Người Hàn Quốc sẽ 'trẻ' hơn vào năm 2023?
Việc Hàn Quốc quyết định bỏ hệ thống cách tính tuổi truyền thống sẽ ảnh hưởng đến chính sách tuổi lao động, phúc lợi xã hội hay tiêm chủng Covid-19...
Theo SMCP, Hàn Quốc quyết định bỏ hệ thống cách tính tuổi truyền thống, ủng hộ tiêu chuẩn quốc tế. Quyết định này được khiến nhiều người đồng tình, họ mong muốn được trẻ hơn 1-2 tuổi trên giấy tờ.
Hàn Quốc từng có cách tính tuổi khác biệt
Theo hệ thống cách tính tuổi Hàn Quốc hàng thế kỷ nay, trẻ sơ sinh được coi là 1 tuổi khi mới sinh và 1 năm sau được cộng vào tuổi của chúng trong năm mới. Do đó, em bé sinh ngày 31/12 sẽ trở thành 2 tuổi vào ngày 1/1 năm sau.
Tuy nhiên, đây không phải là hệ thống tính tuổi duy nhất được sử dụng ở Hàn Quốc. Theo phương pháp thứ 2 được gọi là "tuổi theo năm sinh", tuổi của một người được tính bằng cách lấy năm hiện tại trừ đi năm sinh, bất kể người đó sinh vào tháng nào.
Điều đó có nghĩa là 2 em bé sinh vào ngày 1/1 và ngày 31/12 trong cùng một năm đều bằng tuổi nhau theo phương pháp này, được sử dụng để thuận tiện cho công việc hành chính trong nghĩa vụ quân sự, tuyển sinh tiểu học và các chính sách như bảo vệ thanh thiếu niên khỏi rượu, thuốc lá...
Hệ thống thứ 3 được sử dụng là tiêu chuẩn quốc tế, bắt đầu bằng số 0 khi sinh và sau đó thêm 1 năm vào mỗi ngày sinh nhật.
Nhiều người Hàn Quốc hoan nghênh những thay đổi được đề xuất. Park Ji-won - nhân viên văn phòng ở Seoul - cho biết "tốt hơn là nên nói tôi 31 tuổi thay vì 32 hoặc 33 khi được giới thiệu hẹn hò".
Moon Ae-ran - nhà sinh học phân tử 58 tuổi - cho hay bà luôn phải làm rõ rằng mình đang tuân theo phương pháp tính tuổi quốc tế khi viết hoặc dịch các luận văn học thuật. "Khi tôi biết tin này, điều đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi là tôi không cần bận tâm làm rõ rằng độ tuổi trong các bài báo tuân theo tiêu chuẩn quốc tế", bà nói.
Áp dụng cách tính tuổi quốc tế
Quốc hội mới đây thông qua một số dự luật nhằm loại bỏ các hệ thống nhiều độ tuổi và chọn một hệ thống được quốc tế công nhận, có hiệu lực từ tháng 6 năm sau.
"Hàn Quốc đang ngày càng trẻ hóa", một thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp cho biết, báo trước việc thông qua các dự luật.
Bộ cho biết tất cả các độ tuổi xuất hiện trong luật, hợp đồng và các văn bản pháp lý khác sẽ tự động được chấp nhận là độ tuổi được quốc tế công nhận, đồng thời cho biết thêm rằng thay đổi này sẽ làm giảm "các tranh chấp pháp lý không cần thiết" về phương pháp nào nên được sử dụng để tính tuổi.
Loại bỏ hệ thống tính tuổi truyền thống của Hàn Quốc là một trong những chiến dịch tranh cử của Tổng thống Yoon Suk-yeol.
Việc sử dụng hỗn hợp các phương pháp tính tuổi khác nhau đã gây nhầm lẫn và tranh cãi về các chính sách liên quan đến tuổi lao động, phúc lợi xã hội và gần đây là tiêm chủng Covid-19.
Cũng đã có một loạt các tranh chấp pháp lý kéo dài về phương pháp tính tuổi nào nên được áp dụng cho hệ thống lương cao nhất, theo đó mọi người có thể chọn giảm lương dần sau 56 tuổi để đổi lấy việc nghỉ hưu muộn hơn bình thường. Tuổi nghỉ hưu thông thường là 62.
"Khi mọi người thấy mình trẻ hơn 1-2 tuổi, điều đó sẽ có tác động tích cực đến toàn xã hội", Lee Wan-kyu - Bộ trưởng Pháp chế của Chính phủ - cho biết. Ông cho hay, chính quyền sẽ quảng bá rộng rãi hệ thống mới để giúp nó "bén rễ" trong cuộc sống hàng ngày.
Một cuộc khảo sát của Chính phủ vào tháng 9 cho thấy 8 trong số 10 người được hỏi ủng hộ tiêu chuẩn quốc tế. Họ tin rằng có một hệ thống mới sẽ loại bỏ sự nhầm lẫn và giúp phá vỡ văn hóa thứ bậc dựa trên thâm niên.
Tuy nhiên, sự thay đổi chính sách cũng nhận về không ít tranh cãi. Park Hong-pyo - cựu nhân viên Chính phủ 65 tuổi - cảm thấy đáng tiếc khi Hàn Quốc đã đánh mất một truyền thống nổi tiếng.
"Tổ tiên của chúng ta đã tính tuổi từ thời điểm thụ thai và đó là lý do tại sao chúng ta coi một đứa trẻ khi sinh ra là 1 tuổi. Điều này phản ánh sự tôn trọng của họ đối với cuộc sống", ông nói.
Các chủ quán ở Itaewon điêu đứng vì vắng khách sau thảm kịch
Sau thảm kịch Itaewon, khu vực này và một số nơi kinh doanh lân cận đều “chết dần chết mòn“, chỉ còn lác đác vài khách...
Duy Khôi