Theo quan niệm truyền thống của người Việt, đây là ngày Táo quân về trời dâng tấu về việc bếp núc, làm ăn của các gia đình dưới hạ giới trong một năm qua. Vì vậy, ngay từ sáng sớm nay (23 tháng Chạp tại các chợ dân sinh ở Hà Tĩnh đã nhộn nhịp người mua kẻ bán, sắm sửa đồ lễ.
Hầu hết mọi người đều tranh thủ đầu giờ sáng đi mua cá chép đỏ để cá được khỏe mạnh cho ông Công, ông Táo lên đường “thuận buồm, xuôi gió”.
Chị Mai Trang – tiểu thương kinh doanh cá chép đỏ tại đường Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) vui vẻ: “Ngoài bán lẻ thì tôi còn cung ứng cho các vùng khác như Can Lộc, Lộc Hà, Thạch Hà… Cá chép đỏ được vận chuyển từ các tỉnh thành phía Bắc về, bảo quản cẩn thận nên có sức sống tốt. Dịp này, tôi nhập về gần 4 tạ cá, dự là sẽ bán hết trong sáng hôm nay”.
So với mọi năm, giá cá chép không biến động nhiều, trong đó loại vừa bằng ba đầu ngón tay với giá từ 10 – 15 nghìn đồng/con, có màu sắc đỏ tươi rực rỡ “được lòng” nhiều khách hàng hơn cả…
…còn có một số cá lớn hơn với đủ màu sắc giao dộng từ 120 -150 nghìn đồng/con.
Anh Trần Văn Tuân (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Cả năm chỉ có một ngày lễ cũng ông Công, ông Táo nên gia đình tôi lúc nào cũng phải chuẩn bị tươm tất; các đồ cần mua thì đã được sắm từ vài hôm trước nhưng cá chép đỏ thì sáng nay mới đi chợ mua để cá được tươi”.
Bên cạnh cá chép thật, năm nay, nhiều vật phẩm tạo khuôn hình cá chép được người tiêu dùng tìm mua bày biện lên mâm lễ cúng như xôi gấc, thạch rau câu…
Trong ngày này, đồ vàng mã cũng là mặt hàng được nhiều gia đình tìm mua. Theo các tiểu thương ở chợ TP Hà Tĩnh, người tiêu dùng có thể lựa chọn các bộ đồ mã gồm: Mũ, quần áo, giày... với giá từ 40.000 - 110.000 đồng/bộ, loại to đẹp có thể lên tới 200.000 - 250.000 đồng/bộ.
Cùng với đồ vàng mã, cá chép thì nhiều mặt hàng quan trọng khác cũng rất tấp nập; trong đó, cau tươi có giá khoảng 15 nghìn đồng/chục; hoa cúc vàng bông to, nhiều lộc giá từ 17 – 20 nghìn/3 bông...
… các loại quả không biến động nhiều trong ngày này, mức tăng 5% so với ngày thường, được lựa chọn nhiều là thanh long, bưởi, táo, cam.
Chị Phan Thị Nhân (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Cuối năm, công việc bộn bề nhưng mình vẫn tự tay đi chọn sắm sửa đồ lễ rồi cùng gia đình chuẩn bị mâm cỗ cúng đủ đầy, trọn vẹn nhất, “tiễn” ông Công, ông Táo lên trời báo cáo cuộc sống của gia đình trong năm qua”.
Cúng Táo quân chầu trời là tập tục, nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Không khí rộn ràng, tất bật sắm lễ với con cá chép đỏ tươi không chỉ là dấu hiệu báo năm cũ sắp qua, năm mới sẽ đến mà còn gửi gắm vào đó những mong ước về một cuộc sống bình an, sung túc.
Thái Oanh – Ngọc Loan