Người Hàn Quốc trên đường vươn tới không gianTin khácĐẩy mạnh tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí MinhBáo chí Lạng Sơn tiếp tục đổi mới, đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh
Ngót 30 năm kể từ vụ phóng tên lửa đầu tiên vào không gian nhưng thất bại, Hàn Quốc hồi tuần trước đã phóng thành công vệ tinh vào quỹ đạo bằng một tên lửa đẩy do chính nước này sản xuất. Đây không chỉ là bước tiến nhảy vọt mà có thể còn mở ra một kỷ nguyên mới đối với chương trình nghiên cứu không gian của Hàn Quốc. Tên lửa Nuri được phóng từ Trung tâm không gian Naro, phía Tây Nam Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap
Hãng thông tấn Yonhap cho rằng, trước đây, Hàn Quốc vẫn bị coi là tụt hậu trong cuộc chạy đua vào không gian vũ trụ toàn cầu, cho dù nước này là một trong những nhà sản xuất các sản phẩm công nghệ cao lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, với việc vừa phóng thành công tên lửa đẩy sản xuất trong nước với tên gọi Nuri đưa vệ tinh vào quỹ đạo, Hàn Quốc đã chính thức trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới phát triển phương tiện phóng vào không gian có thể mang theo một vệ tinh nặng hơn 1 tấn, cùng với Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.
Dĩ nhiên, sự kiện nói trên đã khiến các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc, đặc biệt là Tổng thống Yoon Suk-yeol tỏ ra rất vui mừng. Phát biểu qua video gửi tới các nhà nghiên cứu tham gia vào vụ phóng tên lửa đẩy Nuri, ông Yoon Suk-yeol hào hứng cho biết: “Giờ đây, con đường vào không gian đã mở ra với Hàn Quốc… Đây là kết quả của nỗ lực vượt qua những thách thức, khó khăn trong suốt 30 năm qua. Giờ thì người dân Hàn Quốc, cũng như những giấc mơ và niềm hy vọng của những người trẻ tuổi ở đất nước chúng ta, sẽ vươn tới không gian”.
Tương tự, Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Lee Jong-ho cũng hồ hởi nói rằng, thành công của vụ phóng tên lửa Nuri chứng tỏ Hàn Quốc đã có sự tiến bộ về công nghệ và hướng tới mục tiêu trở thành một cường quốc không gian.
Tuy nhiên, nhìn lại sẽ thấy thành công đến với quốc gia Đông Bắc Á này không hề dễ dàng. Trang Asia News Network cho biết, từ năm 1993, Hàn Quốc đã phóng tên lửa nội địa đầu tiên nhưng thất bại. Bất chấp điều đó, nước này vẫn kiên trì thử nghiệm và phát triển chương trình khám phá không gian của riêng mình.
Và đến năm 2013, sau hai lần thất bại và vài lần trì hoãn, tên lửa đầu tiên của Hàn Quốc với tên gọi Naro (chủ yếu dựa vào công nghệ của Nga), đã được phóng thành công lên quỹ đạo. Trong khi đó, quá trình phát triển tên lửa đẩy Nuri được bắt đầu từ năm 2010 với tổng kinh phí đầu tư vào khoảng 1,52 tỷ USD và theo thống kê có tới hơn 300 công ty trong nước tham gia vào việc phát triển, lắp ráp tên lửa này.
Dự kiến từ nay đến năm 2027, Hàn Quốc sẽ thực hiện thêm 4 vụ phóng nhằm cải thiện độ tin cậy và ổn định kỹ thuật của tên lửa Nuri.
Có lẽ chính vì vậy mà Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) mới đây đã tự tin nhận định rằng, thành tựu mới nhất của tên lửa Nuri là cơ hội để Hàn Quốc trở thành một quốc gia đóng vai trò quan trọng trên thị trường vũ trụ toàn cầu với tư cách vừa là nhà sản xuất tên lửa, vừa là nhà cung cấp vệ tinh. KITA cũng khẳng định, trong những năm tới, ngành công nghiệp vũ trụ của Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển hệ sinh thái thám hiểm không gian.
Trang Asia News Network thậm chí còn cho rằng, bước tiến bộ mới về công nghệ không gian sẽ càng thúc đẩy tham vọng đặt chân tới Mặt Trăng vào năm 2031 của Hàn Quốc.
Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Yoon Suk-yeol từng cam kết rằng, chính phủ do ông dẫn dắt sẽ thành lập một cơ quan chuyên về lĩnh vực hàng không vũ trụ và hỗ trợ ngành công nghiệp này một cách có hệ thống.
Những tham vọng đó liệu có trở thành hiện thực hay không, câu trả lời chỉ có ở tương lai. Còn hiện tại, người dân xứ sở kim chi có lý do để ăn mừng, bởi Hàn Quốc đang chứng tỏ sự vươn lên mạnh mẽ với tư cách là một thành viên của câu lạc bộ vũ trụ toàn cầu và con đường vươn tới không gian của họ cũng ngày càng được rút ngắn.