Người họa sĩ già miền Tây đam mê làm tranh về Bác
Người họa sĩ già ấy đã sáng tác hàng trăm bức tranh Bác Hồ từ các chất liệu như dây diện, gỗ quao, vỏ măng cụt, vỏ dừa…
Có thể nói miền Tây Nam Bộ hiếm có họa sĩ nào khắc họa hình tượng Bác bằng những chất liệu độc đáo như họa sĩ Đỗ Năm.
Trong ngôi nhà rợp bóng cây xanh ở phường An Bình (quận Ninh Kiều, Cần Thơ), người họa sĩ già dù đã ở tuổi 80 nhưng vẫn nhanh nhẹn và cần mẫn sáng tác, đặc biệt là những tác phẩm về Bác Hồ. Các tác phẩm Bác quàng khăn đỏ cho thiếu nhi, Bác trồng cây, Bác đánh máy chữ, Bác ngồi làm việc giữa vườn cây… được treo trang trọng.
Sáng tác hàng trăm tác phẩm về Bác
Hơn 40 năm qua, ông đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm về Bác Hồ. “Tôi luôn đi tìm sự mới lạ trong phong cách sáng tác, tìm những chất liệu “miệt vườn” đặc trưng cho vùng đất Nam Bộ để tạo dấu ấn riêng cho tác phẩm của mình”, ông tâm sự.
Họa sĩ già chia sẻ sở dĩ ông thường chọn chủ đề Bác Hồ và chiến tranh cách mạng Việt Nam là muốn cho thế hệ sau thấy được quá trình đấu tranh anh dũng của dân tộc và tỏ lòng tôn kính với Bác. “Sống trong thời bình nên nhiều người không biết về chiến tranh. Từng là người đi qua hai cuộc chiến nên tôi muốn ghi lại chút gì đó. Còn đề tài về Bác Hồ được xuất phát từ tình cảm tôn kính của tôi đối với Người. Trước kia tôi có thời gian công tác ở Nghệ An, nhờ vậy mà được tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức trong sáng của Người. Có thể nói những thành công của tôi đều có bóng hình Bác”, ông tâm sự.
Một trong những ấn tượng khó phai khi kể đến gia tài nghệ thuật của họa sĩ Đỗ Năm là các tác phẩm được sáng tạo từ dây điện. Dưới bàn tay tỉ mỉ của ông, những khúc dây điện nhỏ nhiều màu sắc đã tạo nên bức tranh vô cùng sống động. Trong đó phải kể tới bức chân dung Bác Hồ trong cuộc sống hằng ngày, chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp tươi cười trong bộ quân phục. Nhiều bức trong số đó đã có mặt ở Pháp, Úc, Thái Lan, Nhật Bản, còn ở trong nước nhiều tác phẩm của ông cũng đang được trưng bày tại các bảo tàng, nhà văn hóa như bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM, bảo tàng Tôn Đức Thắng ở An Giang…
Năm 2006, ông thực hiện 31 bức tranh ghép bằng dây điện đủ màu cắt nhỏ, miêu tả hình ảnh Bác Hồ từ lúc ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi Bác trở thành lãnh tụ. “Để có được những tác phẩm về Bác, tôi đã sưu tầm, nghiên cứu rất nhiều tranh, ảnh, tượng của Bác để nắm được cái “thần”, từ đó thể hiện đúng phong thái của Bác trong mỗi bức tranh”, ông chia sẻ.
Một trong những “đứa con tinh thần” ưng ý và ông dành nhiều tâm huyết nhất chính là tác phẩm mô hình “Hồ Chí Minh - Người cầm lái cách mạng Việt Nam thế kỷ 20”. Tác phẩm mô phỏng hình ảnh con tàu cách điệu có ba tầng chính và hai tầng phụ với quần thể 108 tượng miêu tả cách mạng Việt Nam trong giai đoạn 1930-1975 dưới sự lãnh đạo của Bác.
Làm tranh bằng chất liệu… “độc”
Ngoài các tác phẩm về Bác Hồ, họa sĩ Đỗ Năm cũng dành một không gian để trưng bày các tác phẩm hội họa, điêu khắc từ nhiều chất liệu lụa, gỗ, nhôm, trái dừa… Trong đó, nhiều tác phẩm đạt giải cao như bức tranh Chiến thắng Tầm Vu làm từ gạo, lúa, đậu xanh, đậu đỏ… đoạt Huy chương bạc triển lãm mỹ nghệ toàn quốc; Bức chạm khắc Đua ghe ngo làm từ trái phượng vĩ khô đoạt Huy chương đồng triển lãm mỹ nghệ toàn quốc.
Với sự tìm tòi, sáng tạo của mình, ông đã sáng tác tranh trên nhiều chất liệu độc đáo khác như gỗ quao, mè đen, đậu nành, đậu đỏ, đậu xanh, vỏ măng cụt, vỏ dừa. Ông cho biết vỏ măng cụt khi chín có màu tím rất đẹp, nhưng khi phơi khô chúng lại bị biến màu thành tím than. Sau vài tháng miệt mài phơi vỏ măng cụt, họa sĩ đã hoàn thành bộ tranh độc đáo với hình tượng các đời Tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam với chất liệu vỏ măng cụt.
Kể về những tác phẩm đủ màu từ dây điện, họa sĩ Đỗ Năm chia sẻ: “Một lần khi nhìn thấy đống cáp điện thoại phế thải của bưu điện TP Cần Thơ có nhiều màu sắc ông đã nảy ra ý tưởng ghép tranh. Lúc ấy tôi nghĩ dây điện là loại vật liệu bền chắc, mỗi sợi cáp có tới mấy chục sợi dây nhỏ đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng. Khi cắt chúng ra thành từng đoạn rồi ghép lại thành tranh chắc chắn sẽ rất bền. Bức tranh đầu tiên làm bằng vật liệu này là Bản đồ thế giới rộng 50 m2, hiện treo ở đại sảnh Bưu điện Cần Thơ”.
Góp phần không nhỏ trong các tác phẩm của họa sĩ còn có công lao rất lớn của người vợ. Để giúp chồng hoàn thành các tác phẩm, bà đã tỉ mỉ cắt dây diện thành những khúc chừng hạt gạo. Sau đó ông mới sắp xếp theo ý tưởng và phủ lên trên một lớp keo lỏng để cố định. “Tác phẩm đầu tiên tôi làm bằng dây điện là năm 1988, có chủ đề Bác Hồ nghe điện thoại để tặng cho bưu điện TP Cần Thơ. Sau đó tôi có làm thêm 4 bức tương tự và hiện đang được trưng bày tại quân khu 9 và 3 cơ quan ở Hải Phòng”, ông khoe.
Họa sĩ Đỗ Năm sinh năm 1939, quê Nam Định. Năm 20 tuổi ông xung phong đi bộ đội. Khi xuất ngũ ông theo học trường Trung cấp Mỹ thuật Hà Nội, sau đó là Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1965 ông tốt nghiệp và được phân công về công tác tại Nghệ An. Đến năm 1981 ông chuyển công tác vào miền Nam, từng làm việc tại Trường Văn hóa nghệ thuật Hậu Giang, bảo tàng Cần Thơ và nghỉ hưu vào năm 1989.
Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/nguoi-hoa-si-gia-mien-tay-dam-me-lam-tranh-ve-bac-854761.html