Được biết, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn khởi công từ tháng 7/2015 nhưng đến năm 2017, dự án có nguy cơ phá sản hoàn toàn. Sự đình trệ đó đã đẩy các nhà thầu lâm vào cảnh "sống dở chết dở" vì họ đã ứng vốn trước để thực hiện dự án, một số nhà thầu đứng trên bờ vực vỡ nợ.

Trước những khó khăn, vướng mắc ấy, Bộ Giao thông vận tải đã mời Tập đoàn Đèo Cả vào thay thế nhà đầu tư cũ, giải cứu dự án. Lúc này, Nhà đầu tư cũ không đảm bảo năng lực về tài chính nên các ngân hàng không tài trợ vốn khiến các dự án bị bế tắc.

Ngay khi tiếp cận dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã tăng cường năng lực tài chính, đồng thời thay thế các nhà đầu tư yếu kém bằng các nhà đầu tư có năng lực. Điều đặc biệt là qua rà soát, tính toán phân kỳ đầu tư, nhà đầu tư đã tiết giảm được hơn 3.068 tỉ đồng (từ 8.743 tỉ đồng xuống còn 5.675 tỉ đồng).

Trên cơ sở đó, Ngân hàng VietinBank đã thẩm định và tài trợ vốn cho các dự án. Dự án được thành công và được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá là một kỳ tích và huyền thoại về thời gian thi công xây dựng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Kinh nghiệm từ cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động đầu tư của các dự án, ông Trần Văn Thế đã chủ động đề xuất cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán.

Đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán 3 đợt tại dự án, qua đó khẳng định tính tuân thủ trong quá trình chuyển đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và điều chỉnh, bổ sung dự án. Đồng thời, tạo điều kiện giúp dự án kịp thời chấn chỉnh các tồn tại ngay trong quá trình thực hiện, tránh các sai sót tích lũy và tạo sự minh bạch trong hoạt động đầu tư.

Tại Hải Vân, Tập đoàn Đèo Cả đang triển khai các bước hoàn thiện để đưa ống hầm thứ 2 vào vận hành trong năm 2020

Tại Hải Vân, Tập đoàn Đèo Cả đang triển khai các bước hoàn thiện để đưa ống hầm thứ 2 vào vận hành trong năm 2020

Những kinh nghiệm và các kết quả đạt được tại dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã tạo ra mô hình điểm và bài học kinh nghiệm để vận dụng xử lý vướng mắc của các dự án khác. Đây cũng là lý do Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục được tin tưởng mời tham gia tháo gỡ các vướng mắc tương tự của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Đối với dự án này, Tập đoàn Đèo Cả đang nỗ lực thu xếp vốn. Với kinh nghiệm từ Bắc Giang- Lạng Sơn, tổng mức đầu tư của dự án này đã được điều chỉnh là 12.668 tỉ đồng giảm gần 2.000 tỷ đồng (trước đây là 14.678 tỷ đồng), trong đó nguồn vốn BOT là 10.482 tỉ đồng và nguồn vốn Nhà nước là 2.186 tỉ đồng.

Tái cấu trúc toàn diện

Cùng với rất nhiều dự án đã và đang triển khai, hiện nay Tập đoàn Đèo Cả đang cơ cấu lại các hoạt động theo 2 hướng chính: hoạt động đầu tư tài chính vào các dự án hạ tầng giao thông và hoạt động sản xuất kinh doanh (thi công, tư vấn, quản lý vận hành…). Trong đó, các hoạt động đầu tư các dự án hạ tầng giao giao thông được hợp nhất vào CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả.

Người "gọi vốn" cho tập đoàn Đèo Cả Trần Văn Thế

Người "gọi vốn" cho tập đoàn Đèo Cả Trần Văn Thế

Theo ông Trần Văn Thế, đích đến của quá trình tái cấu trúc là một Đèo Cả Group hoạt động linh hoạt, hiệu quả hơn nữa. Việc giao cho CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả, một doanh nghiệp niêm yết chứng khoán làm đầu mối quản lý một loạt các dự án lớn đã cho thấy Tập đoàn Đèo Cả luôn hướng tới một mô hình quản trị minh bạch, công khai.

Cụ thể, CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả là chủ đầu tư dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả gồm 4 hạng mục chính, gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và mở rộng hầm Hải Vân 2 với tổng mức đầu tư hơn 26.000 tỷ đồng; CTCP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn là chủ đầu tư Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có vốn gần 12.200 tỷ đồng.

Trong khi đó, CTCP Phước Tượng Phú Gia BOT là chủ đầu tư dự án Hầm xuyên đèo Phước Tượng và đèo Phú Gia có tổng mức đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng; CTCP BOT Đèo Cả Khánh Hòa phụ trách Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1373+525 đến Km1392 và Km1405 đến Km1425 tỉnh Khánh Hòa với tổng mức đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng; CTCP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị là chủ đầu tư dự án cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị có vốn hơn 8.700 tỷ đồng.

Hiện nay, Tập đoàn Đèo Cả đang ưu tiên tập trung hoàn thành tốt các dự án mà tập đoàn đang thực hiện, thay vì đầu tư dàn trải.

“Cách đây không lâu, ngay tại công trường dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, chúng tôi đã cam kết với Thủ tướng, hứa với hơn 20 triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long phải hoàn thành dự án trong năm 2021. Thời gian còn lại không còn nhiều, vướng mắc về vốn tín dụng chưa được khai thông, với vai trò quản trị công ty, điều hành dự án, chúng tôi phải hết sức nỗ lực cùng các bên tháo gỡ các vướng mắc để đưa dự án về đích đúng hẹn.... Chúng tôi hy vọng nối kết cung đường của tổ quốc như Hữu Nghị - Chi Lăng, đáp ứng nguyện vọng của người dân Cao Bằng và kỳ vọng của cả nước về con đường cao tốc nối Đồng Đăng - Trà Lĩnh”, ông Thế nói.

Kể từ khi Tập Đoàn Đèo Cả động thổ khởi công xây dựng tuyến đường mở rộng quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Khánh Hòa vào ngày 26/5/2013, đến nay những cung đường mới, những tuyến đường Hầm đậm chất bản lĩnh người Việt như: Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân, Bắc Giang - Lạng Sơn… Tiếp theo là Trung Lương - Mỹ Thuận, Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh…. sẽ đi vào lịch sử như một bản hùng ca về bản lĩnh của những con người Đèo Cả. Trên lộ trình đó, luôn có đấu ấn đặc biệt, với khả năng khơi thông nguồn vốn của Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách tài chính Trần Văn Thế.

Thanh Thủy

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nguoi-goi-von-cho-tap-doan-deo-ca-94887.html