Người gửi tiền ngân hàng, bị mất khả năng nhận thức, thân nhân phải làm gì?

Thời gian gần đây, xảy ra một số trường hợp người gửi tiền vào ngân hàng gặp tai nạn, bị hành hung dẫn đến mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (HVDS). Vậy người thân của người có tiền gửi phải làm thế nào để rút được tiền?

Luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa thuộc Hãng luật Châu Đại Dương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), cho biết tại khoản 1 điều 22 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, quy định: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi, thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực HVDS trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Tương tự đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của mình được quy định tại điều 23 BLDS 2015, và đối với người bị hạn chế năng lực HVDS được quy định tại điều 24 BLDS 2015”.

 Luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa thuộc Hãng luật Châu Đại Dương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh).

Luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa thuộc Hãng luật Châu Đại Dương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh).

Về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực HVDS, bị hạn chế năng lực HVDS… theo luật sư Hoài Nghĩa được quy định tại điều 376 của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) 2015. Người có quyền yêu cầu phải làm đơn yêu cầu theo mẫu, và tài liệu kèm theo quy định tại điều 362 Bộ luật này và gửi tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 39 BLTTDS 2015: “Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực HVDS, bị hạn chế năng lực HVDS hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực HVDS, bị hạn chế năng lực HVDS hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”.

Cũng theo luật sư Nghĩa, sau khi được tòa án giải quyết, ra quyết định chấp nhận yêu cầu tuyên bố một người bị mất hoặc hạn chế năng lực HVDS, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của mình thì người giám hộ của họ có quyền, nghĩa vụ, phạm vi giám hộ được quy định tại các điều 46, 48, 57 và 58 BLDS 2015

Đối với người bị mất năng lực HVDS, thì vợ hoặc chồng là người giám hộ đương nhiên. Nếu không có vợ, chồng hoặc vợ, chồng không đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ theo điều 53 BLDS 2015. Nếu không có ai giám hộ phải cử hoặc chỉ định người giám hộ theo điều 54 của Bộ luật này.

Đồng thời, người giám hộ có quyền quản lý tài sản của người được giám hộ, được thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ; sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ quy định tại điều 58 và 59 BLDS 2015.

Để thực hiện các quyền của mình thì người giám hộ phải đăng ký tại UBND cấp xã hoặc huyện (có yếu tố nước ngoài) theo quy định về hộ tịch. Người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký việc giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ theo điều 57 BLDS 2015. Đối với việc quản lý tài sản của người được giám hộ, pháp luật quy định cần phải cử người giám sát việc giám hộ liên quan đến tài sản và phải đăng ký người giám sát tại UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ, các giao dịch đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ theo quy định tại điều 51 và 59 BLDS 2015.

Đối với tiền gửi tiết kiệm, tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm của người được giám hộ, thì người giám hộ sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ theo các quy định trên (gồm: quyết định tuyên bố mất năng lực HVDS, hạn chế năng lực HVDS..., của tòa án, xác nhận đăng ký giám hộ, giám sát việc giám hộ của UBND có thẩm quyền, văn bản đồng ý của người giám sát việc giám hộ cho giao dịch về tài sản, sử dụng tài sản của người được giám hộ, các giấy tờ tùy thân của người liên quan) thì ngân hàng có trách nhiệm và nghĩa vụ phải giải quyết yêu cầu của người giám hộ theo quy định của BLDS 2015 và các quy định, quy chế ngân hàng, các tổ chức tín dụng.

Về thời gian ngân hàng tiếp nhận yêu cầu, thời gian giải quyết? Nếu chậm trễ dẫn đến thiệt hại sức khỏe, tinh thần của người được giám hộ thì phải chịu trách nhiệm gì? Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do pháp nhân, người của pháp nhân gây ra như thế nào?

Luật sư Trần Thị Ánh, Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Thủ tục chi trả tiền gửi tiết kiệm được quy định tại điều 18 thông tư số 48/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đó, trường hợp chi trả tiền gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật, thì người đại diện theo pháp luật phải xuất trình giấy tờ chứng minh tư cách đại diện của mình. Giấy tờ xác minh thông tin của người đại diện theo pháp luật và giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền; Đảm bảo việc chi trả tiền gửi tiết kiệm chính xác, an toàn tài sản cho người gửi tiền và an toàn hoạt động cho tổ chức tín dụng. Trường hợp chậm chi trả do lỗi cố ý của tổ chức tín dụng thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định pháp luật”.

Tân Tiến

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nguoi-gui-tien-ngan-hang-bi-mat-kha-nang-nhan-thuc-than-nhan-phai-lam-sao-398181.html