Người hùng cứu sống Eriksen, họ là ai?

Ít ngày trước, người hâm mộ vừa chứng kiến một trong những khoảnh khắc ám ảnh bậc nhất lịch sử bóng đá thế giới. 90 phút từ lúc Christian Eriksen gục ngã đến khi trận Đan Mạch - Phần Lan bắt đầu trở lại kéo dài ngỡ như một thế kỷ. Eriksen đã sống sót một cách thần kỳ không chỉ bởi nghị lực của bản thân anh mà còn nhờ có những người hùng thầm lặng trên sân cỏ.

Người đồng đội tuyệt vời

2 ngày trôi qua sau sự cố của Eriksen, các bác sĩ xác nhận anh đã lên cơn đột quỵ. Họ còn tiết lộ trái tim Eriksen đã ngừng đập trong khoảnh khắc và anh thậm chí còn chết lâm sàng trước khi các bác sĩ đến. Nếu không có những biện pháp hỗ trợ kịp thời, bóng đá thế giới hoàn toàn có thể phải chứng kiến một thảm họa diễn ra giữa vòng chung kết EURO.

May mắn thay, bi kịch đó đã được ngăn lại bởi các cầu thủ Đan Mạch, tổ trọng tài điều hành trận đấu và đội ngũ y tế có mặt trên sân. Nhờ những người hùng thầm lặng ấy, kể từ lúc Eriksen ngã xuống ngất lịm đến khi anh tỉnh dậy và được cáng khỏi sân chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy 20 phút. Không lâu sau đó, tiền vệ này tỉnh táo ngồi trong bệnh viện nhắn tin trấn an đồng đội.

Cầu thủ Đan Mạch kết thành vòng tròn quanh Eriksen.

Cầu thủ Đan Mạch kết thành vòng tròn quanh Eriksen.

Mọi chuyện bắt đầu ở phút 43 trận đấu giữa Đan Mạch và Phần Lan, khi Eriksen nhận quả ném biên từ đồng đội rồi trả ngược lại. Anh ngã úp mặt xuống mặt cỏ mà không ngẩng đầu dậy. Một hiện tượng hoàn toàn bất thường. Trong giây lát, mọi cầu thủ và cả trọng tài chính Anthony Taylor đứng sững lại. Sau đó tất cả lập tức nhận ra sự việc nghiêm trọng đến mức nào và họ làm mọi thứ có thể để cứu Eriksen nhanh nhất.

Đội trưởng Đan Mạch Simon Kjaer là người đầu tiên nhận thức được tình trạng của Eriksen. Anh chạy ngay tới nơi tiền vệ này đang nằm và tiến hành các biện pháp sơ cứu. Kjaer thực hiện hô hấp nhân tạo, đồng thời đút tay vào miệng Eriksen để ngăn cầu thủ này không nuốt phải lưỡi trong cơn vô thức. Qua bộ đàm, trọng tài Taylor thông báo đến đội ngũ giám sát trận đấu: "Tình hình khẩn. Gọi ngay các bác sĩ vào sân, hỗ trợ y tế ở mức tối đa".

Toàn bộ quá trình trên diễn ra trong 13 phút. Chẳng ai biết số phận Eriksen sẽ ra sao nếu không có Kjaer. Lời tường thuật của Morten Boesen, bác sĩ Đội tuyển Đan Mạch phần nào cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc: "Cậu ấy ngất lịm đi, không thở, tim không đập. Rõ ràng đây là một vụ đột quỵ. Phải dùng đến máy khử rung tim chúng tôi mới có thể cứu sống cậu ấy. Eriksen đã lâm vào cảnh nguy kịch đến đâu ư? Tôi không rõ nữa".

Chạy đến bên Eriksen sau Kjaer, các cầu thủ Đan Mạch tạo thành một vòng tròn đứng xung quanh người đồng đội đang kề cận giây phút sinh tử. Họ không muốn hình ảnh Eriksen bị bất cứ ai ghi lại. Bình tình và tinh tế hơn nữa là thủ môn Kasper Schmeichel. Nhận thấy bạn gái Eriksen đang đứng trên khán đài mà lòng như lửa đốt, anh chạy đến bên cô và nói mọi chuyện vẫn ổn, cậu ấy vẫn đang thở, mọi chuyện sẽ tốt dần thôi.

