Người Hồng Kông đòi đóng cửa biên giới với Trung Quốc, chính quyền từ chối

Đóng cửa biên giới Hồng Kông đối với tất cả du khách từ Trung Quốc đại lục để ngăn ngừa coronavirus gây chết người đang hoành hành ở đại lục vẫn là một chủ đề nóng, ngay cả khi chính quyền đặc khu đã ra lệnh cấm nhập cảnh tất cả những ai ghé tỉnh Hồ Bắc trong hai tuần qua.

Hồng Kông trong nỗi lo coronavirus

Hồng Kông trong nỗi lo coronavirus

Cuối Chủ nhật hôm qua, chính quyền đặc khu đã ra thông báo từ chối nhập cảnh vào Hồng Kông tất cả công dân đến từ tỉnh Hồ Bắc và bất cứ ai đã ở đó trong 14 ngày qua. Lệnh cấm được đưa ra trong bối cảnh thành phố vừa được báo cáo về trường hợp thứ 8 nhiễm coronavirus khi nhập cảnh vào Chủ nhật. Tất cả các bệnh nhân đều đến Vũ Hán và hầu hết vào Hồng Kông bằng đường sắt cao tốc.

Trưởng đặc khu Carrie Lam đã nâng mức cảnh báo chống lại coronavirus mới đến mức khẩn cấp cao nhất vào thứ Bảy. Đồng thời, đặc khu đã đưa ra một loạt các biện pháp mới bao gồm tạm đóng cửa các lớp học và tuyên truyền y tế trên tất cả các điểm vào thành phố.

Nhưng một số đông hoạt động trong lĩnh vực y tế vẫn cảm thấy chưa đủ và đưa ra lời kêu gọi ngăn chặn mạnh mẽ hơn nữa. Vào Chủ nhật, các nhân viên và chuyên gia chăm sóc sức khỏe của thành phố đã đưa ra một số đề xuất mới để đóng cửa biên giới.

Công đoàn các bệnh viện công, một liên minh dân chủ mới thành lập - đại diện cho khoảng 2.000 công nhân tại 43 bệnh viện công của thành phố, đã hành động mạnh mẽ nhất, kêu gọi một lệnh cấm vô thời hạn đối với du khách đại lục, với một đánh giá định kỳ về chương trình này, và sẽ chỉ chấm dứt khi dịch bệnh xuất hiện dấu hiệu được kiểm soát tại đại lục.

Phó chủ tịch liên minh Law Cheuk-yiu, một y tá, cho biết lệnh cấm nhập cảnh chỉ bao gồm tỉnh Hồ Bắc thì không đủ, vì 5 triệu người đã rời Vũ Hán trước khi thành phố bị phong tỏa. "Một lệnh cấm hoàn toàn hiện giờ là không thể tránh khỏi và hợp lý vì coronavirus đã xuất hiện ở khắp mọi nơi tại Trung Quốc", Law nói. Nhưng Law thừa nhận lệnh cấm như vậy là một ý tưởng táo bạo. “Có thể có những thiệt hại về kinh tế, nhưng chúng ta phải đặt an toàn mọi người trước lợi nhuận kinh tế ở giai đoạn này”, ông nói.

Alex Lam Chi-yau, Chủ tịch Hiệp hội Hỗ trợ nạn nhân Sars Hồng Kông, một nhóm được thành lập bởi hơn 300 người sống sót sau khi bị nhiễm bệnh dịch Sars năm 2003, đã cất thêm tiếng nói vào cuộc tranh luận và ủng hộ lệnh cách ly 14 ngày (tương ứng thời gian ủ bệnh) đối với du khách đại lục.

Tiến sĩ Arisina Ma Chung-yee, chủ tịch Hiệp hội bác sĩ công, cũng gây áp lực lên chính phủ bằng cách đưa ra một kế hoạch năm điểm. “Chúng tôi cũng muốn thấy các biện pháp kiểm soát biên giới được nâng cao ở phía đại lục. Họ có thể ngăn chặn những người bị sốt hoặc các triệu chứng khác đến Hồng Kông”, ông Ma nói. “Điều này có thể được chấp nhận về mặt chính trị hơn là lệnh cấm”.

