Người hành nghề khám, chữa bệnh phải tham gia kỳ thi quốc gia
y là một trong những đề xuất sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới năm 2019. Theo đó, người muốn hành nghề khám chữa bệnh phải trải qua kỳ thi quốc gia, bao gồm cả lý thuyết và thực hành. Chỉ khi vượt qua kỳ thi này mới đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.
Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu trong hội nghị tổng kết 9 năm thi hành luật khám chữa bệnh (Ảnh TL)
Theo vụ trưởng Vụ Pháp Chế, TS. Nguyễn Huy Quang cho biết, sửa đổi cấp chứng chỉ hành nghề cho nhân viên y tế thành cấp Giấy phép hành nghề là nhằm đáp ứng phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Theo đúng nghĩa thì chỉ cấp giấy phép mới có thể cấp phép hoặc rút phép, còn chứng chỉ thì chỉ là sự công nhận khi đương sự hoàn thành một trình độ nào đó.
Trước đây, người có nhu cầu cấp chứng chỉ hành nghề chỉ cần nộp bộ hồ sơ theo quy định cho cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Y tế, Sở Y tế) để được xem xét và cấp chứng chỉ hành nghề. Như vậy, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề theo cách này chỉ xem xét về thủ tục hành chính, dựa trên hồ sơ, giấy tờ về văn bằng, chứng chỉ do cơ sở đào tạo cấp, giấy xác nhận thời gian thực hành của cơ sở khám chữa bệnh mà không dựa trên việc đánh giá năng lực chuyên môn thông qua kỳ thi quốc gia như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện.
Theo đó, cơ quan quản lý sẽ không thể đánh giá được người hành nghề có đủ năng lực chuyên môn thực sự để đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu thực hiện hoạt động khám chữa bệnh hay không. Nếu chỉ xét chứng chỉ hành nghề như vậy sẽ dẫn đến nhiều vấn đề trong công tác khám chữa bệnh và gây nguy hiểm, rủi ro cho người bệnh là khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, theo thống kê, trên thế giới chỉ có 3 - 4 quốc gia cấp chứng chỉ như vậy, còn hầu hết các nước khác cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đòi hỏi người hành nghề phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục, đồng thời giữ được y đức, tránh để xảy ra sai sót về mặt chuyên môn.
Từ nhiều yếu tố đưa lại, Bộ Y tế đang tính tới đề xuất người muốn hành nghề khám chữa bệnh phải trải qua kỳ thi quốc gia (bao gồm cả lý thuyết và thực hành), nếu đủ điều kiện mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, điều này chưa thể thực hiện được ngay mà cần có lộ trình, cần thời gian.
Nếu như đúng thông lệ các năm qua thì sinh viên y khoa sau khi học 6 năm trong trường, thực hành 18 tháng trong bệnh viện sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề 1 lần và có giá trị vĩnh viễn.
Do đó, đề xuất này đưa ra sẽ gây không ít tranh cãi và nhận được nhiều quan tâm của lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng về Y dược. Tuy nhiên, đứng trên vai trò là nghề cứu người thì điều kiện này rất cần thiết và quan trọng.