Người hùng trong bão lửa
Có lẽ hiếm có vụ cháy rừng (hàng năm vốn không thiếu ở nước ta) lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội như vụ cháy rừng Hồng Lĩnh những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7 trên địa bàn huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Bởi Hồng Lĩnh từ lâu đã trở thành biểu tượng của sức sống, của văn hóa Hà Tĩnh, 'Núi Hồng – sông Lam' từ lâu đã là một giá trị của tâm thức, không riêng của xứ Nghệ.
Những tàn lửa phát sinh cuối cùng đã được dập tắt hôm 2/7 và những cơn mưa dù nhấm nhẳng nhưng quý hơn vàng đã chấm dứt đại họa do lửa gây ra đối với một trong 99 ngọn thuộc dãy Hồng Lĩnh. Trong hoạn nạn, trong bão lửa nhiều hành động của tình người, bao dung, đồng tâm hiệp lực... chứa đựng thông điệp có ý nghĩa.
Điển hình là ông Đậu Văn Tiến, sinh 1966, thôn 8, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông Tiến là một trong những người dân có mặt sớm nhất tại các điểm cháy. 13h ngày 28/6, ông nhận được cuộc gọi từ một thuê bao lạ nhờ lên khu vực rừng thuộc thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân) dập lửa. Ông khoác vội chiếc áo bảo hộ, cầm theo cưa máy chạy 12km lên khu vực cháy. Khói lửa bốc cao nghi ngút, bất chấp nguy hiểm, ông vứt xe ngay nghĩa trang, bám cây leo dốc đi lên.
Sau khi phán đoán hướng cháy, ông và các chiến sĩ công an, bộ đội làm nhiệm vụ cứu hỏa quyết định tạo đường băng ngăn đám cháy. Là người sử dụng cưa máy thành thạo, ông Tiến xung phong đi trước để cưa những cây lớn, các cây tạp, còn các chiến sĩ đi phía sau dọn dẹp thông thoáng cây để ngăn cách đám cháy.
Không thể sử dụng biện pháp nào hiệu quả hơn việc tạo đường băng này nhằm ngăn lửa, khống chế đám cháy vào lúc đó. Cứ thế đến 23 giờ đêm, khi đám cháy đầu tiên được khống chế, ông Đậu Văn Tiến chỉ kịp ngả lưng trên đường băng chợp mắt. Lửa lại bùng lên, ông lại lao vào cứu rừng. Dẫu bị thương do cưa máy “lia” vào chân chảy máu, ông xé áo tự băng bó, Cầm máu xong ông lại nối xích tiếp tục cưa vì sợ chậm chút lửa bén đến càng nguy hiểm.
Cứ thế, suốt 3 ngày trắng đêm với giặc lửa, một mình ông Đậu Văn Tiến đã dùng cưa máy cưa hàng ngàn gốc cây, tạo được hàng trăm mét đường băng cản lửa. Chính nhờ phương pháp này mà trong những ngày liên tiếp xảy ra cháy rừng, trên địa bàn huyện Nghi Xuân đã bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Điều đặc biệt, đây không phải là lần đi ứng cứu cháy rừng duy nhất của ông. Điều trân quý, sau vụ cháy, nhiều người dân, chính quyền mong muốn gửi một chút quà động viên nhưng ông Tiến đều từ chối. Chính vì hành động đẹp của ông mà trong nhiều ngày qua, nhiều người vẫn gọi ông là “người hùng trong bão lửa”.
Thế đấy, cuộc sống dẫu “phức tạp” vẫn luôn xuất hiện những con người bình thường với tấm lòng cao cả. Bên cạnh kẻ bất cẩn gây nên “thảm họa cháy rừng” Hồng Lĩnh thì có những người bất chấp hiểm nguy lao vào cứu rừng. Cuộc sống luôn màu nhiệm làm chúng ta tin yêu hơn cuộc sống.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/goc-nhin-ban-doc/nguoi-hung-trong-bao-lua-459874.html