Anh em bác sĩ - vận động viên

Sau Kjaer, anh em nhà Boesen chính là người hùng thứ hai cứu sống Eriksen. Bắt đầu làm việc tại FC Copenhagen từ năm 2004, Morten Boesen là bác sĩ trưởng tại CLB. Ông thành thạo mọi biện pháp điều trị chấn thương trong bóng đá, từ vết đau thông thường đến những ca mổ phức tạp. Liên đoàn Bóng đá Đan Mạch vốn đã biết tiếng Boesen từ lâu nhưng họ phải đợi đến tháng 3-2019 mới được FC Copenhagen cho phép thuê ông trong những lần đội tuyển quốc gia triệu tập.

Schmeichel và Kjaer là những người nhạy cảm nhất khi chứng kiến Eriksen ngã xuống.

Schmeichel và Kjaer là những người nhạy cảm nhất khi chứng kiến Eriksen ngã xuống.

Morten Boesen chỉ mất 45 giây để chạy đến bên Eriksen kể từ lúc tiền vệ này ngã xuống. Sát cánh bên ông là cậu em trai Anders Boesen, người cũng làm việc cho FC Copenhagen kiêm bác sĩ đại diện cho UEFA có mặt ở sân vận động hôm đó. Hai anh em Boesen có thể phản ứng nhanh như vậy vì họ từng là vận động viên chuyên nghiệp. Cả hai từng chơi cầu lông cho Đội tuyển Đan Mạch và Anders Boesen từng là tay vợt số 3 thế giới.

Một ngày bình thường của anh em nhà Boesen bắt đầu bằng việc đi từ nhà đến đại bản doanh FC Copenhagen, theo dõi tình hình sức khỏe các cầu thủ và đưa ra liệu pháp cải thiện thể trạng. Không phải ngày nào họ cũng phải cứu chữa một người đang nguy kịch nhưng họ luôn được đào tạo để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp chuyện đó xảy ra.

Người hâm mộ luôn đồng hành, động viên Eriksen vượt qua cơn nguy kịch.

Người hâm mộ luôn đồng hành, động viên Eriksen vượt qua cơn nguy kịch.

Khi Morten Boesen bước vào phòng họp báo nói về tình trạng sức khỏe của Eriksen, ông hoàn toàn tỉnh táo và nhận thức rõ vị trí của mình. Là một vận động viên đẳng cấp thế giới ở thời kỳ đỉnh cao, rõ ràng ông không cần vinh hoa phú quý gì cả, càng không muốn được mọi người tung hô như một người hùng cứu sống Eriksen. Morten Boesen đứng lên công khai câu chuyện cứu Eriksen vì ông muốn mọi người chấm dứt đồn đoán về tình trạng sức khỏe của anh.

Nhờ có anh em nhà Boesen, Eriksen nhanh chóng hồi tỉnh và lấy lại phần nào nhận thức. Mọi trang thiết bị cần thiết để cứu sống một bệnh nhân đột quỵ, từ máy khử rung tim đến băng gạc, cáng cứu thương... đều được hỗ trợ đầy đủ và kịp thời. Điều này có được nhờ đội ngũ nhân viên y tế tại sân vận động Parken. Phòng y tế của họ luôn chuẩn bị sẵn mọi thứ đề phòng biến cố bất ngờ xảy ra.

Địa điểm xây sân vận động Parken, may thay, lại chỉ cách Bệnh viện Rigshospitalet vỏn vẹn 4 phút lái xe. Là một trong những bệnh viện lớn nhất Đan Mạch, Rigshospitalet sở hữu những thiết bị y tế tân tiến nhất. Một nhân vật giấu tên của Liên đoàn Bóng đá Đan Mạch còn tiết lộ Parken - Rigshospitalet có đủ vật tư y tế để điều trị bệnh cho một nửa dân số Copenhagen trong trường hợp cần thiết.

Khi tất cả hòa làm một

5 năm vừa qua là một quãng thời gian dài chứng kiến thế giới phân cực, chia năm xẻ bảy. Đại dịch COVID-19 chỉ khiến mọi chuyện ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng, giữa những hố bùn ngăn cách đó, bóng đá, một lần nữa trở thành liều thuốc hàn gắn thế giới. Giống như những tuyển thủ Đan Mạch đứng thành một vòng tròn che chở Eriksen, phía trên khán đài, các cổ động viên tựa hàng ngàn người hùng cho thấy tình yêu không khoảng cách với trái bóng tròn.

16.000 khán giả trên sân Parken im lặng như tờ, nín thở theo dõi Eriksen được các bác sĩ sơ cứu ngay trên sân, rồi chực vỡ òa khi thấy anh ngồi dậy trên cáng cứu thương. Khi cổ động viên bên Phần Lan hô "Christian", phía Đan Mạch đáp lại "Eriksen". Tất cả đều đồng lòng sát cánh bên tiền vệ 29 tuổi như để tiếp thêm sức mạnh cho anh vượt qua cơn nguy kịch. Giữa lúc ấy, tất cả chúng ta là đồng đội của Eriksen.

