Người Hà Nội dần quen với thùng rác công nghệ
Sau hơn hai năm triển khai hệ thống thùng rác công nghệ, người dân tại các tuyến phố Hà Nội có lắp đặt thùng rác đã dần quen với việc sử dụng hơn. Việc làm này đang dần góp phần nâng cao mỹ quan đô thị, thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường.
Ý thức sử dụng thùng rác công nghệ
Sau vài giây dừng lại đọc dòng chữ ghi trên thùng rác công nghệ tại phố Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội), Nguyễn Thị Tuyết - sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân không ngần ngại bỏ túi rác nhỏ đang cầm trên tay vào chiếc thùng đựng rác có ghi dòng chữ “rác tái chế”.
Khi được hỏi, Tuyết bảo: “Em dừng lại đọc dòng chữ để biết thùng nào đựng rác tái chế và thùng nào đựng rác không tác chế, rồi mới vứt bỏ túi rác (bao giấy đựng bánh mì và vỏ chai nước) vào thùng rác cho đúng”.
Tuyết chia sẻ, hồi học cấp 3, Tuyết và các bạn cùng lớp đã được học về cách phân biệt rác vô cơ và hữu cơ. Rác hữu cơ có thể sử dụng làm phân bón hữu cơ, còn rác vô cơ như giấy, chai, lọ thủy tinh; túi nilon... là những loại rác có thể tái chế lại được.
Tương tự như Tuyết, khi đến khu vực hồ Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội), chúng tôi bắt gặp Phạm Thị Hoa (học tại một trường Đại học trên địa bàn Hà Nội) đang mở nắp thùng rác để bỏ túi rác vào đúng thùng đựng rác theo hướng dẫn trên nắp.
Theo chia sẻ của Hoa, sau những giờ học trên lớp, khi tan học em thường đi xe đạp về nhà qua con đường ven hồ này. Trước đây, khi chưa có thùng rác công nghệ cao, mọi người xả rác bừa bãi, đâu cũng thấy rác, nhưng từ khi Hà Nội lắp đặt thùng rác công nghệ ở quanh hồ, mọi người có ý thức hơn.
Cũng theo ghi nhận, chỉ trong vòng ít phút đồng hồ trên đường Nguyễn Chí Thanh - Giảng Võ liên tiếp xuất hiện những hình ảnh đẹp như: Cặp vợ chồng trên đường đi làm lái xe chầm chậm để tạt vào một thùng rác ven đường bỏ rác. Ngoài ra còn có một anh thanh niên chạy Grap cũng dừng lại để bỏ chiếc túi bóng rác đồ ăn mà anh ăn vội trước đó trên hành trình đi đón, chở khách của mình.
Cần tuyên truyền để có thói quen tốt
Quay trở lại đường Thái Hà vào thời điểm nắng gắt, khi đồng hồ đã báo hơn 11h, chúng tôi nhìn thấy các công nhân của Công ty Cổ phần Công nghệ Xanh Goda vẫn đang hì hục vần những viên đá to trên thùng đựng rác (đoạn đối diện Trung tâm chiếu phim Quốc Gia).
Khi thấy phóng viên chụp ảnh, anh Nguyễn Văn Tình - công nhân thuộc Công ty Cổ phần Công nghệ Xanh Goda tâm sự: “Chúng tôi đi dọn vệ sinh thùng rác, thùng này chẳng biết ai đó lấy những viên đá chèn lên, nên hai anh em đang phải bỏ những viên đá kia ra để vệ sinh thùng rác”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, bên cạnh với những hình ảnh mỹ quan đô thị đang dần được tô đẹp hơn, vẫn còn những bất cập như việc hàng loạt thùng rác bị úp ngược, mất thùng và bị dùng đá, tấm gỗ chắn nắp… gây khó khăn cho người dân bỏ rác đúng nơi quy định.
“Do những người thiếu ý thức bỏ cả túi bóng đồ ăn thừa, vỏ hải sản gây bốc mùi hôi thối, nên chúng tôi đã đậy nắp thùng lại”, chị Nguyễn Thi Thu, sinh sống gần đó than thở.
Chị Thu chia sẻ, thùng rác công nghệ khá tiện ích cho việc bỏ rác đúng nơi quy định. Tuy nhiên, những người dân thiếu ý thức khi vứt bỏ rác bừa bãi, không đúng nơi quy định đã làm con phố này bị nhếch nhác, bẩn thỉu...
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Tấn Đạt, Trưởng phòng Dự án của Công ty Cổ phần Công nghệ Xanh Goda cho biết, năm 2019, UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương xã hội hóa, cho phép Công ty Cổ phần Công nghệ xanh Goda lắp đặt và cung cấp hệ thống thùng rác công nghệ, kết hợp quảng cáo.
Theo đề án, thành phố sẽ triển khai lắp đặt thùng rác công nghệ tại 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã với tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Đến nay, Công ty đã lắp đặt và đưa vào sử dụng được 2.000 thùng. “Nhìn chung các thùng rác đã dần đi vào quy củ cho người dân, khách du lịch và học sinh”, ông Đạt bộc bạch.
Ông Đạt cho biết thêm, ở các nước tiên tiến, họ phân ra rõ 5 loại rác cơ bản như: Giấy, nhựa, thủy tinh, kim loại, thực phẩm. Một số nước còn có thùng đựng rác đựng rác nguy hại riêng. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở, kinh tế cũng như thói quen của người dân Việt Nam, tạm thời chỉ phân làm hai loại là tái chế và không tái chế.
Đánh giá về hiệu quả của thùng rác công nghệ, ông Đạt cho rằng, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn chưa cao. Song, ý thức của người dân bỏ rác vào đúng nơi quy định đã dần được hình thành, nhất là các bạn trẻ.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức hơn nữa trong việc giữ gìn vệ sinh chung, cũng như làm đẹp cho Thành phố”, ông Đạt chia sẻ.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguoi-ha-noi-dan-quen-voi-thung-rac-cong-nghe-5701287.html