Người học chưa thực sự tiết kiệm chi phí nếu VSTEP chỉ được miễn thi ngoại ngữ

Nhiều cơ sở GDĐH ủng hộ nếu chứng chỉ VSTEP được công nhận để miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho thí sinh.

VSTEP để miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ không thực sự giúp người học tiết kiệm hơn so với các chứng chỉ quốc tế

Việc dự kiến công nhận kết quả của chứng chỉ VSTEP (Vietnamese Standardized Test of English Proficiency) đối với việc miễn thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn ngoại ngữ theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, áp dụng cho kỳ thi năm 2024 đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều chuyên gia giáo dục trên cả nước.

Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn nếu chỉ để miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ mà các trường đại học không dùng để xét tuyển đầu vào thì nhiều thí sinh vẫn sẽ không “dám” ôn tập và thi lấy chứng chỉ VSTEP này.

Có thể thấy rằng, năm 2023 có khá nhiều cơ sở giáo dục đại học đã sử dụng chứng chỉ VSTEP để xét tuyển đầu vào như Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh,…

Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) cũng là một trong những đơn vị đã sử dụng chứng chỉ VSTEP để xét tuyển đầu vào năm tuyển sinh vừa qua.

Chia sẻ từ thầy Phan Thanh Tiến – Phó trưởng phòng Đào tạo của nhà trường với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho hay, năm tuyển sinh 2023, trường đã công nhận chứng chỉ này để xét tuyển đầu vào.

Cụ thể, đối với việc ưu tiên xét tuyển dựa vào chứng chỉ ngoại ngữ bên cạnh những chứng chỉ quốc tế như IELTS với yêu cầu đạt từ 5.5-6.0 trở lên hoặc TOEFL iBT đạt từ 72 điểm đến 80 điểm trở lên tùy theo từng ngành/chuyên ngành, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) ưu tiên xét tuyển vào tất cả các ngành của trường đối với thí sinh có chứng chỉ VSTEP (có thời hạn 2 năm) đạt bậc B2 trở lên.

Tuy nhiên, chủ yếu thí sinh vẫn sử dụng chứng chỉ IELTS để nộp vào trường, chỉ có rất ít em sử dụng chứng chỉ VSTEP.

Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) trong một buổi tư vấn tuyển sinh (Ảnh: Website nhà trường).

Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) trong một buổi tư vấn tuyển sinh (Ảnh: Website nhà trường).

Theo thầy Tiến, VSTEP là một kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ của Việt Nam với bộ đề thi do Trung tâm Khảo thí Quốc gia - Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào) phát hành; các trường đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo ủy quyền tổ chức và cấp chứng chỉ khá chặt chẽ, đánh giá được tương đối chính xác năng lực của thí sinh.

Hiện nay, có khoảng 30 đơn vị trên cả nước tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Anh đối với kỳ thi VSTEP và hầu như mỗi đơn vị đều tổ chức khoảng một lần/tháng; thời gian trả kết quả thi, chứng chỉ khá nhanh. Do đó, thí sinh sẽ không bị gặp hạn chế về thời gian, địa điểm tổ chức, thời gian cấp chứng chỉ giống các kỳ thi cấp quốc tế TOEFL hay IELTS,…

Vậy nên, thầy Tiến cho rằng, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa VSTEP vào một trong những chứng chỉ được công nhận để miễn thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn ngoại ngữ sẽ giúp cho các thí sinh có thêm một lựa chọn thuận lợi hơn.

Thế nhưng, nếu chỉ ôn tập và thi đạt chứng chỉ VSTEP để miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ không thực sự giúp người học tiết kiệm hơn so với các chứng chỉ quốc tế do hạn chế về mục đích sử dụng.

Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước cũng nên quan tâm, tạo điều kiện và công nhận thêm chứng chỉ nội như VSTEP để chứng chỉ này ngày càng được hoàn thiện, có nhiều người sử dụng hơn.

Cần phải có một có hệ thống ngân hàng đề thi chuẩn, tiệm cận quốc tế

Theo Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho hay, chất lượng của sinh viên không phải chỉ nằm ở đầu vào mà liên quan chủ yếu đến quá trình đào tạo trong nhà trường để bảo đảm chất lượng đầu ra sau khi tốt nghiệp cho các em.

Tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, các em sinh viên sau khi vào trường còn phải học các học phần tiếng Anh chuyên ngành, thực hiện các dự án, nghiên cứu tài liệu với yêu cầu phải sử dụng tiếng Anh.

Chính vì vậy, việc xét tuyển đầu vào của nhà trường không nhất thiết phải là chứng chỉ chuẩn quốc tế mà nếu là chứng chỉ "nội" đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận và đưa vào là một trong những chứng chỉ mà thí sinh có thể sử dụng để miễn thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn ngoại ngữ, nhà trường cũng sẽ công nhận và áp dụng trong xét tuyển đầu vào.

Trong phương thức xét tuyển thẳng theo phương án riêng theo Đề án tuyển sinh 2023, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội có tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ TOEIC/ TOEFL quốc tế đạt từ 550 trở lên; hoặc IELTS đạt từ 5.5 trở lên và tương đương.

Thầy Hiệp bày tỏ, nếu dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, áp dụng cho kỳ thi năm 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo được thông qua, trường sẽ yêu cầu bộ phận chuyên môn sẽ nghiên cứu, đề xuất để đưa chứng chỉ VSTEP vào xét tuyển đầu vào với bảng quy đổi điểm tương đương với các chứng chỉ quốc tế khác.