Thế nhưng lãnh đạo thành phố đã kiên quyết loại bỏ ý tưởng đóng cửa biên giới, gọi nó là không phù hợp và không thực tế. Và lập trường của bà Lam được cũng ủng hộ bởi một số chuyên gia bao gồm trưởng khoa của trường Đại học y khoa Gabriel Leung. Leung nói rằng biên giới chưa bao giờ bị đóng cửa trong 20 năm qua, ngay cả trong thời kỳ bùng phát của hội chứng hô hấp cấp nghiêm trọng (Sars), dịch cúm gia cầm hay dịch cúm lợn. Giáo sư Đại học Trung Quốc David Hui Shu-cheong đã gọi gợi ý là cực đoan.

Vào Chủ nhật, Macau đã tăng cường các biện pháp của mình, nói rằng khoảng 1.100 du khách Hồ Bắc trong thành phố cần phải trở về đại lục nếu không họ sẽ bị cách ly. Trước đó, Macau đã tuyên bố thắt chặt biên giới bằng cách yêu cầu tất cả các du khách không phải là người địa phương đã đến Hồ Bắc trong 14 ngày qua phải xuất trình chứng nhận y tế chứng minh không nhiễm coronavirus. Những người không có ghi chú hợp lệ sẽ bị từ chối nhập cảnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khác đưa ra nghi ngờ mới về hiệu quả của lệnh cấm du lịch. Nhà vi sinh học hàng đầu của trường HKU Yuen Kwok-yung nói rằng về nguyên tắc, ông không phản đối lệnh cấm như vậy, nhưng đặt câu hỏi về tính hiệu quả của nó.

Có rất nhiều vấn đề kỹ thuật có thể khiến chương trình không hiệu quả, ông nói. Ví dụ, nhiều du khách đại lục có xu hướng đến Đông Nam Á vào kỳ nghỉ, sau đó dừng lại ở Hồng Kông trong hai đến ba ngày để mua sắm. Vì vậy, bạn cũng sẽ chặn các chuyến bay từ Đông Nam Á phải không?

Giáo sư nói thêm nhiều du khách đại lục đã đến đặc khu trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, và nhiều người Hồng Kông vẫn chưa trở về từ thăm người thân qua biên giới.

Bác sĩ Tsang Ho-fai, cựu kiểm soát viên của Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe, cho biết hiệu quả lệnh cấm biên bị nghi ngờ vì hàng hóa và vật tư vẫn cần phải thông biên, và công dân Trung Quốc đại lục có thể đến một nước thứ ba. Nhưng ông thừa nhận khả năng một số người đại lục đến bệnh viện Hồng Kông tìm cách điều trị tốt hơn khi họ nghi ngờ mình nhiễm coronavirus, thậm chí họ sợ nguy cơ bị cô lập tại địa phương.

Tsang ca ngợi phản ứng của chính quyền đặc khu cho đến nay, nói rằng họ đã làm được nhiều hơn so với vụ dịch Sars năm 2003 bằng cách đóng cửa các trường học ngay cả trước khi xác nhận sự lây nhiễm trong cộng đồng, ông cũng thừa nhận mối lo lắng của nhân viên bệnh viện tuyến đầu.

“Dĩ nhiên, tôi không ủng hộ một cuộc đình công, vì là bác sĩ, chúng tôi phải đặt bệnh nhân lên hàng đầu. Nhưng tôi nghĩ rằng nhu cầu của đội ngũ y tế được đáp ứng, chẳng hạn như yêu cầu chỗ ở cho nhân viên y tế, những người không muốn về nhà vì sợ truyền virut cho gia đình họ”, ông nói.

Giáo sư kinh tế của Đại học Trung Quốc Terence Chong Tai-leung cũng kêu gọi thận trọng trong việc cấm cửa du khách đại lục, nói rằng nó có thể gây rủi ro tới 1% GDP của thành phố. Ông nói: "Chúng ta phải cân nhắc cái giá cho việc đóng cửa biên giới so với rủi ro do sự bùng phát của vi rút. Nếu vi rút được chứng minh là dễ lây lan và nguy hiểm gấp 100 lần so với Sars, thì tôi nghĩ rằng chúng ta phải phong tỏa triệt để".

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/nguoi-hong-kong-doi-dong-cua-bien-gioi-voi-trung-quoc-chinh-quyen-tu-choi-130436.html