Người Hà Nội và nét đẹp văn hóa thanh lịch, văn minh

Với hơn 150 bức ảnh, bản viết trưng bày giới thiệu nét đẹp của người Hà Nội đã nhắc nhở, định hướng cho mỗi cá nhân, tập thể đang sống, công tác và học tập trên địa bàn Thủ đô có trách nhiệm gìn giữ và phát huy những nét đẹp truyền thống. Qua đó góp phần vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Hà Nội là nơi hội tụ người dân của mọi miền Tổ quốc, là điểm đến và sinh cơ lập nghiệp của một số người nước ngoài. Đến Hà Nội, họ mang theo tinh hoa quê hương đến góp cho Thăng Long - Hà Nội, những cũng đồng thời mang theo tập quán quê cũ. Kinh đô Thăng Long - Hà Nội đã sàng lọc, gom nhặt từ những cái đẹp nhỏ nhất của bốn phương để làm giàu cho mình; loại bỏ những gì không thích hợp để rồi ổn định, định hình, định tính và định vị cái thanh lịch cũng như lan tỏa văn hóa Thăng Long đi muôn nơi.

Nét đặc trưng của văn hóa Thăng Long là sự hòa hợp nếp sống giữa người dân Hà thành với mọi miền Tổ quốc, giữa “người đồng văn, đồng chủng” với người nước ngoài. Nét thanh lịch được thể hiện trong mọi mặt của đời sống xã hội và được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Trưng bày chuyên đề "Người Hà Nội và nét đẹp văn hóa thanh lịch, văn minh".

Trưng bày chuyên đề "Người Hà Nội và nét đẹp văn hóa thanh lịch, văn minh".

Trong công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế, người Hà Nội phát huy tinh thần năng động, sáng tạo đã được hun đúc qua chiều dài hàng ngàn năm lịch sử. Người Thăng Long - Hà Nội tự hào về nét “thanh lịch” của mình.

Điều này trước hết thể hiện ở lời nói, tiếng nói của người Thủ đô chuẩn xác cao, thanh âm mẫu mực, vận dụng từ ngữ khéo léo, nhã nhặn, tế nhị. Trong giao tiếp biết nhún mình, tôn trọng người, mềm mỏng, tài hoa mà không khoe khoang, biết rộng mà không làm cao; thợ thủ công giữ cái tố chất tương trợ, phường hội giúp đỡ lẫn nha, bênh vực lẽ phải, bênh vực “kẻ yếu”; người nông dân giữ cái thuần phác, cần cù, “biết nhịn”, “biết nể”; nho sĩ, hàn sĩ giữ cái cốt cách của người học thánh hiền lời nói văn vẻ, dễ nghe, còn một tấm áo lụa ra đường còn nho nhã, còn một đồng trong túi là không để mâm cơm đãi khách phải ngượng ngùng…

Nhiều năm qua, được sự quan tâm của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai các chương trình lớn của Thành phố nhằm gìn giữ và phát huy nét thanh lịch, văn minh các cấp, các ngành, các địa phương. Trong đó phải kể đến Chương trình “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” được triển khai qua nhiều nhiệm kỳ Đại hội.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ tham quan không gian trưng bày chuyên đề "Người Hà Nội và nét đẹp văn hóa thanh lịch, văn minh".

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ tham quan không gian trưng bày chuyên đề "Người Hà Nội và nét đẹp văn hóa thanh lịch, văn minh".

Theo đó, chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: Nhiều phong trào, hoạt động hướng tới mục tiêu từng bước xây dựng chuẩn mực văn hóa để mỗi công dân Thủ đô có ý thức xây dựng phong cách sống thanh lịch, văn minh để từ đó giữ gìn, phát huy những nét đẹp của văn hóa Thủ đô ngàn năm văm hiến, để Hà Nội luôn xứng đáng là trái tim của cả nước, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế, giao lưu quốc tế.

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019), Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể Thao Hà Nội tổ chức trưng bày chuyên đề “Người Hà Nội và nét đẹp văn hóa thanh lịch, văn minh”.

Theo Ban Tổ chức, nội dung trưng bày gồm 3 phần: Phần 1: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thành phố với việc phát triển văn hóa, giữ gìn, phát huy vẻ đẹp thanh lịch, văn minh của người Hà Nội; phần 2: Xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch của các cấp, các ngành ở Hà Nội; phần 3: Vẻ đẹp cảnh quan và con người Hà Nội.

Với hơn 150 bức ảnh, bản viết trưng bày giới thiệu nét đẹp của người Hà Nội, đặc biệt là nét ứng xử văn hóa thanh lịch, văn minh được thể hiện trong công cuộc xây dựng và phát triển Hà Nội hiện nay đã nhắc nhở, định hướng cho mỗi cá nhân, tập thể đang sống, công tác và học tập trên địa bàn Thủ đô có trách nhiệm gìn giữ và phát huy những nét đẹp truyền thống. Qua đó góp phần vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

P.V

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguoi-ha-noi-va-net-dep-van-hoa-thanh-lich-van-minh-97394.html