Người Hà Nội có thể khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn trực tuyến trong tháng 3
Trong tháng 3/2022, Hà Nội sẽ triển khai trực tuyến đối với 3 thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp là: khai sinh, khai tử và đăng ký kết hôn trên toàn thành phố...
Đã triển khai 7/25 dịch vụ công trực tuyến
Chiều 17-3, Ban chỉ đạo 06 TP Hà Nội đã họp lần 1 để triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc CATP – cơ quan thường trực BCĐ 06 TP đã báo cáo về tình hình, tiến độ triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Theo đó, ngày 08/3/2022, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức buổi làm việc với Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ để kiểm điểm tiến độ, đánh giá kết quả bước đầu triển khai thực hiện trên địa bàn Thành phố.
Tại buổi làm việc, Thành phố đã xác định rõ những kết quả bước đầu, những khó khăn, vướng mắc, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của thành phố Hà Nội khi được Chính phủ chọn làm điểm, làm mẫu trong việc thực hiện Đề án trên cả nước.
Lãnh đạo thành phố đã khẳng định sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn thành phố trong việc triển khai thực hiện Đề án 06, xứng đáng với vị trí, vai trò của Thủ đô.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, căn cứ vào tình hình thực tế, Thành phố điều chỉnh, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để hướng tới việc hoàn thành và về đích sớm các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định tại Đề án 06/Chính phủ.
Về các kết quả cụ thể, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân để tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện Đề án 06.
Về tiến độ thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu ban hành kèm theo Đề án 06/Chính phủ, Đại tá Nguyễn Hồng Ky cho biết, đối với 14/25 dịch vụ công thực hiện trong tháng 3/2022, thành phố đã triển khai 7/14 (50%) dịch vụ công (5 dịch vụ mức độ 3, 2 dịch vụ mức độ 4).
Hiện đã cung cấp trên Cổng dịch vụ công Thành phố 3 dịch vụ và 4 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an; sẵn sàng kết nối, tích hợp, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; còn 7/14 dịch vụ công hiện còn một số khó khăn, vướng mắc chưa triển khai được mức độ 3, mức độ 4.
Đối với các TTHC còn lại, các đơn vị liên quan đã xây dựng phương án và chủ động thực hiện rà soát, tái cấu trúc quy trình và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đảm bảo việc kết nối; Hoàn thành việc triển khai thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai trong thực hiện TTHC về đất đai (dự kiến trong tháng 4/2022); Mở rộng phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Văn phòng Chính phủ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; Mở rộng thực hiện Cấp đổi Giấy phép lái xe mức độ 4 trên toàn địa bàn...
Đối với 11/25 DVC thực hiện trong tháng 5/2022. Hà Nội đã góp ý và phối hợp với các bộ, ngành thực hiện tái cấu trúc quy trình, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng kết nối theo chỉ đạo vào tháng 5/2022.
Tích hợp 1.000 thủ tục hành chính trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia
Đại tá Nguyễn Hồng Ky thông tin, đến nay, Công an Thành phố đã tổ chức thông báo mã số định danh cá nhân cho 100% công dân trên địa bàn Thành phố, triển khai thu nhận 5.691.513 hồ sơ Căn cước công dân có gắn chíp điện tử và làm sạch 3 cấp đối với 7,9 triệu dữ liệu dân cư của công dân trên địa bàn Thành phố, đồng thời cập nhật thông tin 453.403 trường hợp hưởng trợ cấp xã hội theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và 11.332.865 thông tin tiêm chủng vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư..
Phó Giám đốc CATP cũng phản ánh một số khó khăn hiện nay. Đơn cử, đối với thủ tục “Đổi Giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp” đã được Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục đường bộ Việt Nam tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, tính đến 11/3/2022, đã tiếp nhận và giải quyết được 33 hồ sơ. Tuy nhiên, có chưa có cơ chế xác thực dữ liệu công dân giữa số CCCD và số CMND 9 số (cũ) gây khó khăn cho việc tạo tài khoản cũng như nộp hồ sơ;
Dữ liệu khám sức khỏe điện tử vẫn đang trong giai đoạn thí điểm, số lượng Bệnh viện có chức năng cấp Giấy khám sức khỏe điện tử còn rất ít, việc sử dụng dịch vụ chứng thực điện tử để thay cho Giấy khám sức khỏe điện tử còn hạn chế. Khi sử dụng hình thức này khiến người dân bị phát sinh thêm chi phí, thời gian đi lại, thời gian giải quyết TTHC...
Trong các nhiệm vụ phải thực hiện trong thời gian tới, Phó Giám đốc CATP cho biết, Hà Nội sẽ triển khai ngay trong tháng 3/2022 đối với 3 thủ tục hành chính lĩnh vực Tư pháp trực tuyến là: Khai sinh – Khai tử và Đăng ký kết hôn trên toàn thành phố; Tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc làm sạch dữ liệu hộ tịch điện tử của thành phố và tổ chức kết nối thông suốt với CSDLDC để thực hiện tổ chức giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ trực tuyến về hộ tịch cho người dân; Sẵn sàng triển khai ngay từ giai đoạn thử nghiệm đối với nhóm TTHC liên thông...
Thành phố sẽ hoàn thành và thực hiện tích hợp 11/25 TTHC thiết yếu theo danh mục tại Phụ lục I Đề án 06/CP theo lộ trình của Chính phủ và các Bộ, ngành trong tháng 5/2022; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo lộ trình, kế hoạch đề ra; phấn đấu và hoàn thành chỉ tiêu theo Kế hoạch (khoảng 1.000 TTHC) vào cuối quý III/2022...