Người Hong Kong lại xuống đường, đánh dấu nửa năm phong trào biểu tình
Hàng chục nghìn người Hong Kong đã xuống đường vào chiều 8/12 để tiếp tục gây sức ép với chính quyền và Đặc khu trưởng Carrie Lam về những yêu cầu chưa được đáp ứng.
Theo CNN, hàng chục nghìn người đã tập trung tại công viên Victoria ở Vịnh Đồng La với các biểu ngữ và hô vang slogan biểu tình. Sự kiện lần này được tổ chức bởi nhóm Mặt trận Nhân Quyền Công dân (CHRF) và kế hoạch tuần hành đã được sự đồng ý của cảnh sát.
CHRF cũng là đơn vị tổ chức 2 cuộc tuần hành lớn liên tiếp vào hồi đầu tháng 6, với số người biểu tình lên đến hàng triệu (dù cảnh sát đưa ra con số nhỏ hơn).
Dự kiến, đám đông ngày 8/12 sẽ đi qua trung tâm đảo Hong Kong và tới đường Charter tại quận Trung Hoàn. Các nhà tổ chức đã cam kết cuộc tuần hành sẽ diễn ra ôn hòa, với 200 cộng tác viên có nhiệm vụ xử lý mọi xung đột tiềm tàng giữa người biểu tình và cảnh sát.
"Đây là cơ hội cuối cùng mà người dân dành cho bà Carrie Lam", Jimmy Sham, người phụ trách của nhóm CHRF, cho biết hôm 6/12.
CHRF đã kêu gọi Trưởng đặc khu Carrie Lam đáp ứng các yêu cầu của phong trào biểu tình, bao gồm một cuộc điều tra độc lập về các hành vi bạo lực của cảnh sát, cũng như việc tái khởi động quá trình cải cách chính trị, cho phép phổ thông đầu phiếu đối với quá trình bầu cử trưởng đặc khu và các nhà lập pháp của nghị viện Hong Kong.
Vài tiếng trước khi cuộc biểu tình bắt đầu, cảnh sát công bố một số vũ khí, bao gồm cả súng ngắn và dao mà họ thu thập được trong các cuộc đột kích vào đêm 7/12. Một số vụ bắt giữ đã được thực hiện.
"Chúng tôi tin rằng nhóm này lên kế hoạch sử dụng vũ khí để kích động bạo lực trong cuộc tuần hành hôm nay và xúc phạm cảnh sát", ông Lee Kwai Wa, giám đốc văn phòng tội phạm có tổ chức của thành phố, chia sẻ với phóng viên.
Ngày 11/12 sẽ đánh dấu quãng thời gian 6 tháng kể từ khi phong trào biểu tình nổ ra, ban đầu là để phản đối dự luật dẫn độ tới Trung Quốc đại lục. Khoảng 6.000 người đã bị bắt giữ và hàng trăm người khác bị thương.
Cuộc bầu cử hội đồng cấp quận ở Hong Kong hai tuần trước chứng kiến chiến thắng quan trọng của phong trào biểu tình khi phe dân chủ dành chiến thắng áp đảo. Mặc dù chiến thắng này không mang lại quyền lực, nhưng nó làm vô hiệu tuyên bố của chính quyền đặc khu rằng có một "phần lớn người dân thầm lặng" phản đối phong trào biểu tình.
Dù vậy, không có dấu hiệu nào cho thấy bà Lam hay chính quyền đặc khu sẵn sàng đáp ứng các yêu sách của người biểu tình, dẫn tới sự lo ngại về bạo lực tiếp diễn trong thời gian tới.
Kể từ khi cuộc bầu cử địa phương diễn ra, bà Lam vẫn kiên định từ chối những nhượng bộ tiếp theo, ngay cả khi mức tín nhiệm dành cho trưởng đặc khu đang ở mức thấp kỷ lục.
Danh tiếng của lực lượng cảnh sát Hong Kong cũng đã bị ảnh hưởng nặng nề. Cảnh sát bảo vệ cách tiếp cận của họ đối với các cuộc biểu tình và cho rằng họ đã ứng xử hợp lý trước sự leo thang bạo lực của những người biểu tình cực đoan.