'Người hùng tiền số' không thể cứu chính mình
Sam Bankman-Fried từng tuyên bố bỏ 1 tỷ USD để giải cứu thị trường tiền mã hóa và cho vay khẩn cấp với các công ty cùng ngành. Nhưng công ty của chính anh đang lâm nguy.
Sam Bankman-Fried - CEO FTX - từng là người dưới 30 tuổi giàu nhất thế giới. Nhưng anh hiện đã không còn là tỷ phú sau khi mất 14,8 tỷ USD, tương đương 94% tài sản, trong vỏn vẹn một ngày.
"Sam Bankman-Fried là 'hiệp sĩ trắng' trong suốt mùa đông tiền mã hóa. Và việc công ty của anh sụt giảm thanh khoản khiến làn sóng bất an lan rộng toàn ngành", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - bình luận với Zing.
"Đó là tin cực xấu với các nhà đầu tư tiền mã hóa. Họ đã tin rằng Sam Bankman-Fried sẽ là người hùng, là người dẫn dắt ngành công nghiệp gượng dậy và phát triển mạnh mẽ sau 'mùa đông tiền mã hóa'", vị chuyên gia nói thêm.
"Người hùng tiền số"
Theo Nikkei Asian Review, khác với các tỷ phú trẻ tuổi với lối sống xa hoa, Bankman-Fried khá giản dị. Vị CEO của sàn giao dịch tiền mã hóa vẫn thuê chung căn hộ với bạn và thường ngủ qua đêm tại văn phòng.
Nikkei dẫn lời bà Barbara Fried, mẹ của Sam Bankman-Fried, cho biết từ năm 14 tuổi, anh đã theo đuổi triết lý "làm để cho đi".
Theo Wall Street Journal, hồi tháng 8, Bankman-Fried tuyên bố bỏ 1 tỷ USD để giải cứu thị trường tiền mã hóa, vốn đang chao đảo vì hàng loạt vụ vỡ nợ và phá sản của các công ty trong ngành.
Trước đó, anh cũng từng tung ra các khoản cho vay khẩn cấp trị giá hàng trăm triệu USD để giải cứu những công ty cùng ngành trước bờ vực phá sản.
Giám đốc điều hành FTX cũng tham gia vào các hoạt động truyền thông để gây dựng niềm tin của thị trường. Anh khẳng định mục tiêu cuối cùng là giúp "tiền mã hóa được chấp nhận ở mọi nơi".
Hồi tháng 7, ngay sau khi nhận được lời đề nghị giúp đỡ từ công ty cho vay tiền mã hóa BlockFi, Bankman-Fried và các cộng sự lập tức lên kế hoạch thâu tóm. Thời điểm đó, BlockFi đối mặt với tình trạng suy giảm thanh khoản nghiêm trọng và đang trượt tới bờ vực phá sản.
Công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự sụp đổ của đồng LUNA và những công ty cùng ngành.
FTX sau đó cho BlockFi vay 400 triệu USD kèm đề nghị mua lại công ty với giá 240 triệu USD. BlockFi không phải công ty duy nhất được FTX giải cứu.
Bankman-Fried được coi là người hùng trong "mùa đông tiền mã hóa". Sau cú rơi của LUNA và TerraUSD, khoảng 15 công ty tiền mã hóa liên hệ với anh để vay tiền, trong đó có Celsius - công ty với 1,7 triệu khách hàng, từng quản lý khối tài sản 25 tỷ USD.
Bankman-Fried cũng mua lại sàn giao dịch Liquid hồi năm ngoái. Tháng 8/2021, sàn bị tin tặc đánh cắp 97 triệu USD và buộc phải kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp. Chỉ vài ngày sau đó, FTX cho Liquid vay 120 triệu USD để khắc phục hậu quả. Sàn sau đó được đổi tên thành FTX Japan.
Hồi tháng 6, FTX cũng thâu tóm sàn giao dịch tiền mã hóa Bitco của Canada.
FTX lâm nguy
Nhưng đế chế tiền mã hóa của anh vừa bị từ chối mua lại. Ngày 10/11, phát ngôn viên của Binance xác nhận sàn giao dịch này đã từ bỏ ý định mua lại FTX, nhanh như cách họ tuyên bố "vào cuộc để giải cứu FTX".
"Chúng tôi hy vọng có thể cung cấp thanh khoản cho người dùng FTX, nhưng các vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát và khả năng của chúng tôi", sàn giao dịch của tỷ phú Changpeng “CZ” Zhao giải thích.
Theo nguồn tin của Bloomberg, các lãnh đạo của Binance đã nhận ra rằng họ đang tự đẩy mình vào một "hố đen tài chính". Chênh lệch giữa nợ phải trả và tài sản của FTX có thể lên tới hàng tỷ USD, thậm chí vượt ngưỡng 6 tỷ USD.
Trên hết, các nhà quản lý Mỹ đang nhắm vào FTX. Mối quan hệ giữa FTX và công ty Alameda Research - cùng do Bankman-Fried thành lập - cũng gây nhiều tranh cãi.
Đó là tin xấu với tất cả
Ông Brian Armstrong - Giám đốc điều hành Coinbase
"Qua quá trình thẩm định, những báo cáo mới nhất liên quan tới việc xử lý sai nguồn tiền của khách hàng và các cuộc điều tra của giới chức Mỹ, chúng tôi quyết định từ bỏ thương vụ này", Binance tuyên bố.
Trước đó, ông Brian Armstrong - Giám đốc điều hành Coinbase - cảnh báo nếu thỏa thuận với Binance bất thành, các khách hàng của FTX sẽ gánh chịu thiệt hại.
"Đó là tin xấu với tất cả", ông nói.
Bankman-Fried không còn là tỷ phú, nhưng CZ vẫn giàu nhất ngành công nghiệp tiền mã hóa. Theo Bloomberg Billionaires Index, ông đang nắm giữ khối tài sản trị giá 16,4 tỷ USD. Tuy nhiên, tài sản của CZ được dự báo sẽ giảm mạnh theo sự suy yếu của thị trường.
Hồi đầu năm, CZ nắm giữ khối tài sản 97 tỷ USD.
Trở lại câu chuyện của FTX và Bankman-Fried, tham vọng gây dựng niềm tin của "người hùng" ngành công nghiệp tiền mã hóa dường như đang ngày càng xa tầm với.
Sau thông tin Binance từ chối mua lại FTX, giá Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - đã rơi xuống đáy 2 năm 15.700 USD/đồng, rồi phục hồi nhẹ lên 16.400 USD/đồng. Còn giá FTT - đồng tiền số của sàn FTX - sụt giảm 40,84% trong vỏn vẹn 24 giờ về 2,63 USD/đồng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-hung-tien-so-khong-the-cuu-chinh-minh-post1373950.html