Người hồi hộp, đánh trống ngực... coi chừng bị đột quỵ

Cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh… là những triệu chứng của người mắc bệnh rối loạn nhịp tim. Đây là căn bệnh có nguy cơ cao gây suy tim và đột quỵ rất cao.

Bà T. (52 tuổi, quê Vĩnh Long) có triệu chứng rối loạn nhịp tim như hồi hộp, đánh trống ngực, mỗi lần lên cơn nhịp tim nhanh tần số tim lên đến 180 - 200 lần/phút. Còn bà N. (57 tuổi, quê An Giang) bị cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, hụt hơi, khó thở, tức ngực trong khoảng thời gian dài.

Bác sĩ hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân sau khi được can thiệp thành công - Ảnh: BVCC

Bác sĩ hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân sau khi được can thiệp thành công - Ảnh: BVCC

Cả hai bệnh nhân trên được chuyển đến Bệnh viện đa khoa S.I.S. Cần Thơ. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bà T. bị rối loạn nhịp nhanh trên thất; còn bà N. bị ngoại tâm thu thất nhịp đôi.

ThS-BS Nguyễn Mạnh Cường, Phó khoa Nội tổng hợp cho biết bình thường nhịp tim của con người khoảng 60 - 100 lần/phút, nhưng có trường hợp cao hơn hoặc thấp hơn do mắc bệnh rối loạn nhịp tim. Trường hợp bị ngoại tâm thu thất nhịp đôi cũng là do mắc bệnh rối loạn nhịp tim, thường có cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, hụt hơi, khó thở, tức ngực trong khoảng thời gian dài.

Trước tình trạng nguy hiểm trên, bác sĩ Cường cho biết, để xử lý dứt điểm căn bệnh rối loạn nhịp tim (EP) các bác sĩ tiến hành can thiệp thăm dò điện sinh lý tim và cắt đốt bằng sóng cao tầng. Đây là phương pháp giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về tình trạng rối loạn hoạt động điện của tim, từ đó đưa ra các phương pháp điều trị hiệu quả. “Trong quá trình can thiệp bằng phương pháp thăm dò điện sinh lý tim và cắt đốt bằng sóng cao tầng, chúng tôi sử dụng các ống thông nhỏ (catheter) để kiểm tra hoạt động điện của tim, ghi lại tín hiệu từ các khu vực khác nhau của tim để xác định nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp tim, sau đó tiến hành triệt đốt điện sinh lý giúp trái tim hoạt động ổn định lại. Sau khi được can thiệp điện sinh lý, các bệnh nhân đều cảm thấy triệu chứng của mình đã dứt hoàn toàn, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống”, bác sĩ Cường cho biết.

Theo bác sĩ Cường, trước đây việc kiểm soát rối loạn nhịp tim kịch phát trên thất và ngoại tâm thu thất chủ yếu dựa vào thuốc, nhưng tỷ lệ kiểm soát bằng thuốc chỉ đạt hiệu quả thấp. Những tình trạng này dễ tái phát do một vùng cơ tim hoạt động điện không ổn định, gây ra những cơn nhịp tim nhanh, nhịp tim không đều và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và nếu bị kéo dài có thể dẫn đến suy tim, đột quỵ của bệnh nhân.

Hiện nay, với sự tiến bộ của y học, can thiệp điện sinh lý tim đã trở thành phương pháp tối ưu cho những bệnh nhân mắc rối loạn nhịp tim nhanh, ngoại tâm thu thất, hội chứng WPW... Phương pháp này là một kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, cho phép điều trị triệt để. Sau khi thực hiện triệt đốt, bệnh nhân khỏi hoàn toàn, tỷ lệ tái phát rất thấp và không cần phải tiếp tục dùng thuốc về sau.

“Can thiệp điện sinh lý tim không chỉ giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị triệt để các triệu chứng như hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp nhanh, khó thở… mà còn giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng như suy tim và đột quỵ”, bác sĩ Cường nói.

Bác sĩ Cường nhấn mạnh rối loạn nhịp tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ tim mạch vì có thể gây ngừng tim, tim hoạt động kém hiệu quả (quá nhanh, quá chậm, không đều...). “Khi có các triệu chứng như hồi hộp, tức ngực, hụt hơi, khó thở, hoặc mệt mỏi, nên khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời”, bác sĩ Cường khuyến cáo.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nguoi-hoi-hop-danh-trong-nguc-coi-chung-bi-dot-quy-223340.html