Bảng quy đổi này phải làm sao để đảm bảo tính công bằng cho các bạn dù có thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hay chứng chỉ tiếng Anh nội như VSTEP.

Bởi, theo thầy Hiệp, kỳ thi VSTEP rõ ràng có nhiều thuận lợi cho người học, đặc biệt là chi phí thi thấp hơn nhiều so với lệ phí thi để đạt được chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Việc tiết kiệm được chi phí mà vẫn đảm bảo được yêu cầu đầu vào của các trường đại học tất yếu cũng sẽ thu hút nhiều thí sinh lựa chọn hơn. Bởi thực tế tại trường, các em vẫn chủ yếu lựa chọn nộp chứng chỉ IELTS hoặc TOEIC để xét tuyển đầu vào.

Mặt khác, thầy Hiệp cho biết thêm, hiện trường cũng đang nghiên cứu về về phương án xét tuyển đại học năm 2024 có thể sẽ công bố vào tháng 1 tới đây, trong đó các phương thức tuyển sinh không khác nhiều nhưng trường dự kiến sẽ mở thêm khoảng 1-2 ngành mới.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Thái Doãn Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, việc chứng chỉ VSTEP được đưa vào một trong những chứng chỉ mà thí sinh có thể sử dụng để miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học cũng thuộc lộ trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dự kiến. Và năm tuyển sinh vừa qua cũng đã có một số trường đại học sử dụng chứng chỉ này để xét tuyển đầu vào.

Theo thầy Thanh, thực tế hiện nay, đa phần học sinh phổ thông cũng chỉ ôn tập và thi chứng chỉ IELTS là chính, bởi kết quả của chứng chỉ này có thể giúp các em thực hiện nhiều mục tiêu khác nhau như dùng để miễn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển vào đại học hoặc đi du học,…

Năm 2023, đối với phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng (khoảng 5-10% chỉ tiêu), Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh có sử dụng chứng chỉ IELTS và TOEIC để xét tuyển đầu vào cho thí sinh đối với tất cả các ngành học. Cụ thể, đối với ngành Ngôn ngữ Anh, thí sinh có điểm TOEIC 600 trở lên hoặc chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên thì được quy điểm xét môn Tiếng Anh là 10.0 điểm; đối với các ngành còn lại, nếu thí sinh có điểm TOEIC 500 trở lên, IELTS 4.5 trở lên thì được quy điểm xét môn Tiếng Anh là 10.0 điểm.

Thầy Thanh cũng cho hay, các chứng chỉ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong việc miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ, trường cũng sẽ sử dụng và đưa vào để xét tuyển đầu vào, quy đổi ra điểm môn tiếng Anh một cách phù hợp cho thí sinh.

“Cá nhân tôi đánh giá cao chất lượng của kỳ thi VSTEP bởi các khâu, quy trình tổ chức, thi và đánh giá rất nghiêm túc, chặt chẽ. Tuy nhiên, để mà nâng cao chất lượng thực sự thì cần phải có một có hệ thống ngân hàng đề thi chuẩn, tiệm cận được quốc tế thì mới có thể đẩy mạnh chất lượng của kỳ thi và chứng chỉ này lên được”, thầy Thanh nhấn mạnh.

Cả nước hiện có nhiều đơn vị được tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Cụ thể, gồm:

1. Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh

2. Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế

3. Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội

4. Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng

5. Đại học Thái Nguyên

6. Trường Đại học Cần Thơ

7. Trường Đại học Hà Nội

8. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

9. Trường Đại học Vinh

10. Trường Đại học Sài Gòn

11. Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh

12. Trường Đại học Trà Vinh

13. Trường Đại học Văn Lang

14. Trường Đại học Quy Nhơn

15. Trường Đại học Tây Nguyên

16. Học viện An ninh Nhân dân

17. Học viện Báo chí và Tuyên truyền

18. Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh

19. Trường Đại học Ngoại thương

20. Trường Đại học Thương mại

21. Học viện Khoa học Quân sự

22. Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh

23. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

24. Học viện Cảnh sát Nhân dân

25. Đại học Bách Khoa Hà Nội

26. Trường Đại học Nam Cần Thơ

...

Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, việc công nhận và sử dụng VSTEP để miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ cho thí sinh là một hướng đi đúng, tạo điều kiện cho thí sinh Việt Nam bên cạnh các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL; thể hiện một động thái tích cực, vì lợi ích của người học.

Các chứng chỉ tiếng Anh học thuật này không thay thế nhau mà bổ sung cho nhau, giúp thí sinh có thêm sự lựa chọn để chọn ra những gì phù hợp với điều kiện của mình về địa điểm, thời gian, chi phí, thế mạnh, ...

Thực tế hiện nay, một số trường đại học, cơ sở giáo dục chưa tin tưởng về bài thi VSTEP nên chưa công nhận chứng chỉ này. Đây là một thiệt thòi cho thí sinh Việt Nam và VSTEP cần phải cải thiện để chứng tỏ uy tín học thuật của mình trước các sơ sở giáo dục đại học cũng như các nhà tuyển dụng.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nguoi-hoc-chua-thuc-su-tiet-kiem-chi-phi-neu-vstep-chi-duoc-mien-thi-ngoai-ngu-post240180.gd