Đội tuyển Phần Lan vỗ tay chào mừng Đan Mạch trở lại thi đấu.

Đội tuyển Phần Lan vỗ tay chào mừng Đan Mạch trở lại thi đấu.

Hơn 1 giờ trôi qua kể từ lúc Eriksen được đưa khỏi sân là một khoảng lặng khác. Chẳng ai biết trận đấu có thể tiếp tục hay không. Việc hủy bỏ kết quả, thậm chí cả giải đấu có thể được quyết định tùy thuộc vào diễn tiến bệnh tình của Eriksen tại bệnh viện. Từ nơi điều trị, Eriksen nhắn tin tới các đồng đội, trấn an họ mọi chuyện đã ổn. Không ít người đã bỏ về giữa trận và chỉ có những người kiên nhẫn nhất ở lại xem tiếp 48 phút bóng lăn.

Chính Eriksen cũng là một người hùng trong biến cố của mình bên cạnh những người đã trực tiếp cứu sống và cổ vũ, động viên anh. Đan Mạch cuối cùng bất ngờ nhận thất bại trước Phần Lan nhưng kết quả trận đấu dường như chẳng quan trọng bằng người đang nằm trên giường bệnh. Eriksen được trao giải cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu, không phải vì màn trình diễn trên sân mà bởi tấm gương kiên cường vượt qua thời khắc sinh tử.

EURO 2020 đã khép lại với Eriksen nhưng lại mở ra niềm cảm hứng mới cho hàng triệu người khác. Như cái cách Drogba dùng bóng đá để ngăn nội chiến Bờ Biển Ngà, Eriksen khiến chúng ta bước đến gần nhau hơn. Gạt qua những tranh cãi và bất đồng, chúng ta bỗng nhận ra mình có chung một mối quan tâm và sống vì nó. Chẳng điều gì có thể hàn gắn lại những đổ vỡ nhanh như bóng đá, niềm đam mê cháy bỏng với những ai đã trót yêu.

UEFA khuyến khích, hay ép cầu thủ Đan Mạch tiếp tục thi đấu?

Trả lời phỏng vấn tại quê nhà, cựu thủ môn Peter Schmeichel lên tiếng cáo buộc UEFA đã ép cầu thủ Đan Mạch phải đá nốt trận gặp Phần Lan trong trạng thái bất ổn. "Họ đe dọa sẽ xử thua Đan Mạch nếu chúng tôi từ chối ra sân đêm hôm đó", Schmeichel tiết lộ. Tuy nhiên, những quan chức UEFA lại đưa ra lời lý giải hoàn toàn khác. Họ cho biết việc trở lại thi đấu vào buổi tối Thứ bảy là quyết định được cả hai đội hoàn toàn nhất trí.

"Eriksen khuyên các đồng đội tiếp tục thi đấu, vì vậy chính Đan Mạch mới là đội chủ động đá nốt. Phần Lan thực chất chỉ nghe theo quyết định của Đan Mạch", UEFA đưa ra thông báo. Trên thực tế, họ đã tính đến việc tạm hoãn trận đấu này và đá nốt vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, theo quy định từ UEFA, trận đấu phải kết thúc trong vòng 18 giờ kể từ lúc tạm hoãn. Điều đó cũng có nghĩa nếu lùi sang Chủ nhật, hai đội sẽ phải đá vào 12 giờ trưa.

Không ai muốn phải căng sức thi đấu dưới cái nóng mùa hè, thế nên Đan Mạch và Phần Lan miễn cưỡng thi đấu nốt dù tâm lý ít nhiều bị ảnh hưởng bởi sự cố của Eriksen. Nhưng, tại sao lại phải thi đấu trong vòng 18 giờ? Lý do bởi các trận đấu của ngày tiếp theo đã trải rộng ở các khung 2 giờ, 5 giờ chiều và 8 giờ tối theo giờ châu Âu.

Nguyên nhân của việc UEFA kéo dãn lịch thi đấu cũng rất rõ ràng: Họ muốn thu lợi ích tối đa từ tiền bản quyền truyền hình và việc đá buổi chiều sớm sẽ giúp kiếm bộn từ những nước châu Á. Sự thay đổi lịch thi đấu của Premier League và La Liga mùa giải vừa qua cũng xuất phát từ động cơ tương tự.

Đơn Ca

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nguoi-hung-cuu-song-eriksen-ho-la-ai-645990/